Vịnh Hạ Long và vịnh Lan Hạ – Hòn ngọc quý của biển Việt Nam
Mục Du lịch của trang tin CNN mới đây đưa ra 18 điểm đến bị đánh giá thấp trên thế giới, trong đó có Đà Lạt và vịnh Lan Hạ của Việt Nam. Đánh giá về Lan Hạ, CNN viết: “Những du khách muốn dạo chơi trên mặt nước ở một nơi vắng vẻ thì nên đến Lan Hạ, ở phía Nam của vịnh Hạ Long. Giống như Vịnh Hạ Long – người anh em nổi tiếng hơn của mình, vịnh Lan Hạ là một quần thể đảo lung linh, được phân chia bởi những dãy núi đá vôi (karst). Thắng cảnh tuyệt đẹp này có thể được chiêm ngưỡng bằng các chuyến đi trong ngày với các phương tiện thủy như kayak, ca nô hoặc qua đêm trên du thuyền…”
Không phải vô cớ mà hãng tin nổi tiếng của Mỹ lại đề cập đến Lan Hạ. Việt Nam nằm giữa hai trung tâm du lịch tàu biển lớn nhất châu Á là Hong Kong và Singapore. Do đó, bờ biển trải dài trên 3.200 km của nước ta được coi là “cánh cửa lớn” đưa Việt Nam tiếp cận với các nước trong khu vực và thế giới thông qua biển Đông. Chúng ta có những vịnh biển tuyệt đẹp và rất phù hợp cho loại hình du lịch bằng du thuyền như vịnh Hạ Long – Lan Hạ, vịnh Nha Trang, vịnh Lăng Cô, Phú Quốc… cũng như hệ thống cảng biển nước sâu đáp ứng được yêu cầu cập cảng của một số tàu du lịch cỡ lớn trên thế giới.
Trong thực tế, với những người đã từng có dịp du ngoạn vịnh Lan Hạ, vịnh biển hoang sơ và ít khách du lịch này xứng đáng nhận được nhiều sự chú ý hơn nữa. Nằm trên cùng tuyến đường du lịch biển như Hạ Long và cách đó chừng 20km về phía Nam, Lan Hạ có vẻ chỉ mới choàng tỉnh giấc sau giấc ngủ dài. Điều này lại có mặt tốt: vịnh biển được giữ gìn kỹ, mặt biển xanh ngắt ngọc bích, ít rác, cảnh quan được bảo vệ tốt, người dân làm du lịch và khai thác hải sản có ý thức bảo vệ di sản họ được Tạo hóa trao tặng.
Cái khó nhất đối với Lan Hạ cũng như những vịnh biển khác ở Đông Bắc Việt Nam, hay Nha Trang ở miền Trung, là bằng mọi giá phải giữ được sự hoang sơ của thiên nhiên như vốn có, đồng thời phát triển du lịch và tạo sinh kế cho cư dân bản địa. Bài toán phát triển du lịch bền vững của Lan Hạ cần xem như một thí điểm cũng như bài test để từ đó nhân rộng ra khắp các điểm đến du lịch khác ở miền Bắc.
Tại Lan Hạ, một số hãng du lịch đã khai thác sản phẩm du lịch biển độc đáo bằng du thuyền. Loại hình này thực ra đã được “người anh em” Hạ Long giới thiệu từ trước, nhưng Lan Hạ lại có “USP” riêng (Unique Selling Point, nôm na là những thế mạnh riêng biệt và độc đáo). Từ năm 2004, khách du lịch đã trải nghiệm một chuyến nghỉ đêm trên biển đầu tiên trên du thuyền bằng sắt có tên gọi Emeraude của một công ty Pháp tên là Apple Tree (sở hữu hãng lữ hành Exotissimo). Sự manh nha khai thác sản phẩm du lịch biển độc đáo này được tiếp nối bằng nhiều du thuyền lớn bé đủ loại, hoạt động trên vịnh Hạ Long và sau đó là vịnh Lan Hạ.
Trở lại câu chuyện Lan Hạ, du thuyền Heritage Bình Chuẩn thuộc sở hữu của công ty lữ hành Lux Group được nhiều khách du lịch quốc tế coi là “heritage cruise” (du thuyền di sản). Thời điểm giữa mùa dịch bệnh giai đoạn 2020-2021, khi hầu hết ngành du lịch “ngủ đông”, du thuyền này vẫn hoạt động nhiều nhất tại vịnh Bắc Bộ. Con tàu được thiết kế dựa vào niềm cảm hứng và ngưỡng mộ của ông Phạm Hà đối với vua tàu thủy Việt đầu thế kỷ 20, nhà tư sản dân tộc Bạch Thái Bưởi. Ông Hà đặt câu hỏi: “Tại sao không định vị Việt Nam là điểm đến du thuyền của thế giới?”
Chủ tịch kiêm CEO của Lux Group muốn viết tiếp câu chuyện kinh doanh đường thủy của cụ Bưởi, xây dựng một đội du thuyền chạy dọc bờ biển Việt Nam.
Làm thế nào để khơi thông?
Tại hội thảo “Phát triển Du lịch biển đảo Việt Nam – Thời cơ, thách thức và giải pháp” diễn ra ngày 9/12/2022 tại Đà Nẵng, lãnh đạo ngành du lịch cho rằng, du lịch biển đảo nước ta phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế sẵn có.
Theo ông Đoàn Văn Việt, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các hoạt động du lịch biển đảo đã chiếm khoảng 70% hoạt động của ngành du lịch Việt Nam. Trong giai đoạn năm 2010 – 2019, lượng khách đến các địa phương ven biển tăng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng bình quân cả nước với 13,6%/năm đối với khách quốc tế và 12,3% đối với khách nội địa.
Chỉ tính riêng năm 2019 đã đạt trên 34 triệu lượt khách quốc tế và 145,6 triệu lượt khách nội địa, mang lại tổng thu từ du lịch đạt 508 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 67,3% của cả nước, theo con số được công bố tại hội thảo.
Hiện nay, loại hình du lịch biển đảo vẫn chỉ loanh quanh ven bờ, chưa dám đi xa ra phía ngoài khơi, chưa có đột phá mà chủ yếu làm theo nhau. Nhiều bất cập chưa được giải quyết triệt để, ví dụ các vấn đề bảo vệ môi trường, quy hoạch, công tác xúc tiến, quảng bá…
Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Sâm, giảng viên khoa Quản trị Kinh doanh, đại học Nguyễn Trãi: “Mặc dù có sự tăng trưởng nhưng lượng khách du lịch tàu biển chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ, từ 2 – 3% trong cơ cấu tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng của khách tàu biển nước ta so với khách du lịch đi bằng đường không và tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam còn rất thấp, thậm chí một số năm còn sụt giảm”.
Chuyên gia này chỉ ra một số nguyên nhân chính bao gồm: hệ thống cảng biển và hạ tầng cảng biển chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, đa số cảng biển đón khách mới chỉ là điểm cho tàu cập bến; sản phẩm du lịch nghèo nàn, thiếu tính đa dạng.
Bà Sâm cũng cho rằng, việc khai thác các giá trị di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới, tài nguyên biển, bản sắc văn hóa dân tộc của Việt Nam để xây dựng các sản phẩm cho khách du lịch tàu biển chưa có hiệu quả, thiếu các hoạt động vui chơi giải trí trên bờ và nhất là dịch vụ mua sắm cho khách tàu biển.
Một chuyên gia có nhiều kinh nghiệm về du lịch, Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch, chia sẻ quan điểm du lịch biển Việt Nam trong thời gian qua phát triển rất nhanh, là một trong những loại hình du lịch phát triển mạnh nhất, góp phần thúc đẩy du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, ông Tuấn cũng nhấn mạnh, cần tổ chức không gian phân vùng sử dụng phù hợp, ở cấp độ quốc gia, vùng, tỉnh và điểm đến. Cần đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng, đặc biệt là các cảng biển dành riêng cho hoạt động du lịch.
Bằng thực tế điều hành của một doanh nhân có doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch biển, ông Phạm Hà khẳng định, mỗi vùng biển cần có những sản phẩm du lịch biển đảo riêng đặc trưng như OCOP (viết tắt của các từ tiếng Anh “One Commune One Product”, mỗi địa phương một sản phẩm đặc trưng), nhằm tạo ra các trải nghiệm độc đáo, đa dạng để du khách bốn phương có nhiều lựa chọn.
“Mỗi tỉnh cần có cơ quan đầu mối một cửa cho hoạt động cấp phép và tổ chức tours biển đảo mới. Cần đơn giản hóa thủ tục tổ chức tour biển đảo. Trong các hoạt động kinh tế ban đêm, thời gian từ 18h hôm trước tới 6h sáng hôm sau là khoảng thời gian có thể thu nhiều tiền của khách, cơ quan chức năng nên cho phép doanh nghiệp làm các tour đêm trên vịnh biển, sông hồ, ngoài khung giờ cố định”, ông Hà kiến nghị.
Theo Nhịp sống thị trường