Theo Tờ trình của Chính phủ, qua hơn 10 năm thực hiện, Luật Tài nguyên nước năm 2012 đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của toàn xã hội về bảo vệ, khai thác sử dụng tài nguyên nước. Tài nguyên nước đã được quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững hơn, mang lại nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.
Mục tiêu của dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, bảo đảm minh bạch để có khả năng khai thác tối đa nguồn lực tài nguyên, phân bổ hợp lý và sử dụng có hiệu quả; bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia; chú trọng phòng ngừa, kiểm soát và phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm; phân định rõ trách nhiệm quản lý nguồn nước và trách nhiệm quản lý công trình khai thác nước cả trung ương và địa phương khắc phục các chồng chéo, xung đột pháp luật.
Bên cạnh đó, Luật sẽ hướng tới quản lý tài nguyên nước trên nền tảng công nghệ số, thống nhất về cơ sở dữ liệu, xây dựng bộ công cụ hỗ trợ ra quyết định theo thời gian thực, giảm thiểu nhân lực quản lý, vận hành, chi phí đầu tư của nhà nước; giảm điều kiện kinh doanh cho tổ chức, cá nhân. Đồng thời, sẽ chuyển dần từ quản lý bằng công cụ hành chính sang quản lý bằng công cụ kinh tế thông qua các chính sách về: giá nước, thuế, phí, lệ phí, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; đẩy mạnh xã hội hoá…
Dự thảo Luật Tài nguyên nước sửa đổi gồm 83 điều và được bố cục thành 10 chương. So với Luật Tài nguyên nước năm 2012, dự thảo Luật không tăng về số chương (trong đó giữ nguyên 9 điều; sửa đổi, bổ sung 59 điều; bổ sung mới 15 điều) và bãi bỏ 13 điều.Về phạm vi điều chỉnh, quy định tại dự thảo luật về cơ bản giữ nguyên như Luật 2012.
Theo đó, luật này quy định về quản lý, bảo vệ khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra thuộc lãnh thổ của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Nước dưới đất và nước biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước khoáng, nước nóng thiên nhiên không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này.
Tại phiên thảo luận, các Đại biểu Quốc hội cơ bản thống nhất với Tờ trình, báo cáo thẩm tra dự án luật và báo cáo giải trình tiếp thu ý kiến tại Tổ của cơ quan soạn thảo và đánh giá hồ sơ dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) đã được chuẩn bị công phu, lấy ý kiến rộng rãi của các đối tượng chịu tác động, các cơ quan quản lý có liên quan; tham khảo pháp luật và kinh nghiệm quốc tế trong quản lý tài nguyên nước; tiếp thu nghiêm túc nhiều ý kiến thẩm tra, góp ý.
Phát biểu tại phiên họp, Đại biểu Tráng A Dương – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang đánh giá cao sự tích cực của cơ quan soạn thảo trong việc tiếp thu, giải trình ý kiến đầy đủ của các Đại biểu tại phiên thảo luận Tổ.
Góp ý vào Dự thảo Luật, Đại biểu cho rằng, về phạm vi điều chỉnh tại khoản 2, điều 1 Dự thảo Luật quy định nước nóng thiên nhiên, nước khoáng không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này, như vậy nước nóng thiên nhiên, nước khoáng thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Khoáng sản. Tuy nhiên, 2 loại nước này là tài nguyên nước, tồn tại tại các tầng chứa nước dưới đất, có khả năng tái tạo không như các loại khoáng sản khác. Do đó, Đại biểu đề nghị quy định nước nóng thiên nhiên, nước khoáng thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Tài nguyên nước để đảm bảo việc thống nhất quản lý; đồng thời cần quy định cụ thể về 2 loại nước này quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả phục vụ nhu cầu của nhân dân, du lịch…
Về giải thích thuật ngữ tại điều 5, Đại biểu Tráng A Dương cũng đề nghị làm rõ khái niệm “phát triển tài nguyên nước” vì để phát triển tài nguyên nước cần bảo vệ phát triển tài nguyên rừng (nguồn sinh thủy), bảo đảm an toàn các hồ chứa nước, cần xây dựng các công trình chứa nước đa mục tiêu… ngoài ra, phải có giải pháp gắn kết quy hoạch tài nguyên nước với quy hoạch phát triển rừng, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội, an ninh, quốc phòng, do đó Đại biểu đề nghị làm rõ khái niệm này.
Cũng theo Đại biểu Tráng A Dương, để đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia, chú trọng phòng ngừa, phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm, Dự thảo Luật đã có quy định từ điều 23 đến điều 35, trong đó quy định trách nhiệm của một số Bộ ngành, địa phương, tuy nhiên việc quản lý tài nguyên nước là quản lý đa ngành, tổng hợp, có nhiều yếu tố, nguyên nhân dân tới việc suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước như: đô thị hóa, nước thải công nghiệp, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật… Do đó, Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu quy định cụ thể trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân trong liên quan tới việc bảo vệ phòng ngừa phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm.
Đại biểu Dương Tấn Quân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) bày tỏ sự tán thành việc cần thiết xây dựng Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) với những lý do như đã đề cập tại Tờ trình số 162/Tr-CP ngày 28/4/2023 của Chính phủ nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất để khai thác tối đa nguồn lực tài nguyên, phân bổ hợp lý và sử dụng có hiệu quả, bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia, phân định rõ trách nhiệm quản lý nguồn nước và trách nhiệm quản lý công trình khai thác nước cả trung ương và địa phương; đồng thời góp phần thống nhất về cơ sở dữ liệu, giảm thiểu nhân lực quản lý, vận hành chi phí đầu tư của nhà nước…
Đại biểu đề nghị làm rõ hơn tác động của việc bảo đảm an ninh nguồn nước; xã hội hóa ngành nước; vấn đề tài chính về tài nguyên nước và việc bảo vệ tài nguyên nước, phòng chống tác hại do nước gây ra; từ đó đề xuất sửa đổi bổ sung chính sách.
Đối với quy định chung về khai thác, sử dụng tài nguyên nước tại điểm a, khoản 1, Điều 42 dự thảo Luật, Đại biểu cho rằng nếu chỉ căn cứ vào việc phù hợp với quy hoạch của địa phương là chưa đầy đủ, chưa đảm bảo tính chặt chẽ, đồng bộ. Do đó, đề nghị nghiên cứu bổ sung việc đầu tư, xây dựng công trình khai thác sử dụng nước cho các mục đích phải phù hợp với quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch tổng hợp lưu vực sông và các quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành khác. Điều này nhằm đảm bảo cho việc khai thác và sử dụng tài nguyên nước cụ thể hơn và chặt chẽ thông qua các quy hoạch tổng thể, toàn diện của các cơ quan có thẩm quyền từ Trung ương đến địa phương…
Quan tâm tới, chính sách của Nhà nước về tài nguyên nước (Điều 5), đại biểu Nguyễn Văn Thi – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga – lĐoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương bày tỏ đồng tình cao với dự thảo Luật đã bổ sung quy định: “Nhà nước có cơ chế khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến để quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên nước; xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để tái sử dụng, xử lý nước mặn, nước lợ thành nước ngọt”. Đây là chính sách rất cần thiết, trên thế giới, việc tái sử dụng nước đã được sử dụng khá phổ biến cho nhiều mục đích khác nhau bao gồm: nông nghiệp, công nghiệp, đô thị …. Tại Việt Nam hiện nay nguồn nước ngọt còn tương đối nhiều, tuy nhiên tình trạng giảm mực nước tại một số dòng sông; việc suy kiệt nguồn nước ngầm; tình trạng hạn hán ở miền Trung, nhiễm mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long… đang đặt ra việc phải sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả hơn, sử dụng nước tiếp cận theo hướng kinh tế tuần hoàn; đa dạng các nguồn nước là việc làm hết sức cần thiết; nhà nước cần có chính sách phù hợp để khuyến khích nghiên cứu, đầu tư vào lĩnh vực này.
Đối với chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, Báo cáo tổng kết thi hành Luật Tài nguyên nước năm 2012 của Chính phủ cũng đã chỉ rõ: “Chính sách liên quan đến phân bổ nguồn thu từ khai thác sử dụng nước ở các địa phương hạ nguồn để chi trả cho các địa phương thượng nguồn trong bảo vệ, phát triển rừng, vùng sinh thủy còn chưa được chú trọng; kinh phí hỗ trợ trồng và bảo vệ rừng không được phân bổ, điều tiết lại từ các địa phương hưởng lợi ở hạ lưu”. Do đó, đại biểu Nguyễn Văn Thi – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, có quy định cụ thể về chi trả dịch vụ môi trường rừng liên quan đến bảo vệ, phát triển nguồn nước, bảo đảm cho tổ chức, cá nhân duy trì bảo vệ, phát triển nguồn sinh thuỷ thượng lưu được chi trả phù hợp từ tổ chức, cá nhân được hưởng lợi ở hạ lưu.
Đại biểu đề nghị cần có quy định cụ thể về việc các tổ chức, cá nhân sử dụng nước sông, hồ chứa, đập chứa dưới vùng hạ lưu có trách nhiệm đóng góp kinh phí để chi trả cho những người làm công tác bảo vệ, phát triển rừng vùng thượng lưu để tạo nguồn sinh thuỷ.
Phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cảm ơn các ý kiến đóng góp trách nhiệm, tâm huyết của đại biểu Quốc hội, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu tối đa, tổng hợp các ý kiến góp ý để hoàn thiện dự thảo luật.
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh khẳng định, việc sửa đổi Luật Tài nguyên nước nhằm thể chế hóa các chủ trương lớn của Đảng về quản lý, sử dụng, đặc biệt là an ninh nguồn nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu tác động rất lớn đến Việt Nam. Việc sửa đổi luật cũng giúp chủ động trong việc tích nước, đảm bảo đủ nước, cấp nước sinh hoạt cho sinh hoạt và sản xuất.
Giải trình về các vấn đề đại biểu nêu, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát các giải pháp sử dụng nước khoa học, tiết kiệm, tiếp cận theo hướng tuần hoàn nguồn nước. Đối với đề nghị của đại biểu bổ sung phạm vi điều chỉnh đối với nước nóng, nước khoáng, Bộ trưởng cho biết nội dung này đã được quy định trong Luật Khoáng sản; đối với nước ngầm thuộc đặc quyền kinh tế, cơ quan soạn thảo sẽ nghiên cứu, tiếp thu, cùng với cơ quan liên quan tiến hành thẩm định rà soát nội dung này.
Cơ quan soạn thảo cũng sẽ nghiên cứu cụ thể hóa các quy định về quản lý tài nguyên nước đối với nước ngọt, nước mặt và nước lợ; quy định rõ hơn về các giải pháp phòng chống, khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra; rà soát, bổ sung điều chỉnh một số thuật ngữ chuyên ngành đảm bảo đầy đủ, thống nhất, dễ hiểu; nghiên cứu bổ sung các chức năng về phòng chống lũ, điều hòa chống úng chống ngập đô thị; trách nhiệm quản lý, phân cấp phân quyền, tách bạch quản lý nhà nước giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương…
Phát biểu kết thúc phiên thảo luận Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, trong phiên thảo luận đã có 20 đại biểu có ý kiến phát biểu, 2 đại biểu tranh luận, còn 22 đại biểu đăng ký nhưng chưa phát biểu, đề nghị gửi ý kiến bằng văn bản tới Ban thư ký để tổng hợp đầy đủ. Bộ trưởng Bộ TN&MT đã báo cáo giải trình, làm rõ thêm một số vấn đề các đại biểu quan tâm.
Qua thảo luận, các vị đại biểu nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật Tài nguyên nước để khắc phục bất cập, hạn chế của luật hiện hành, thể chế hóa chủ trương của Đảng về bảo vệ, sử dụng tài nguyên nước đảm bảo an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập, hồ chứa nước, chủ động tích cực trữ nước, điều tiết đảm bảo đủ nước cung cấp sinh hoạt, sản xuất đời sống, thực hiện các giải pháp tiết kiệm nước, tái sử dụng nước, ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản trị, phát triển tài nguyên nước. Các đại biểu cũng tham gia nhiều ý kiến xác đáng vào các điều khoản cụ thể cần nghiên cứu kỹ lưỡng để hoàn thiện dự thảo luật.
Sau phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiên cứu tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến các Đại biểu tại phiên thảo luận hôm nay và phiên thảo luận tại Tổ để hoàn thiện Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6.