Reuters ngày 20.6 đưa tin một nhóm các nhà khoa học quốc tế đã phát hiện ra rằng tình trạng băng tan đang diễn ra ngày càng nhanh hơn tại khu vực Hindu Kush Himalaya (gọi tắt là HKH, bao gồm dãy Himalaya và dãy Hindu Kush), nơi có hai ngọn núi Everest và K2 nổi tiếng.
Theo đánh giá của Trung tâm Quốc tế về Phát triển miền núi Tích hợp (ICIMOD), một cơ quan khoa học liên chính phủ có trụ sở tại Kathmandu (Nepal), chuyên nghiên cứu về khu vực HKH, các sông băng tại đây đã tan chảy nhanh hơn tới 65% trong những năm 2010 so với thập niên trước đó.
Philippus Wester, nhà khoa học môi trường và là thành viên ICIMOD, tác giả chính của báo cáo, cho biết: “Chúng ta đang mất dần các sông băng và chúng ta sẽ mất chúng sau 100 năm nữa”.
Khu vực HKH trải dài 3.500 km qua Afghanistan, Bangladesh, Bhutan, Trung Quốc, Ấn Độ, Myanmar, Nepal và Pakistan.
Xung đột ở Ukraine vì sao làm trầm trọng thêm khủng hoảng khí hậu?
Báo cáo cho biết, nếu nhiệt độ toàn cầu tăng thêm 1,5 hoặc 2 độ C so với thời tiền công nghiệp, các sông băng trong toàn khu vực sẽ mất từ 30% đến 50% thể tích vào năm 2100.
Song tốc độ tan chảy còn phụ thuộc vào vị trí của sông băng. Nếu nhiệt độ tăng thêm 3 độ C – mức mà thế giới có thể phải đối mặt nếu vẫn đi theo các chính sách khí hậu hiện tại – các sông băng ở vùng Đông Himalaya, bao gồm Nepal và Bhutan, sẽ mất tới 75% lượng băng của chúng. Nếu nhiệt độ tăng thêm 4 độ C, con số đó lên tới 80%.
Các nhà khoa học đã gặp nhiều khó khăn trong việc đánh giá mức độ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến HKH. Không giống như dãy Alps ở châu Âu và dãy Rocky ở Bắc Mỹ, khu vực này thiếu ghi chép lâu dài về các đo đạc thực địa cho thấy các sông băng đang nở ra hay đang co lại.
“Luôn có điều gì đó không chắc chắn ở Himalaya – chúng có thực sự tan chảy không?”, ông Wester cho biết.
Vào năm 2019, Mỹ đã giải mật hình ảnh vệ tinh tình báo từ năm 1970 về các sông băng trong khu vực, cung cấp cơ sở khoa học mới.
Những tiến bộ về công nghệ vệ tinh trong 5 năm qua, cùng với những nỗ lực thực địa mạnh mẽ, đã thúc đẩy sự hiểu biết của giới khoa học về những thay đổi đang diễn ra. Báo cáo nói trên được xây dựng dựa trên dữ liệu chạy đến tháng 12.2022.
Sông băng Thụy Sĩ bị “nuốt dần” vì khí hậu ấm lên
Tobias Bolch, nhà nghiên cứu về sông băng tại Đại học Công nghệ Graz ở Áo, cho biết: “Mặc dù kiến thức về các sông băng ở Himalaya vẫn chưa tốt bằng dãy Alps, nhưng giờ đây nó có thể so sánh với các khu vực khác như Andes”.
So với đánh giá năm 2019 của ICIMOD về khu vực, “những phát hiện mới có mức độ tin cậy cao hơn nhiều”, theo chuyên gia Wester. “Chúng tôi hiểu rõ hơn về những tổn thất sẽ xảy ra cho đến năm 2100 ở các mức độ khác nhau của tình trạng nóng lên toàn cầu”, ông nói.
Hiểu biết mới này đi cùng những quan ngại sâu sắc về cuộc sống của con người ở khu vực HKH.
Báo cáo cho thấy lượng nước ở 12 lưu vực sông trong khu vực, bao gồm sông Hằng, sông Ấn và sông Mê Kông, có khả năng đạt đỉnh vào khoảng giữa thế kỷ này, gây ra nhiều hệ lụy cho hơn 1,6 tỉ người phụ thuộc vào nguồn nước từ những con sông đó.
“Mặc dù nghe có vẻ như chúng ta sẽ có nhiều nước hơn vì các sông băng đang tan chảy với tốc độ ngày càng tăng… Chuyện này sẽ xảy ra thường xuyên dưới dạng lũ lụt thay vì dòng chảy ổn định. Một khi lượng nước đạt đỉnh, nguồn cung cuối cùng sẽ cạn kiệt”, ông Wester cho hay.
Nhiều cộng đồng vùng núi cao sử dụng nước từ sông từ băng tuyết tan để tưới cho cây trồng. Song thời điểm tuyết rơi đã trở nên thất thường hơn và ít hơn trước đây.
Amina Maharjan, đồng tác giả báo cáo, chuyên gia cấp cao về sinh kế và di cư tại ICIMOD, cho biết: “Chúng tôi đã chứng kiến một số lượng lớn bò yak chết vì trong mùa hè, chúng tìm đến những đồng cỏ cao hơn”. Nếu tuyết rơi quá sớm, toàn bộ khu vực sẽ bị bao phủ bởi tuyết và những con bò không có cỏ để ăn, bà nói.
Sông băng tan chảy cũng gây nguy hiểm cho các cộng đồng ở hạ lưu. Nước bị giữ lại trong các hồ cạn bởi đá sỏi. Rủi ro xảy ra khi một hồ nước đầy tràn, vượt qua hàng rào tự nhiên của nó và tạo ra lũ đổ xuống các thung lũng trên núi.
Các chính phủ đang cố gắng ứng phó với những thay đổi này, chẳng hạn Pakistan đang lắp đặt các hệ thống cảnh báo sớm lũ lụt phát sinh từ các hồ chứa nước sông băng tan chảy.