(HNM) – Chia vui với những người làm Báo Hànộimới nhân dịp kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2023), Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Thị Mai Hương khẳng định, trong những năm qua, Báo Hànộimới đã khẳng định là cơ quan báo chí chủ lực của thành phố Hà Nội, luôn đi đầu trong công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và thành phố. Dưới đây là ý kiến của đồng chí Nguyễn Thị Mai Hương.
Thời gian qua, công tác tuyên truyền trên các ấn phẩm của Báo Hànộimới đã phát triển toàn diện cả về hình thức và nội dung, phản ánh kịp thời, đúng định hướng chủ trương, chính sách, chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố.
Báo đa dạng hình thức thể hiện bằng hình ảnh (megastory, longform, infographic…) để truyền đạt những chính sách, chủ trương hay các quy trình vốn khô khan thành những hình ảnh minh họa sinh động, rõ nét, dễ hiểu đến người dân, qua đó giúp bạn đọc có thể tiếp cận một cách dễ nhớ, dễ làm. Đó là các hình thức tuyên truyền trong phòng, chống dịch bệnh trong thời gian qua, hay những nhắc nhở, phê phán về công tác trật tự đô thị được thể hiện bằng những bức ảnh báo chí rất rõ ràng khiến người được phê phán, nhắc nhở cũng dễ tiếp thu, chỉnh sửa, từ đó tạo nên sự đồng thuận xã hội cao – yếu tố quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế, xã hội của thành phố Hà Nội.
Những kết quả trên thể hiện sự nỗ lực và trách nhiệm của Ban Biên tập, đội ngũ phóng viên Báo Hànộimới với bạn đọc, luôn muốn phục vụ bạn đọc một cách tốt nhất, hiệu quả nhất. Qua các trang báo của mình, Hànộimới còn phản ánh tiếng nói từ người dân với các cấp ủy, chính quyền để các cơ quan tiếp thu, điều chỉnh chủ trương, chính sách sát với thực tế, hợp lòng dân, từ đó nhận được sự đồng thuận xã hội. Cũng phải nói thêm rằng, qua các chuyên mục của báo, thành phố tiếp nhận nhiều ý kiến góp ý để từng bước xây dựng và phát triển Hà Nội trở thành Thủ đô văn hiến văn minh, hiện đại…
Trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và xu thế báo chí hiện đại, để đáp ứng các nhiệm vụ mà thành phố đặt ra cũng như kỳ vọng của nhân dân Thủ đô, tôi cho rằng, Báo Hànộimới tiếp tục triển khai nhiều việc.
Đó là công tác chuyển đổi số trong cơ quan Báo. Bởi đây là xu hướng tất yếu của các cơ quan báo chí và Hànộimới không thể nằm ngoài xu thế này. Sự phát triển của Báo phụ thuộc vào mối quan hệ tương tác chặt chẽ với độc giả và vì thế, chiến lược chuyển đổi số phải lấy độc giả làm trung tâm phục vụ.
Cùng với những giá trị đã được khẳng định của Báo đó là “tin cậy, chính xác, mang tính định hướng cao”, chuyển đổi số cũng là một yếu tố quan trọng khẳng định vị thế của Hànộimới trong báo chí hiện đại, nếu không thực hiện được điều này thì có thể sẽ xuất hiện những nguy cơ như tụt hậu, mất độc giả.
Để làm tốt điều này, Báo Hànộimới cần bám sát chỉ đạo của Chính phủ tại Quyết định ban hành Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch hành động triển khai Chiến lược Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Bộ Thông tin và Truyền thông, Chương trình Chuyển đổi số thành phố Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đặc biệt là tự xây dựng một chiến lược riêng của Báo dựa trên đánh giá những yếu tố nội tại và phát triển nó một cách căn cơ, bài bản để có thể đạt được những mục tiêu đề ra.
Cùng với đó, để đáp ứng xu thế trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt trước sự phát triển mạnh mẽ của các nền tảng mạng xã hội, Báo Hànộimới cần phải duy trì vị thế là cơ quan báo chí tin cậy, đồng thời phải cung cấp thông tin nhanh chóng, kịp thời hơn nữa và đặc biệt là những thông tin mang tính riêng có của Hànộimới tới bạn đọc.
Điều này đòi hỏi báo phải có bài viết chuyên sâu, có đội ngũ cộng tác viên là chuyên gia cao cấp trong và ngoài nước để tham góp với thành phố các vấn đề khó, nóng. Hiện thành phố đang triển khai nhiều nhiệm vụ lớn, như Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; hoàn thành dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), xây dựng đường Vành đai 4… Do vậy, thành phố rất cần nhiều tiếng nói phản biện, góp ý, hiến kế từ cộng đồng, chuyên gia trong và ngoài nước. Là cơ quan ngôn luận, Báo Hànộimới cần làm tốt vai trò cầu nối này.
Làm báo là một công việc đặc biệt, bởi đó là hoạt động trên lĩnh vực tư tưởng. Nhiệm vụ này đòi hỏi cơ quan báo chí và đội ngũ người làm báo luôn phải nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Mong rằng Báo Hànộimới tiếp tục quan tâm công tác này. Ngoài việc trau dồi nghiệp vụ, người làm báo cần có bản lĩnh vững vàng, tuân thủ quy định pháp luật nói chung, đạo đức người làm báo nói riêng và đặc biệt là các quy định về văn hoá ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô…
Cùng với đó, ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, Sở Thông tin và Truyền thông cũng sẽ tiếp tục tham mưu lãnh đạo thành phố và cùng với các cơ quan chức năng có các giải pháp nhằm tạo tiềm lực mạnh mẽ hơn cho hoạt động của Báo Hànộimới, để Báo tiếp tục vững bước và phát triển, xứng đáng là cơ quan báo Đảng của Thủ đô Hà Nội.