20/06/2023 13:30
Mới đây, hai anh bạn tôi tranh luận với nhau về cách gọi “nhà báo” và “phóng viên”. Anh A thì khăng khăng nói, nhà báo là phóng viên, còn anh B thì nói phóng viên chưa chắc đã là nhà báo. Thực ra, đề tài tranh luận này, tôi cũng đã nghe không ít lần. Nhân dịp kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, xin chia sẻ một chút về cách gọi này.
Theo như cách giải thích của anh A, sở dĩ anh khăng khăng cho rằng nhà báo là phóng viên là vì nhà báo tức những người đi viết báo. Mà đã đi viết báo rồi thì rõ là phóng viên rồi còn gì.
Còn anh B lại cho rằng, phóng viên chưa chắc là nhà báo. Về lý thuyết, theo anh, Luật Báo chí năm 2016 quy định “nhà báo là người hoạt động báo chí được cấp thẻ nhà báo”. Còn trên thực tế, cơ quan báo chí tuyển dụng phóng viên, rõ ràng họ hoạt động báo chí và không ai phủ nhận họ là phóng viên, nhưng chưa thể gọi họ là nhà báo vì chưa được cấp thẻ nhà báo.
Cuộc tranh luận không có hồi kết, vì ai cũng có lý lẽ bảo vệ quan điểm của mình. Nhưng xét ra thì anh B dẫn quy định của pháp luật, nên ai nghe qua cũng sẽ thấy có lý hơn.
Theo Điều 25 Luật Báo chí 2016, Nhà báo được định nghĩa là người hoạt động báo chí được cấp thẻ nhà báo.
Và theo Điều 26, Điều 27 của Luật Báo chí 2016, để được đề nghị cấp thẻ nhà báo, phóng viên phải đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn sau: Phóng viên đó phải làm việc cho cơ quan báo chí, thông tấn; phải là công dân Việt Nam, có địa chỉ thường trú tại Việt Nam; có bằng tốt nghiệp đại học trở lên; trường hợp là người DTTS đang thực hiện các ấn phẩm báo in, chương trình phát thanh, truyền hình, chuyên trang của báo điện tử bằng tiếng DTTS phải có bằng tốt nghiệp cao đẳng trở lên.
|
|
Đối với trường hợp cấp thẻ nhà báo lần đầu, phóng viên phải có thời gian công tác liên tục tại cơ quan báo chí đề nghị cấp thẻ từ 2 năm trở lên tính đến thời điểm xét cấp thẻ (trừ tổng biên tập tạp chí khoa học và những trường hợp khác theo quy định của pháp luật); được cơ quan báo chí hoặc cơ quan công tác đề nghị cấp thẻ nhà báo.
Như vậy, căn cứ theo luật, thì điều mà anh B đã nói: “Phóng viên chưa chắc là nhà báo” là hoàn toàn đúng. Vì nếu phóng viên được nhận vào làm việc tại các cơ quan báo chí, thông tấn mà chưa đủ các điều kiện, tiêu chuẩn được xét cấp thẻ nhà báo theo quy định của Luật thì rõ ràng chưa được gọi là nhà báo.
Còn đối với ý kiến của anh A là “Nhà báo là phóng viên” vì “nhà báo là người đi viết báo”, cần được hiểu như thế nào?
Trên thực tế, có khá nhiều người có cách hiểu “nhà báo là phóng viên” như anh A. Và rõ ràng đây là một sự nhầm lẫn.
Thực ra, trước đây, định nghĩa về nhà báo được hiểu một cách ngắn gọn đó là: Người viết báo (Từ điển Việt Nam của Thanh Nghị (NXB Thời Thế, 1958) hay là “người chuyên làm nghề viết báo” (Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên, NXB Đà Nẵng 2003). Tuy nhiên, Luật Báo chí 2016 đã đi vào cuộc sống thì để có một định nghĩa chính xác về nhà báo, chúng ta nên viện dẫn Luật, như đúng khái niệm mà anh B đã nêu lên.
Và như vậy, đã gọi là nhà báo thì tất nhiên người đó phải được cấp thẻ nhà báo. Còn đối tượng nào được cấp thẻ nhà báo thì theo Điều 26 Luật Báo chí 2016 cũng đã quy định rõ về điều này. Những người được cấp thẻ nhà báo gồm: Tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, giám đốc, phó giám đốc, tổng biên tập, phó tổng biên tập cơ quan báo chí, thông tấn; Trưởng phòng (ban), phó trưởng phòng (ban) nghiệp vụ báo chí của cơ quan báo chí, thông tấn; phóng viên, biên tập viên của cơ quan báo chí, thông tấn; người quay phim, đạo diễn chương trình phát thanh, truyền hình (trừ phim truyện) của các đơn vị được cấp giấy phép hoạt động báo chí trong lĩnh vực phát thanh, truyền hình và sản xuất phim tài liệu của Nhà nước; phóng viên, biên tập viên, người phụ trách công tác phóng viên, biên tập ở đài truyền thanh, truyền hình cấp huyện và tương đương.
Người đã được cấp thẻ nhà báo nhưng được điều chuyển sang làm công việc khác vẫn tiếp tục có tác phẩm báo chí được sử dụng, được cơ quan báo chí xác nhận, được xét cấp thẻ nhà báo trong các trường hợp cụ thể như: Được điều động công tác tại các đơn vị không trực tiếp thực hiện nghiệp vụ báo chí của cơ quan báo chí; được điều chuyển sang làm công tác giảng dạy chuyên ngành báo chí tại các cơ sở giáo dục đại học theo quy định của Luật giáo dục đại học; được điều chuyển sang làm cán bộ chuyên trách tại hội nhà báo các cấp, trực tiếp làm công tác quản lý nhà nước về báo chí.
Điều đó, có thể hiểu, nhà báo là danh từ chỉ chung tất cả những người hoạt động trong lĩnh vực báo chí; còn phóng viên là danh từ chỉ chức danh công việc, là người trực tiếp viết tin, bài. Và tất nhiên, đã gọi là nhà báo thì người đó hiển nhiên phải có thẻ nhà báo và có thể họ không phải là phóng viên, mà có thể đảm nhận vị trí khác, như biên tập viên chẳng hạn.
Còn phóng viên thì có thể người đó chưa phải là nhà báo, vì chưa được cấp thẻ nhà báo (do chưa đủ các điều kiện để cấp thẻ nhà báo theo quy định của Luật Báo chí 2016); hoặc có thể là nhà báo (nếu đủ điều kiện cấp thẻ nhà báo theo quy định của Luật Báo chí 2016).
Ngày Nhà báo Việt Nam, xin chia sẻ một chút về cách gọi đối với nghề. Mong rằng, qua bài viết này, sẽ giảm bớt sự nhầm lẫn trong cách gọi, cách hiểu nhà báo và phóng viên nữa.
Sông Côn