(BLC) – Khai thác lợi thế của địa phương, cấp uỷ, chính quyền xã Thân Thuộc (huyện Tân Uyên) tích cực vận động Nhân dân trên địa bàn tập trung chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Trong đó, xã phát triển vùng chè nguyên liệu, vùng trồng ớt, chanh leo có liên kết sản xuất với doanh nghiệp; phát triển chăn nuôi đại gia súc. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế của xã.
Xã Thân Thuộc có 5 bản với 942 hộ dân. Toàn xã có trên 700ha đất nông nghiệp. Với mục tiêu giúp người dân nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững, cấp uỷ, chính quyền địa phương luôn quan tâm, chủ động thực hiện những giải pháp đồng bộ phù hợp với tình hình thực tiễn để tận dụng tối đa lợi thế tài nguyên đất, nước, nguồn nhân lực.
Chúng tôi cùng cán bộ xã “mục sở thị” một trong những vườn chanh leo lớn của địa phuơng thuộc sở hữu của gia đình anh Tòng Văn Trung, bản Chom Chăng. Anh Trung cho biết, khu vực trồng chanh leo hiện tại là diện tích trồng ngô, cấy lúa kém hiệu quả của gia đình. Mấy năm trước, gia đình anh chuyển đổi sang trồng cây bưởi. Tận dụng khoảng thời gian trồng bưởi, nghe cán bộ tuyên truyền, gia đình thử nghiệm trồng chanh leo với hơn 150 gốc.
Sau 1 lứa đầu thu hoạch, hiệu quả kinh tế cao, vợ chồng anh Trung nhân rộng trồng thêm chanh leo có ký kết bao tiêu sản phẩm với Công ty Cổ phần Nafoods. Hiện nay, gia đình anh trồng gần 1ha chanh leo, cho thu nhập mỗi năm khoảng 70 triệu đồng. Để có được kết quả này, vợ chồng anh tích cực chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại trên cây trồng.
Cùng với chuyển đổi diện tích đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, xã tăng cường vận động các hộ duy trì trồng cây lương thực, trong đó đưa các giống mới có năng suất, giá trị kinh tế cao vào gieo trồng; triển khai mở rộng vùng nguyên liệu chè. Xã thường xuyên cử cán bộ phối hợp với cán bộ chuyên môn của huyện để chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các hộ dân theo đúng quy trình các khâu: trồng, chăm sóc, phòng bệnh, thu hoạch…
Mô hình chanh leo được bà con bản Chom Chăng nhân rộng tạo vùng liên kết sản xuất nông nghiệp bền vững tại địa phương.
Trong chăn nuôi, chính quyền địa phương chỉ đạo các bản tuyên truyền người dân lựa chọn vật nuôi đáp ứng nhu cầu thị trường, phát triển theo hướng trang trại, gia trại. Chủ động khâu tiêm phòng vắc-xin; công tác phòng chống dịch bệnh, đói rét; dự trữ thức ăn cho đàn vật nuôi trong mùa đông. Khuyến khích các hộ dân phát triển chăn nuôi đại gia súc để lấy nguồn phân hữu cơ bón cho cây trồng. Từ đó, không những giúp cây trồng hấp thu nhiều chất dinh dưỡng, sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất cao mà còn giúp gia đình giảm nhiều chi phí đầu tư sản xuất.
Ngoài tập trung trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm, xã tạo điều kiện cho các hộ dân sinh sống cạnh quốc lộ 32 phát triển các hoạt động thương mại, dịch vụ, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân trong xã và địa phương lân cận; nuôi gối vụ, tăng số lượng đàn thuỷ sản. Cùng với đó, xã triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp của tỉnh cho các hộ dân; chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể giúp đỡ những hộ gia đình có nhu cầu tiếp cận các nguồn vốn vay để phát triển kinh tế.
Nhân dân xã Thân Thuộc phát triển chăn nuôi trâu, bò để nâng cao thu nhập.
Nhờ vậy, Nhân dân trên địa bàn hăng say phát triển kinh tế, nâng cao đời sống gia đình. Cho đến thời điểm này, xã Thân Thuộc duy trì sản xuất 270ha cây lương thực (lúa, ngô), các loại cây rau màu; sản lượng lương thực có hạt trong 6 tháng đầu năm nay đạt 1.397 tấn. Hiện tại, xã đang đôn đốc Nhân dân làm cỏ, bón phân, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại cho gần 372ha chè, trong đó có hơn 358ha chè kinh doanh, năng suất đạt 6,136 tạ/ha; 50ha cây ăn quả. Tổng đàn gia súc 3.316 con, tổng đàn gia cầm trên 25.000 con, diện tích nuôi trồng thuỷ sản 16ha… Tính đến nay, thu nhập bình quân của toàn xã đạt 40 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 8%.
Được biết, trong thời gian tới, xã tiếp tục vận động Nhân dân mở rộng diện tích trồng chè, cây ăn quả, cây ớt, hình thành các vùng sản xuất tập trung tạo điều kiện cho các hợp tác xã, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh liên kết, bao tiêu sản phẩm. Phát triển chăn nuôi đại gia súc hàng hoá thị trường. Phấn đấu đến hết năm 2023, xã đạt thu nhập bình quân 42 triệu đồng/người/năm.