Theo như ghi nhận tại khu vực phường Bình An, phường An Phú thuộc TP.Thủ Đức, nhiều mặt bằng đang được treo biển cho thuê lại vì kinh doanh ế ẩm. Đây là những khu vực khá sầm uất với nhiều nhà hàng, văn phòng cho thuê. Đặc biệt là khu vực đường song hành với Xa Lộ Hà Nội, một số mặt bằng lớn cũng phải bỏ không suốt nhiều tháng qua vì không tìm được khách thuê mới.
Đơn cử như trên mặt đường Trần Não (phường Bình An), một mặt tiền phù hợp mở quán ăn có diện tích 180m2 đang được rao cho thuê với giá 45 triệu đồng/tháng hay một tòa nhà 6 tầng với diện tích sử dụng lên tới 800m2 cũng được chủ nhà rao cho thuê giá 110 triệu đồng/tháng nhưng chưa có khách thuê.
Mặc dù trước đó, những giá thuê kể trên được cho là khá hời trong giai đoạn làm ăn tốt. Thậm chí nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh còn phải tranh nhau để thuê những mặt bằng đẹp như vậy. Nhưng thời điểm hiện tại, dọc khu vực Trần Não ra đến đường song hành, có hàng chục mặt bằng đang bỏ không hoặc treo biển cho thuê nhưng chưa tìm được khách.
Còn tại các khu vực như Hiệp Bình Phước, Hiệp Bình Chánh, nhiều mặt bằng giá rẻ cũng đang được rao cho thuê chỉ từ 3 triệu đồng/tháng nhưng chưa tìm được khách thuê trong cả tháng nay. Ngoài ra, các loại hình văn phòng cho thuê từ 15m2 đến 60m2 cũng đang bị bỏ trống nhiều, mặc dù giá thuê cũng không quá cao, dao động từ 3 triệu đến 10 triệu đồng/tháng.
Anh Nguyễn Duy Long, một chủ mặt bằng cho thuê tại khu vực phường Thảo Điền cho biết: “Hiện tôi đang cho thuê một mặt bằng hơn 20m2 với giá 7 triệu đồng/tháng. Sau khi người thuê cũ kinh doanh mặt hàng thời trang trả mặt bằng để tập trung bán online, trong hơn 1 tháng nay tôi vẫn chưa tìm được khách mới dù trước đó việc rao cho thuê khá dễ dàng”.
Trong khi đó, tại khu vực huyện Nhà Bè, các loại mặt bằng bị trả và đang rao cho thuê chưa tìm được khách chủ yếu thuộc về loại hình nhà xưởng. Với diện tích từ 90m2 cho đến 1.300m2, giá thuê của các mặt bằng này chỉ từ 4 triệu cho đến 70 triệu đồng/tháng. Nhưng nhiều nhà xưởng hiện đang bị bỏ không dù có vị trí khá đẹp phục vụ cho việc kinh doanh như tại khu vực Phước Kiển, Phú Xuân.
Ngoài ra, cũng như các khu vực khác, một số cửa hàng kinh doanh nhà hàng, thời trang… tại khu vực này cũng liên tục xuất hiện tình trạng trả mặt bằng. Nhiều người phải treo biển cho thuê trong suốt 1-2 tháng này nhưng chưa tìm được khách mới.
Đáng nói, tại một số khu vực sầm uất, mặc dù xuất hiện tình trạng trả mặt bằng nhưng giá thuê không giảm nhiều so với thời gian trước đó. Thậm chí với các mặt bằng có diện tích nhỏ, giá thuê cũng tăng nhẹ so với thời điểm cùng kì năm trước.
Theo thông tin từ một số môi giới cho biết, tình trạng trả mặt bằng tại các khu vực vùng ven gia tăng trong vài tháng trở lại đây. Các loại mặt bằng lớn với giá thuê cao trên 15 triệu/tháng khó tìm được khách thuê, do nhiều người lo sợ rủi ro kinh doanh trong thời gian tới. Tuy nhiên, một số chủ mặt bằng lớn không chịu giảm giá thuê, thậm chí còn tăng giá để bù vào thời gian mặt bằng bỏ trống nên dẫn đến việc nhiều người rao cho thuê suốt nhiều tháng không được.
Nhiều chuyên gia cũng nhận định, trong thời gian tới, làn sóng trả mặt bằng tại TP.HCM sẽ vẫn còn tiếp diễn. Đặc biệt là với các mặt bằng có giá cao, nằm ở các khu vực trung tâm của thành phố. Với các vấn đề rủi ro trước tình hình chung của thế giới vẫn chưa có dấu hiệu giảm, những mặt bằng đắt giá chắc chắn sẽ chưa thể tìm được người thuê trong ngắn hạn. Thậm chí, với việc nguồn cung mặt bằng đang dồi dào, những chủ thuê không chịu giảm giá sẽ còn phải mất nhiều thời gian hơn nữa trong việc đi tìm khách thuê.
Theo báo cáo về tình hình kinh tế – xã hội của Tổng cục Thống kê, tính chung 5 tháng đầu năm 2023, cả nước có 55.200 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 20,3% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, khoảng 25.500 doanh nghiệp ngừng hoạt động và chờ làm thủ tục giải thể, tăng 34,1%; 7.300 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 6,5% so với cùng kỳ.
Riêng trong tháng 5, hơn 5.360 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, giảm 25,1% so với tháng trước, tăng 8,1% so với năm trước. Số doanh nghiệp ngừng hoạt động, chờ làm thủ tục giải thể là hơn 4.700 doanh nghiệp. Còn doanh nghiệp đã phá sản là hơn 1.200 cơ sở, giảm 19% so với tháng trước và giảm 8,7% so với cùng kỳ. Như vậy, chỉ trong 5 tháng qua, cả nước có khoảng 88.000 doanh nghiệp đóng cửa, bình quân mỗi tháng có 17.600 doanh nghiệp ra khỏi thị trường.