Theo giấy phép, FPT Retail – công ty con của FPT được phép cung cấp các dịch vụ này thông qua mạng viễn thông di động mặt đất trên phạm vi toàn quốc, bao gồm dịch vụ viễn thông trên mạng viễn thông di động mặt đất tiêu chuẩn IMT-2000 và IMT-Advanced được cung cấp cho thuê bao viễn thông giao kết hợp đồng sử dụng dịch vụ viễn thông với doanh nghiệp.
Ngoài ra, doanh nghiệp này còn được phép cung cấp dịch vụ viễn thông trên mạng viễn thông tiêu chuẩn GSM được cung cấp cho thuê bao viễn thông khi thực hiện tính năng CS Fallback hoặc trong trường hợp mạng viễn thông di động mặt đất tiêu chuẩn IMT-2000 và IMT-Advanced không khả dụng.
Trong đó, tập trung vào định hướng phát triển các thuê bao sử dụng 3G/4G hoặc các công nghệ cao hơn.
FPT Retail sẽ cung cấp mạng di động ảo và sử dụng hạ tầng của các nhà mạng di động khác như Viettel, VNPT, MobiFone…
Lợi thế của FPT Retail gia nhập thị trường viễn thông di động là doanh nghiệp này sở hữu mạng lưới bán lẻ trên toàn quốc với hơn 800 cửa hàng FPT Shop và gần 1.300 cửa hàng dược phẩm Long Châu.
Mỗi năm, FPT Retail bán ra trên 1,5 triệu máy điện thoại smartphone và thiết bị IoT các loại và là đại lý cung cấp dịch vụ viễn thông di động đến hàng trăm ngàn khách hàng. Bên cạnh đó, FPT Retail có lợi thế khai thác hệ sinh thái dịch vụ số đa dạng của FPT để phát triển kinh doanh.
Thông thường, thời gian để triển khai hệ thống kỹ thuật cho một nhà mạng di động ảo mới sẽ mất từ 12 – 15 tháng. Với lợi thế về công nghệ và sự hỗ trợ từ tập đoàn, FPT Retail kỳ vọng sẽ rút ngắn thời gian này và sớm cung cấp dịch vụ tới khách hàng.
Theo số liệu của Cục Viễn thông (Bộ TT-TT), số lượng thuê bao điện thoại di động tại Việt Nam là gần 130 triệu. Trong đó, số lượng thuê bao điện thoại di động của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ di động ảo là 2,65 triệu, chiếm 2,1% tổng số lượng thuê bao toàn thị trường.
Hiện, Bộ TT-TT đã cấp phép cho 5 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng di động ảo tại Việt Nam gồm: Đông Dương Telecom, Mobicast, ASIM, Digilife và FPT Retail.