Các cuộc đột kích đã được thực hiện tại trụ sở của ủy ban, được gọi là Cojo, và tại các văn phòng của Solideo, theo cơ quan phụ trách các địa điểm xây dựng Olympic 2024 cho biết.
Lý do của cuộc đột kích chưa được công bố ngay lập tức nhưng Cojo cho biết họ “hợp tác đầy đủ với các nhà điều tra để tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc điều tra của họ”. Đây là cuộc đột kích đầu tiên vào trụ sở ban tổ chức này.
Theo một nguồn tin khác thân cận với cuộc điều tra, các cuộc khám xét được tiến hành bởi các nhà điều tra tội phạm tài chính và chống tham nhũng, cũng như BRDE – cảnh sát tài chính của Paris.
Hai năm trước, hai báo cáo của Cơ quan chống tham nhũng Pháp (AFA) đã nêu bật “những rủi ro ảnh hưởng đến tính trung thực” và “xung đột lợi ích” mà cơ quan này cảnh báo có thể ảnh hưởng đến hình ảnh “trong trắng” của Thế vận hội mà người đứng đầu ban tổ chức Tony Estanguet mong muốn.
Các thanh tra của AFA cho biết các quy trình đấu thầu là “không chính xác và không đầy đủ” và nhấn mạnh rằng “đôi khi tồn tại những tình huống xung đột lợi ích tiềm ẩn không được giám sát một cách chính xác”.
Cuộc đột kích nói trên là sự cố mới nhất ảnh hưởng đến nền thể thao Pháp trong năm qua. Vào tháng 5, Brigitte Henriques đã khiến nhiều người ngạc nhiên khi từ chức Chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc gia Pháp.
Một số liên đoàn – bóng đá, bóng bầu dục, thể dục dụng cụ và quần vợt – của Pháp cũng đã vướng vào các vụ bê bối. Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Pháp, Noel Le Graet, 80 tuổi, đã từ chức vào tháng 2 vừa rồi sau những cáo buộc quấy rối tình dục và tâm lý. Điều đó xảy ra chỉ hai tháng sau khi Pháp thua trong trận chung kết World Cup 2022 ở Qatar.
Cựu Bộ trưởng Thể thao và huấn luyện viên bóng bầu dục Pháp Bernard Laporte cũng từ bỏ vai trò Chủ tịch Liên đoàn bóng bầu dục Pháp vào tháng 1 sau khi bị kết tội tham nhũng – vài tháng trước khi Pháp đăng cai tổ chức World Cup bóng bầu dục nam.
Thế vận hội Paris sẽ khai mạc vào ngày 26 tháng 7 và kéo dài đến ngày 11 tháng 8 năm 2024.
Huy Hoàng (theo AFP, Reuters, CNA)