Khu đô thị xanh, nhiều tiện ích
Đồ án quy hoạch phân khu (tỷ lệ 1/2000) Khu đô thị sinh thái Thanh Toàn do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng & phát triển đô thị (BQLDAĐTXD&PTĐT) tỉnh làm chủ đầu tư; đơn vị tư vấn thiết kế là Phân viện Quy hoạch đô thị & nông thôn miền Trung; TSKH. KTS Ngô Viết Nam Sơn chủ nhiệm đồ án.
Khu đô thị sinh thái Thanh Toàn có diện tích khoảng 512,212 ha; trong đó, khoảng 237,111 ha thuộc P. Thủy Dương, khoảng 112,014 ha thuộc P. Thủy Phương và khoảng 163,087 ha thuộc xã Thủy Thanh. Dân số quy hoạch đến năm 2030 khoảng 24.500 người.
Theo ông Nguyễn Trần Nhật Tuấn, Phó Giám đốc BQLDAĐTXD&PTĐT tỉnh, đây là khu đô thị được phát triển đồng bộ, hiện đại theo mô hình đô thị kiểu mẫu, đô thị sinh thái gắn liền với các thiết chế công cộng, dịch vụ đô thị, kết hợp phát triển kinh tế, du lịch bền vững, chuyển tiếp giữa khu đô thị mới và khu vực nông thôn theo hình thức đô thị xanh, hài hòa với cảnh quan môi trường.
Về Phân khu chức năng, Khu đô thị Thanh Toàn được phân thành 3 khu vực, bao gồm: Khu vực phía Bắc của đường Tố Hữu nối dài có quy mô khoảng 112,338 ha, dân số khoảng 5.400 người. Đây là khu vực đô thị sinh thái với nhiều không gian xanh, mặt nước, có sự chuyển tiếp hài hòa từ không gian hiện đại sinh thái sang không gian làng xóm nông nghiệp có truyền thống lâu đời nằm ở phía Đông Bắc của khu vực lập quy hoạch.
Khu vực trung tâm được giới hạn từ phía Nam của đường Tố Hữu nối dài đến sông Lợi Nông, quy mô khoảng 177,691 ha, dân số khoảng 10.300 người, là khu vực trung tâm của Khu đô thị Thanh Toàn với điểm nhấn là Khu dịch vụ văn hoá và công viên giải trí; trục Đại lộ trung tâm (nối liền đường Tố Hữu nối dài – đường D12 – đường Nguyễn Tất Thành) và Khu dân cư sinh thái với đầy đủ tiện ích công cộng.
Khu vực thứ 3 ở phía Nam sông Lợi Nông, quy mô khoảng 222,183 ha, dân số khoảng 8.800 người. Đây là khu vực tập trung các khu dịch vụ thương mại ven sông với điểm nhấn là Trung tâm Triển lãm quốc gia & quốc tế và Khu dân cư sinh thái với đầy đủ tiện ích công cộng; có sự kết nối thuận tiện với trung tâm khu A – Đô thị mới An Vân Dương.
Tại buổi công bố, TSKH. KTS Ngô Viết Nam Sơn thông tin, Khu đô thị Thanh Toàn phát triển theo tiêu chí phát triển đô thị với mật độ thấp, tăng cường không gian xanh đảm bảo hành lang thoát lũ cho tổng thể khu vực cũng như tổ chức hệ thống thoát nước liên hoàn nối ra sông, thuận tiện thoát nước và thoát lũ…
“Khi hình thành, Khu đô thị sinh thái Thanh Toàn sẽ là nơi có đầy đủ các dịch vụ, tiện ích, như: y tế, giáo dục, vui chơi, giao thương, du lịch…, tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho người dân không chỉ trong khu đô thị mà còn ở các khu vực lân cận và hứa hẹn đem lại thay đổi lớn trong cuộc sống người dân, tạo cơ hội phát triển kinh tế – xã hội địa phương, góp sức trong phát triển chung khi Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương”, KTS Ngô Viết Nam Sơn cho hay.
Luôn quan tâm vấn đề thoát lũ
Sau phần công bố, đa phần người dân 3 xã, phường: Thủy Thanh, Thủy Dương, Thủy Phương bày tỏ đồng tình, phấn khởi trước những tiện ích, dịch vụ, hạ tầng xã hội Khu đô thị Thanh Toàn đem lại. Tuy nhiên, người dân và lãnh đạo chính quyền địa phương vẫn còn băn khoăn một số vấn đề.
“Qua lời KTS Ngô Viết Nam Sơn, Khu đô thị Thanh Toàn có hình mu rùa, nên khi nước từ cao thoát xuống, tôi lo trạng ngập lụt ở Thủy Thanh và một số khu vực lân cận sẽ kéo dài và nghiêm trọng hơn nên đề nghị phải đảm bảo thoát lũ cả ở Thủy Thanh và các khu vực lân cận”, ông Trần Duy Minh (thôn Thanh Toàn – xã Thủy Thanh) nói.
Ngoài ra, vùng Thanh Thủy Chánh có cồn Miệu và đường Dương. Đây là 2 địa điểm có giá trị lịch sử, giá trị cảnh quan và tâm linh, khách du lịch luôn ghé thăm mỗi khi về Thủy Thanh. Tuy nhiên, trong quy hoạch không thấy nhắc đến 2 địa điểm này. Phải chăng khi thi công, đường dương và cồn Miệu sẽ bị đập bỏ, ông Trần Duy Minh thắc mắc.
Ông Nguyễn Quang Uyển (thôn Thanh Tuyền, xã Thủy Thanh) mong muốn, làng Thanh Thủy Chánh có hơn 20 di tích, công trình mang ý nghĩa tâm linh quan trọng trong đời sống của người dân nơi đây. Trong quá trình thi công, cần hết sức lưu ý, hạn chế đụng chạm, ảnh hưởng di tích và các công trình này, đồng thời, những nơi có sông, hói… ngang qua thì bắc cầu, khơi thông chứ không thể lấp, làm tắc nghẽn dòng chảy, ảnh hưởng đến trồng trọt và yếu tố phong thủy trong vùng.
“Quan điểm của tôi là đồng tình cao với Đồ án, tuy nhiên, các cấp, các ngành hữu quan cần quan tâm đến thủy lợi, đến khả năng thoát lũ của xã Thủy Thanh. Ngoài ra, văn minh đô thị phải song song với gìn giữ tính truyền thống, đặc trưng của địa phương”, Ông Trần Duy Việt, Chủ tịch UBND xã Thủy Thanh nói.
Đóng góp ý kiến, ông Lê Quý Tư, Phó Chủ tịch UBND P. Thủy Dương cho rằng, khu dân cư hiện hữu của phường và khu đô thị Thanh Toàn chưa có sự cân đối về độ cao nên cần nghiên cứ thêm phương án thoát lũ. Ngoài ra, khi đô thị phát triển, cần tính toán lưu lượng nước thải ngập úng, rác thải, vệ sinh môi trường; cân nhắc diện tích sử dụng điện – đường – trường – trạm; đảm bảo các thế hệ kế cận vẫn còn quỹ đất để sử dụng…
Trước những ý kiến trên, KTS Ngô Viết Nam Sơn cho biết, do đây là Đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000, nên những chi tiết nhỏ không vẽ vào, nhưng không có nghĩa nó không hiện hữu hoặc sẽ bị đập bỏ khi thi công. Sau quy hoạch tỷ lệ 1/2000 sẽ có quy hoạch tỷ lệ 1/500, lúc đó sẽ chi tiết hơn, cũng như những địa điểm như đường dương, cồn Miệu… sẽ được thể hiện trên đó.
Tiếp thu các ý kiến đóng góp, ông Nguyễn Trần Nhật Tuấn, Phó Giám đốc BQLDAĐTXD&PTĐT cho biết, hiện nay tỉnh đã có nghiên cứu phương án thoát lũ khu vực phía đông TP. Huế nên vấn đề thoát lũ khu vực Thủy Thanh, Thủy Dương rất được quan tâm. Ông Tuấn cũng khẳng định, trong quá trình triển khai quy hoạch thành thực tế (bước quy hoạch chi tiết 1/500) sẽ lưu ý, cũng như yêu cầu các chủ thể có liên quan phải tuân thủ theo đúng quy định quản lý theo đồ án quy hoạch đã được phê duyệt nhất là đối với các vấn đề người dân đang quan tâm.