Ông đã có những chỉ đạo, định hướng cho sự phát triển của 2 cơ quan báo chí của quân đội thời kỳ công nghệ 4.0 và báo số: Báo QĐND, Trung tâm Phát thanh & Truyền hình Quân đội.
Tối 18/5/2023, tổ chức kỷ niệm 10 năm ngày phát sóng kênh truyền hình “Quốc phòng Toàn dân”, bằng một Gala hoành tráng hấp dẫn, nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo cấp cao trong và ngoài quân đội đến dự. PGS.TS Trung tướng, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Nguyễn Tuấn Dũng có mặt từ sớm và cũng là một trong những vị tướng ra về sau cùng, chung vui cùng những người bạn, người em, những đồng đội đã cùng mình một thời gắn bó bên nhau, xây dựng và phát triển tờ báo nói, báo hình về quân sự và quốc phòng của cả nước.
Tại buổi gặp mặt tướng lĩnh gắn bó với Mặt trận Tây Nguyên nhân kỷ niệm 48 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thân mật nhắc đến Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên UVTW Đảng, nguyên Tư lệnh quân đoàn Ba, nguyên Tư lệnh Quân khu IV, cựu đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Thước và Trung tướng PGS.TS Nguyễn Tuấn Dũng – nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, nguyên Chính ủy, Bí thư đảng Quân đoàn Ba – Binh đoàn Tây Nguyên, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đánh giá cao công trạng các Tướng lĩnh.
Nguyễn Tuấn Dũng sinh năm 1952, rời quê hương Đức Đồng, Đức Thọ, Hà Tĩnh nhập ngũ ngày 26/4/1970, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn cuối cùng, thời điểm ác liệt nhất. 3 năm sau, ngày 26/4/1973, ông được kết nạp vào Đảng CSVN, được đơn vị cử đi đào tạo sỹ quan chính trị tại Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng.
Với Nguyễn Tuấn Dũng tầm nhìn “Văn hóa – Tư tưởng – Báo chí” thấm vào máu ngay từ khi bước vào tuổi trưởng thành, chịu nhiều ảnh hưởng của thận phụ, một cựu cán bộ Đoàn nhiệt thành, năng nổ, mẫn cán.
Tháng 3/1976, nhóm phóng viên tạo nguồn Báo Quân đội nhân dân, trong đó có tôi (PQT), Nguyễn Hồng Phương (nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM); Nguyễn Quang Thống (Thiếu tướng, nguyên Tổng Biên tập Báo QĐND); Phạm Ngọc Thiện (nguyên Phó Trưởng ban Dân Nguyện của Quốc hội); Đại tá nhà báo – Thư ký tòa soạn Nguyễn Hải Đức được điều động về Học viện Chính trị học lớp đào tạo giáo viên lý luận chuyên sâu Trung cao cấp.
Tôi và Nguyễn Tuấn Dũng được biên chế vào cùng một tiểu đội học viên, học phân khoa lý luận Chủ nghĩa Xã hội Khoa học. Đất nước vỡ òa trong men say chiến thắng, trong bối cảnh chế độ tập trung quan liêu bao cấp không còn phù hợp với điều kiện mới, chúng tôi học tập trong điều kiện vô cùng khó khăn, nghĩa tình thầy với trò, học viên với học viên càng gắn kết để cùng nhau vượt khó.
Lúc là học viên đào tạo giảng viên lý luận chính trị trung cao cấp, khi đi nghiên cứu sinh ở nước ngoài, Nguyễn Tuấn Dũng đều để lại những dấu ấn sâu đậm: thông minh, học giỏi, các kỳ thi đạt điểm xuất sắc; đào sâu suy nghĩ, phản biện sắc bén, chính kiến rõ ràng. Bộc lộ rõ năng khiếu báo chí, đam mê học hỏi nghiệp vụ làm báo, thời điểm đó Nguyễn Tuấn Dũng đã là cộng tác viên tích cực của Báo QĐND, được nhận nhiều phần thưởng của Báo QĐND.
Được giữ lại làm cán bộ giảng dạy, tạo nguồn cán bộ chủ chốt lĩnh vực chính trị – tư tưởng trong quân đội, Nguyễn Tuấn Dũng nhanh chóng khẳng định khả năng giảng dạy lý luận, nghiên cứu độc lập. Tháng 10/1984 ông được cử đi nghiên cứu sinh tại Học viện Chính trị – Quân sự mang tên V.I.Lenin, thuộc Liên bang Xô Viết, bảo vệ xuất sắc luận án tiến sỹ ngành Triết học. Năm 1996, bằng các công trình nghiên cứu sáng tạo, Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Dũng được Nhà nước công nhận học hàm Phó Giáo sư.
Nguyễn Tuấn Dũng được bổ nhiệm làm Phó Chủ nhiệm khoa Chủ nghĩa Xã hội Khoa học của Học viện Chính trị năm 1989; Chủ nhiệm khoa năm 1995; Phó Giám đốc Học viện năm 2000; giữ trọng trách Phó Tư lệnh Chính trị, Bí thư Đảng ủy Quân đoàn Ba – Binh đoàn Tây Nguyên năm 2022; Chính ủy, Bí thư đảng ủy Quân đoàn Ba năm 2006 – Binh đoàn chủ lực trấn ải vùng phên dậu Tây Nguyên.
Tháng 12 năm 2007, Nguyễn Tuấn Dũng được điều động về cơ quan chiến lược tại Hà Nội – Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam. Năm 2003, ông được phong cấp hàm Thiếu tướng; tháng 12 năm 2007 phong cấp hàm Trung tướng. Ông được đào tạo bài bản, có năng lực quản lý, trung tâm đoàn kết, mẫn cán và bản lĩnh, gương mẫu trong lời nói và việc làm.
Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, được phân công phụ trách lĩnh vực tư tưởng – văn hóa, trong đó có các cơ quan và hoạt động báo chí toàn quân, Nguyễn Tuấn Dũng nắm bắt công việc nhanh nhạy, phát hiện đúng, trúng nhiều vấn đề còn vướng mắc ở cơ sở, tham mưu kịp thời cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc Phòng, trực tiếp là TCCT kịp thời ra những quyết định lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, có hiệu quả, xử lý nhanh nhạy, mau lẹ các tình huống phức tạp nảy sinh, góp phần giữ vững mặt trận tư tưởng – văn hóa trong Quân đội.
Đối với lĩnh vực quản lý tư tưởng, báo chí, văn hóa nghệ thuật, Trung tướng Nguyễn Tuấn Dũng chịu khó nghiên cứu, nắm bắt nhanh, chỉ đạo sắc bén, thuyết phục. Không chỉ có khả năng truyền cảm hứng, thuyết phục khi giảng bài, truyền đạt Nghị quyết của Đảng mà Nguyễn Tuấn Dũng còn có khả năng biểu đạt chính kiến bằng ngôn ngữ. Nhiều bài báo, tiểu luận, nghiên cứu của Nguyễn Tuấn Dũng in trên các báo và tạp chí của Đảng và quân đội chuẩn mực về quan điểm, chặt chẽ lập luận, sắc sảo về ngôn từ có sức lan tỏa đến người đọc.
Ông nói: “Viết báo giúp cho tư duy lý luận, thời cuộc không già cội mà thêm sắc sảo, nhạy bén”. Những năm gần đây, thôi nhiệm vụ quản lý, PGS.TS Trung tướng Nguyễn Tuấn Dũng viết các bài về “Sự chuẩn mực khi sử dụng mạng xã hội”; “Góp phần lành mạnh hóa mạng xã hội”… đăng trên Tạp chí Người Làm báo (Hội Nhà báo Việt Nam), phát trên sóng truyền hình quốc gia được dư luận đánh giá cao.
PGS.TS Trung tướng Nguyễn Tuấn Dũng mê sách, chăm chỉ đọc sách mỗi ngày. Ông nói: “Sách là kho tàng tri thức làm cho ta trưởng thành, lớn khôn”. Không chỉ đam mê sách, tuy tuổi đã cao ông vẫn đi cơ sở, gắn bó với đồng đội, đồng nghiệp. Tháng 5 năm 2023, dịp kỷ niệm 133 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, được trao tặng Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng, lần thứ 3 Nguyễn Tuấn Dũng đã cưỡi sóng biển Đông về cùng các đồng đội ở quân đảo Trường Sa anh hùng – vùng đảo tiên tiêu của Tổ quốc.
Năm 2000, tại Hội nghị tôn vinh trí thức tiêu biểu năm 2000 tại Hà Nội, Nguyễn Tuấn Dũng được xướng tên vinh danh “Trí thức tiêu biểu”. Các kênh truyền thông lý luận của Đảng đã phỏng vấn PGS.TS Trung tướng Nguyễn Tuấn Dũng những vấn đề mà trí thức quan tâm, cốt lõi quan điểm của Đảng về con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; xây dựng Quân đội Nhân dân Việt Nam tinh nhuệ, chính quy, từng bước hiện đại; Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chống diễn biến hòa bình, chống tự diễn biến, tự chuyển hóa; Chuẩn mực sử dụng mạng xã hội… Một vị tướng yêu nghề báo như ông hằng tâm sự: “Bằng ngòi bút, trang viết để tự rèn luyện, học hỏi, nâng tầm lý luận”.
PGS.TS Trung tướng Nguyễn Tuấn Dũng khiêm nhường. Với ông vai trò của tập thể là trên hết, đoàn kết, yêu thương, hết lòng vì đồng đội, đồng nghiệp, mình vì mọi người. Đồng đội, đồng nghiệp có vướng mắc, khó khăn ông hết mình sẻ chia, giúp đỡ. Vào tuổi thất thập, khi các con đã khôn lớn, thành đạt, PGS.TS Trung tướng Nguyễn Tuấn Dũng hướng nhiều về cội nguồn, quê hương.
Người bạn đời của ông, nữ Trung tá Nguyễn Thị Minh Nguyệt đóng vai trợ lý tuyệt vời, đóng góp thêm công sức, trí tuệ cho ông. Niềm vui tuổi già, Nguyễn Tuấn Dũng khai phá, chăm sóc vườn cây ăn trái. Giống cam ngon, bưởi ngọt, vải thiều Lục Ngạn… do ông gây giống, sưu tầm mang về chăm bón, không chỉ là niềm vui mà còn là nơi hội tụ bạn bè, đồng đội, đồng nghiệp. Nhiều đồng đội, bạn bè khá bất ngờ về kiến thức “Nông học” của Tướng Dũng!
Lấp lánh trên ngực Huân chương Quân công hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba; Huy chương Quân kỳ quyết thắng, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng, tài và đức nhuẫn nhuyễn trong vị tướng yêu nghề báo.
Tháng 6 năm 2023
Phạm Quốc Toàn