Ông Đỗ Hữu Quyết, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa:
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và kỷ nguyên số đã mở ra nhiều cơ hội đồng thời đặt ra nhiều thách thức đối với mỗi cơ quan báo chí nói riêng, công tác chỉ đạo, quản lý nhà nước trong hoạt động báo chí nói chung. Đứng trước những thời cơ và thách thức ấy, làm thế nào để công tác chỉ đạo, quản lý hoạt động báo chí đạt được hiệu quả hơn nữa? Đó cũng là nội dung xoay quanh cuộc trao đổi giữa Báo Thanh Hóa với ông Đỗ Hữu Quyết, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa.
Ông Đỗ Hữu Quyết, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa.
Phóng viên (P.V): Trong những năm vừa qua, thực hiện các quy định pháp luật về báo chí, công tác quản lý hoạt động báo chí trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có chuyển biến tích cực. Ông có thể nói rõ hơn về những kết quả đáng ghi nhận này?
Ông Đỗ Hữu Quyết: Trong những năm qua, các văn bản pháp lý đối với hoạt động báo chí đã tương đối hoàn thiện; phân cấp, phân quyền cụ thể cho các địa phương trong công tác quản lý hoạt động báo chí… Chính điều đó đã tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý nhà nước về báo chí ở địa phương thực hiện thẩm quyền một cách hiệu quả, từ đó hoạt động báo chí ở Thanh Hóa đã có nhiều chuyển biến tích cực, được thể hiện trên các mặt sau:
Công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động báo chí được thực hiện tốt, tăng cường quản lý hoạt động tác nghiệp đối với các PV trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh việc đề nghị các sở, ngành, các huyện, thị xã, thành phố tăng cường phối hợp thực hiện công tác quản lý hoạt động báo chí; tăng cường phối hợp, cung cấp, minh bạch thông tin đối với những yêu cầu cung cấp thông tin đúng quy định, đúng tôn chỉ, mục đích, bảo đảm quyền được thông tin của cơ quan báo chí, bảo đảm các cơ quan báo chí hoạt động đúng pháp luật. Đồng thời hướng dẫn chi tiết các đơn vị, địa phương thực hiện quy trình tiếp, làm việc, phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí; việc kiểm tra xử lý thông tin báo chí nêu; đặc biệt quan tâm đến việc kịp thời thông tin, phản ánh những hành vi nhũng nhiễu, làm trái quy định pháp luật, đạo đức người làm báo trong quá trình tác nghiệp.
Trong năm 2022 và các tháng đầu năm 2023 đã phát hiện và ban hành văn bản chấn chỉnh, nhắc nhở kịp thời hành vi tác nghiệp không đúng quy định của một số PV và việc một số cơ quan báo chí cấp giấy giới thiệu cho PV tác nghiệp chưa đúng tôn chỉ, mục đích, không đúng hướng dẫn ghi nội dung trong giấy giới thiệu. Sở đã thực hiện 2 đợt kiểm tra hoạt động của 23 văn phòng đại diện, PV thường trú tại Thanh Hóa; thanh tra 2 trang thông tin điện tử của cơ quan báo chí; đề nghị 13 lượt cơ quan báo chí chấn chỉnh hoạt động không đúng quy định của PV tác nghiệp trên địa bàn tỉnh; 3 lượt cơ quan báo chí cải chính do thông tin sai, qua đó đã từng bước đưa hoạt động tác nghiệp của PV trên địa bàn tỉnh đi vào nền nếp theo đúng quy định của pháp luật.
Sở đã thu hồi 2 giấy phép trang thông tin điện tử tổng hợp của thanhhoaexpress.vn; tintucnamdinh.vn, thực hiện xử phạt 2 tạp chí (Tạp chí điện tử Sở hữu trí tuệ và Sáng tạo, Tạp chí điện tử Môi trường và Đô thị) do thực hiện không đúng nội dung ghi trong giấy phép hoạt động; đăng tải bài viết sai sự thật với tổng số tiền 30 triệu đồng.
Công tác giao ban báo chí được duy trì đều đặn và đổi mới theo hướng thiết thực, hiệu quả, tăng tính tương tác giữa cơ quan chỉ đạo, quản lý với các cơ quan báo chí; đánh giá sát hơn, kịp thời hơn tình hình hoạt động của các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh; tập trung thảo luận làm rõ những tồn tại, hạn chế trong hoạt động báo chí; thực sự trở thành diễn đàn để các PV báo chí tương tác, trao đổi thẳng thắn, qua đó các cơ quan báo chí đã bám sát nội dung tại hội nghị để triển khai thực hiện, tập trung tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị, các thành quả đạt được trong phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh, lượng tin bài tích cực trên báo chí có sức lan tỏa đạt trên 80%.
P.V: Chuyển đổi số (CĐS) là xu thế tất yếu và báo chí cũng không nằm ngoài xu thế ấy. Ở đó, mô hình báo chí đa nền tảng hình thành, hướng tới mục tiêu phân phối sản phẩm thông tin trên nhiều ấn phẩm, chuyên trang, ứng dụng di động và mạng xã hội khác nhau. Chính việc đẩy mạnh phân phối sản phẩm thông tin trên đa nền tảng tạo nên những lợi thế nhưng phía sau đó cũng tồn tại không ít trăn trở, nhất là các vấn đề fake new, các vấn đề về kỹ năng, đạo đức nghề nghiệp, tôn chỉ, mục đích hoạt động của các cơ quan báo chí… Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Ông Đỗ Hữu Quyết: Trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, báo chí cần phải nhanh chóng CĐS, nếu không muốn tụt hậu và mất độc giả, khán thính giả. Vấn đề đặt ra cho các cơ quan báo chí của tỉnh trong giai đoạn hiện nay là: CĐS, xây dựng cơ quan báo chí đa phương tiện, ứng dụng, đổi mới công nghệ, kết hợp các loại hình truyền thông, ứng dụng OTT để cung cấp, truyền tải các chương trình phát thanh, truyền hình, các tác phẩm báo chí để người dân có thể chủ động nghe, xem, đọc mọi lúc, mọi nơi trên các thiết bị thông minh, đáp ứng nhu cầu thụ hưởng thông tin, giải trí của Nhân dân.
Mặt tích cực của ứng dụng công nghệ trong báo chí tạo cho việc tác nghiệp báo chí và thụ hưởng thông tin báo chí chưa bao giờ được thuận lợi như hiện nay. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trước bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và kỷ nguyên số diễn ra mạnh mẽ đặt ra khó khăn, thách thức lớn đối với mỗi cơ quan báo chí và công tác chỉ đạo, quản lý hoạt động báo chí trên địa bàn tỉnh nói chung.
Với sự phát triển của internet và mạng xã hội đã mang đến nguồn thông tin vô tận, với đặc điểm dễ tiếp cận, dễ chia sẻ, thông tin nhanh nhạy, đa dạng, mạng xã hội đang là một kênh tin tức được đông đảo công chúng lựa chọn. Thậm chí, với mạng xã hội, mỗi chủ tài khoản có thể trở thành những “nhà báo công dân” bằng cách tự đưa tin, hay trở thành những biên tập viên bằng cách chia sẻ với bạn bè về những xu hướng tin tức trên mạng xã hội. Mặc dù những tin tức này được truyền tải một cách rất đơn giản nhưng nó đáp ứng được tiêu chí nhanh, thỏa mãn được nhu cầu tiếp cận thông tin tức thời của bạn đọc. Tuy nhiên, không gian mạng với đặc tính “ảo”, dễ ẩn danh, lan truyền nhanh đã trở thành môi trường thuận lợi cho hoạt động phát tán tin giả, thông tin xấu, độc và loại hình này thường có xu hướng lan truyền nhanh hơn tin chính thống từ các phương tiện truyền thông báo chí.
Vì lẽ đó, các cơ quan báo chí cần phải đổi mới, ứng dụng mạnh mẽ AI, Big Data, IoT tạo ra các sản phẩm mới tiếp cận thị hiếu của độc giả để có các tin bài nhanh, kịp thời và phải bảo đảm tính chính xác, chất lượng với cách viết hấp dẫn, thu hút, truyền tải thông tin đến công chúng dưới mọi hình thức.
Ngoài ra báo chí phải là tiếng nói của sự thật, bảo vệ sự thật bằng quan điểm và thái độ tiến bộ, nhân văn. Mặt khác có những bình luận, phân tích sắc sảo theo hướng xây dựng, tích cực. Mọi quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước phải được chuyển tải một cách thuyết phục đến với Nhân dân. Nếu công chúng nhận thấy báo chí đang hướng đến với sự thật, chân lý thì giữa ma trận thông tin hỗn độn của mạng xã hội, nhưng độc giả vẫn tìm đến tin của báo chí, khi đó, báo chí đã khẳng định được chức năng định hướng của mình đối với xã hội.
Bên cạnh đó, báo chí chuyển mạnh theo hướng đa phương tiện, cải tiến phương thức quản trị. Người dân phải tiếp cận được với báo chí mọi nơi, mọi lúc, trên mọi phương tiện, có thể dễ dàng nắm bắt, thậm chí đo lường được các xu hướng trong dư luận và tâm trạng xã hội, từ đó điều chỉnh hợp lý nội dung và cách thức truyền thông của mình. Các nhà báo cũng phải biết khai thác các thông tin trên mạng xã hội, coi đó là những nguồn tin ban đầu, sau đó, bằng nghiệp vụ báo chí của mình xác minh, điều tra (kể cả xác minh điều tra ngay trên mạng xã hội), xử lý để biến thành những sản phẩm báo chí truyền thống.
Các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí sẽ tiếp tục nghiên cứu, xây dựng hệ thống các cơ chế, quy định liên quan đến hoạt động báo chí trong môi trường số; tham mưu đầu tư nguồn lực hiện đại hóa cơ sở hạ tầng tác nghiệp trên môi trường số, xây dựng và hoàn thiện hạ tầng dữ liệu, tạo nền tảng cho CĐS; tập trung phát triển nền tảng để kết nối, chia sẻ, giám sát, phân tích và tổng hợp dữ liệu.
Hỗ trợ công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cho báo chí. Bởi, nếu an ninh thông tin không được bảo đảm thì không chỉ là mất dữ liệu, thiệt hại tài chính, mà còn bị chiếm quyền sử dụng, thay đổi giao diện, xuyên tạc nội dung thông tin, gây hoang mang, làm giảm niềm tin của công chúng vào đường lối, chính sách phát triển đất nước của Đảng và Nhà nước.
P.V: Cùng với CĐS, một trong những vấn đề được quan tâm, đặt ra hàng đầu trong đời sống báo chí hiện nay, mang ý nghĩa “sống còn” của các cơ quan báo chí, đó là vấn đề kinh tế báo chí. Bài toán “kinh tế báo chí” đang thực sự là áp lực, thách thức lớn đối với các cơ quan báo chí. Vấn đề này được tỉnh Thanh Hóa quan tâm, định hướng như thế nào, thưa ông?
Ông Đỗ Hữu Quyết: CĐS trong báo chí là xu thế tất yếu để báo chí cạnh tranh và tồn tại trong giai đoạn hiện nay, tuy nhiên nó sẽ đi liền với việc giảm số lượng phát hành báo in truyền thống, số lượng bạn đọc, doanh thu quảng cáo… ảnh hưởng lớn đến kinh tế báo chí.
Trên phạm vi toàn quốc, theo Chỉ thị số 07/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Nhà nước có chính sách và nguồn lực hỗ trợ các cơ quan báo chí đổi mới công nghệ, CĐS để chiếm lĩnh và dẫn dắt thông tin trên không gian mạng, trở thành dòng chảy chính, tích cực để dẫn dắt dư luận, truyền thông chính sách hiệu quả.
Đối với tỉnh Thanh Hóa, hiện nay, ngân sách tỉnh bảo đảm chi thường xuyên cho: Báo Thanh Hóa, Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh; đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên (Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa); các tạp chí khoa học gắn với kinh phí hoạt động của các trường đại học. Trong đó, Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa được cấp ngân sách thông qua cơ chế đặt hàng đối với các kênh, chương trình phục vụ các nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu theo Nghị định số 32/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách Nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên.
Để báo chí của tỉnh đáp ứng yêu cầu tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị, nâng cao vai trò, trách nhiệm là cơ quan ngôn luận của Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị xã hội, Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm, chú trọng tạo nguồn lực cho báo chí hoạt động, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kết luận số 728-KL/TU ngày 14-2-2022 về việc tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng toàn diện Báo Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; theo kế hoạch năm 2023 tỉnh xem xét phê duyệt Đề án phát triển Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2023 – 2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Ngoài ra, các cơ quan báo chí đã năng động tạo các nguồn thu từ quảng cáo, hợp tác, liên kết để tăng thu cho cơ quan báo chí.
Thực hiện Quyết định số 348/QĐ-TTg ngày 6-4-2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược CĐS báo chí đến năm 2025 định hướng đến năm 2030, tỉnh Thanh Hóa đã và đang triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh, theo hướng phấn đấu đến năm 2025, Báo Thanh Hóa, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh đưa nội dung lên các nền tảng số, sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động; có giải pháp đảm bảo an toàn, an ninh hệ thống thông tin cấp độ 3 trở lên; vận hành mô hình tòa soạn hội tụ; phát triển cơ quan truyền thông đa phương tiện của địa phương. Các phóng viên, nhà báo cần chủ động hoàn thiện kỹ năng và tiếp cận các công cụ, công nghệ mới, giữ vững bản lĩnh chính trị, tuân thủ nghiêm quy trình tác nghiệp để sáng tạo ra các tác phẩm báo chí có nội dung đặc sắc, nổi bật, cuốn hút, bắt kịp nhu cầu công chúng. Mục tiêu đến năm 2025, các cơ quan báo chí tỉnh tối ưu hóa nguồn thu, trong đó Báo Thanh Hóa, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh tăng doanh thu tối thiểu 20%; báo hình, báo điện tử thực hiện thu phí nội dung. Phấn đấu 100% cơ quan báo chí tỉnh Nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ thực hiện thông tin thiết yếu theo quy định. Đến năm 2030, các cơ quan báo chí tỉnh tối ưu hóa nguồn thu, trong đó Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh tăng doanh thu tối thiểu 20%.
Với kế hoạch nêu trên, Sở sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan đồng hành hỗ trợ, dẫn dắt, thúc đẩy các hoạt động CĐS báo chí, tạo điều kiện cho báo chí trong tỉnh phát triển đúng hướng, phát huy vai trò sứ mệnh của mình.
P.V: Để tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho báo chí hoạt động trách nhiệm, khách quan, trung thực, kỷ luật và sáng tạo, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh cần tập trung vào các giải pháp trọng tâm nào, thưa ông?
Ông Đỗ Hữu Quyết: Báo chí có vai trò là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội, là diễn đàn của Nhân dân, phản ánh đời sống xã hội qua việc thông tin nhanh, chân thực và định hướng thông tin tới công chúng. Để tiếp tục tạo điều kiện cho báo chí phát triển đóng góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh cần tập trung vào một số nội dung cụ thể sau:
Các cơ quan báo chí cần đổi mới phương thức quản trị và hoạt động theo xu hướng CĐS; phát triển thêm nhiều sản phẩm báo chí và truyền thông trên đa nền tảng, đa phương tiện, kết hợp thông tin chính thống, tin cậy với công nghệ làm báo hiện đại và các ý tưởng mới, nhằm tuyên truyền sinh động, hấp dẫn các chủ trương của Đảng, Nhà nước tới đông đảo bạn đọc. Tập trung xây dựng đội ngũ PV, biên tập viên có phẩm chất chính trị, có chuyên môn nghiệp vụ, có phương pháp, kỹ năng, tự đổi mới tư duy và tiếp cận các công cụ, thiết bị mới, giữ vững bản lĩnh chính trị, tuân thủ nghiêm quy trình tác nghiệp, đạo đức người làm báo để sáng tạo ra các tác phẩm báo chí có nội dung có giá trị, có sức cuốn hút, sức lan tỏa bắt kịp nhu cầu công chúng.
Các cơ báo chí cũng cần phải báo cáo cơ quan chủ quản báo chí kịp thời thường xuyên về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các cơ quan báo chí; quan tâm đầu tư, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nhận thức chính trị, tư tưởng, kiến thức về quản lý báo chí, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho lãnh đạo, PV, biên tập viên của cơ quan báo chí, qua đó nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của cơ quan báo chí.
Các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí của tỉnh tiếp tục tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành cơ chế chính sách liên quan hoạt động báo chí như: đầu tư hạ tầng CĐS, cơ chế đặt hàng; tham gia tổ chức đào tạo, nâng cao kiến thức, kỹ năng về công nghệ thông tin, an toàn, an ninh mạng, thu thập, phân tích, xử lý dữ liệu phục vụ đổi mới sản xuất, phân phối nội dung và giám sát, đánh giá chất lượng thông tin. Tăng cường hơn nữa công tác chỉ đạo, quản lý, theo hướng kịp thời, chính xác tạo môi trường cho báo chí thực hiện tốt vai trò và khẳng định thông tin báo chí là dòng chảy chính của xã hội, tạo đồng thuận, tạo niềm tin và khát vọng vươn lên, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội của tỉnh.
P.V: Trân trọng cảm ơn ông!
Hương Thảo (thực hiện)