Kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2023), ông Huỳnh Minh Chắc, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, dành cho Báo Hậu Giang cuộc trao đổi chân tình, cởi mở, xem báo chí như người nhà và khẳng định: “Không ai có thể phủ nhận cái thành quả của Hậu Giang mà không có Báo, Đài”.
Ông Huỳnh Minh Chắc, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, trao đổi với phóng viên Báo Hậu Giang. Ảnh: VĂN CẢNH
– Ông Huỳnh Minh Chắc nhấn mạnh: Nói đến vấn đề báo chí thì tôi xin thay mặt các đồng chí nguyên là lãnh đạo tỉnh Hậu Giang qua các thời kỳ chân thành cảm ơn các đồng chí hiện nay cũng như trước đây đã từng học tập, công tác ở cơ quan báo chí.
“Không ai có thể phủ nhận cái thành quả của Hậu Giang mà không có Báo, Đài từ các đồng chí ngày đầu đến Hậu Giang cho đến hiện nay các đồng chí còn hay chuyển công tác. Khẳng định rằng báo chí góp phần rất quan trọng vào thực hiện chủ trương, đường lối, nghị quyết của Tỉnh ủy”, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng Huỳnh Minh Chắc khẳng định.
Thưa ông, bên cạnh sự phát triển vượt bậc của Hậu Giang nói chung thì ông đánh giá như thế nào về phát triển báo chí tỉnh nhà thời gian qua ?
– Các đồng chí đã góp phần quan trọng cho Tỉnh ủy và Đảng bộ Hậu Giang để hoàn thành nhiệm vụ như tôi từng đánh giá; và kết quả của Hậu Giang đến ngày hôm nay thì vai trò của báo chí rất là quan trọng.
Bởi vì tiếng nói của Đảng, chương trình hành động của chính quyền, khó khăn, bức xúc của người dân mà không có cơ quan báo chí; các đồng chí đi từ nơi này nơi khác, ngõ ngách đời sống xã hội để các phát hiện, phản ảnh, đề đạt, thông tin cho lãnh đạo biết, để chúng ta có một quyết sách, một đường lối, chủ trương hợp lòng dân nhằm thực hiện các chương trình đó thì Hậu Giang ngày nay không có các con số ấn tượng về phát triển. Đó là tôi muốn nhấn mạnh vai trò của báo chí Hậu Giang như thế.
Báo chí tiên phong
Ông Huỳnh Minh Chắc nói cụ thể: Các đồng chí biết là thời kỳ đầu, nếu nói chia tách Hậu Giang ra thì có 2 cơ quan khó khăn nhất, là Sở Giáo dục và Đào tạo và Báo, Đài Phát thanh – Truyền hình: không có cơ quan, không có trụ sở, cán bộ bố trí rất là ít, mà phải ở đậu trên Cần Thơ. Truyền hình thì phát nhờ trên sóng truyền hình Cần Thơ 1 ngày 15 phút chứ mình cũng không có phương tiện gì; Báo thì các đồng chí 1 tuần chỉ có 1 tờ thôi…
Nhưng dần dần chúng ta đầu tư, chúng ta tổ chức, sắp xếp, chúng ta nâng cao trình độ, rồi chúng ta phấn đấu vươn lên, bây giờ báo ra 5 kỳ/tuần, còn đài phát suốt ngày.
Hai là nền tảng công nghệ và các mạng xã hội thì các đồng chí cũng đuổi theo kịp. Hay là tới đây các đồng chí định hướng đến phát triển báo đa phương tiện, thì đây là một việc tôi muốn nói là trưởng thành của Báo, Đài Hậu Giang.
Xứng đáng được thưởng trong kỷ niệm 20 năm thành lập tỉnh
Nhớ về những ngày đầu, năm đầu thành lập Hậu Giang, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang kể vấn đề giải quyết nhà ở cho gia đình chính sách, hộ nghèo.
Nếu không có báo, đài các đồng chí tuyên truyền, thông tin để cho các đảng bộ và Nhân dân biết để cùng nhau đồng tâm hiệp lực; lúc đó cũng chưa hẳn chúng ta bỏ tiền ngân sách ra làm mà chúng ta vận động Nhà nước và Nhân dân cùng làm, Đảng bộ và gia đình chính sách có điều kiện thì tham gia làm chứ không nhất thiết của tỉnh hay huyện giao cụ thể bao nhiêu tiền, nhưng các đồng chí đã tuyên truyền, tạo đồng thuận cao.
Hay là sau đó là nghị quyết về vấn đề giáo dục, nghị quyết về cơ giới hóa nông nghiệp… thì vai trò của báo chí trong thông tin, góp phần rất quan trọng…
Đó là những vấn đề phải nói rằng uy tín, công lao, trách nhiệm qua các thời kỳ gần 20 năm chia tách của báo chí.
Tôi cho rằng, Báo, Đài Hậu Giang xứng đáng được thưởng những phần thưởng gì đó ở trong dịp kỷ niệm 20 năm thành lập tỉnh. Không biết lãnh đạo tỉnh đã có quan tâm chưa, nhưng mà theo tôi là phải có khen thưởng cho báo chí trong dịp này.
Người dân nhận tin tức trên báo, đài và hiểu đó là chính thống
Xem báo chí như người nhà, ông Huỳnh Minh Chắc tâm sự: Cái tôi muốn nói nữa là về người dân, người dân nhận tin tức trên báo, đài và hiểu đó là chính thống, là tiếng nói của Đảng, chính quyền, cho nên khi chúng ta làm những việc gì đó của báo, của đài thì chúng ta phải giữ vững phẩm chất, đạo đức, quan điểm, tính chiến đấu của báo chí, chớ không nên vì kinh tế thị trường mà phai nhạt mục tiêu, lý tưởng của mình, ảnh hưởng đến cá nhân mình, đến tổ chức đảng, chính quyền.
Nhưng tôi cũng rất mừng là ít có nghe đội ngũ báo chí Hậu Giang vi phạm những cái này, cái khác mang tính chất trầm trọng đối với nghề nghiệp; tất nhiên là những việc nhỏ nhặt cũng có, nhưng mà tôi không có thông tin.
Tôi cũng mong rằng, các đồng chí phát huy truyền thống đó, cố gắng tập trung giáo dục đạo đức, lối sống cho đội ngũ báo và đài, làm sao để phát huy, giữ vững, sau 20 năm rồi, 21, 22, 23, 24… về sau nữa giữ vững được truyền thống tốt đẹp của Báo và Đài Hậu Giang.
Hiện nay, Báo Hậu Giang đang tập trung phát triển đa phương tiện, cụ thể là đầu tư cho cơ sở vật chất và trang thiết bị, cũng như là nguồn nhân lực tương đối, theo ông để Báo Hậu Giang phát triển nhiều hơn nữa thì nguồn nhân lực, vật lực phải quyết định đến vấn đề này không, thưa ông ?
– Theo tôi, đúng là như vậy!
Vì cái gì cũng vậy, muốn phát triển phải có nhân tài, vật lực, hai cái đó là quyết định.
Bây giờ muốn làm việc gì đó hiện đại, phải có con người, con người phải biết, phải đào tạo con người này, mà đào tạo con người này thì phải có vật chất để con người này sử dụng, mà vật chất cho con người này sử dụng thì phải có kinh phí. Trách nhiệm này, Tỉnh ủy, UBND, ngân sách nhà nước, các đồng chí bố trí. Nếu muốn báo và đài những năm sau tiếp tục vươn lên thì nhân tài, vật lực là quyết định.
Các đồng chí có bộ máy tốt mà không có phương tiện thì cũng không làm gì được; có phương tiện tốt mà trùm mền để đó, không có con người sử dụng thì cũng không làm được gì đâu. Cho nên 2 cái này phải đi song song với nhau và nó gặp nhau, sẽ tạo thành một cái bức tranh chung của tỉnh tốt đẹp hơn.
Xin cảm ơn ông !
TRÍ THỨC thực hiện