Việt Nam ngày càng hấp dẫn nhà đầu tư ngoại, giá nhà đất phố cổ Hà Nội cao chót vót, giao dịch trầm lắng, quy định về quỹ bảo trì nhà chung cư… là những tin bất động sản (BĐS) mới nhất.
Trong bối cảnh thị trường bất động sản thương mại toàn cầu đang đối diện nhiều thách thức, Việt Nam nổi lên như một quốc gia đang có nhiều chính sách và sáng kiến tích cực để cải thiện tính minh bạch, tuân thủ pháp luật cũng như môi trường kinh doanh nói chung. (Ảnh: Hoàng Hà) |
Giá 1m2 nhà đất phố cổ Hà Nội bằng cả căn chung cư
Theo VietNamNet, nhà đất ở các tuyến phố “vàng” thuộc quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) như Đinh Tiên Hoàng, Cầu Gỗ, Lò Sũ, Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Bạc, Hàng Bè, Hàng Buồm, Hàng Bông, Hàng Bồ… luôn được chào bán với mức giá khá cao, từ vài trăm triệu đồng đến cả tỷ đồng 1m2, tùy vào từng vị trí.
Thậm chí, có căn nhà nằm ở hai mặt phố “vàng” giá rao bán lên đến 2 tỷ đồng/m2. Đơn cử, căn nhà 3 tầng ở hai mặt phố Đinh Tiên Hoàng và Cầu Gỗ diện tích 210m2, mặt tiền 8m đang được rao bán giá 420 tỷ đồng. Với mức giá này, mỗi m2 có mức giá tương đương 2 tỷ đồng.
Hay căn nhà có diện tích 65m2, mặt tiền 6m ở mặt phố Đinh Tiên Hoàng đang được rao bán giá 70 tỷ đồng; tương đương hơn 1 tỷ đồng/m2. Theo người rao bán, căn nhà có sổ đỏ chính chủ, giao dịch ngay.
Tại phố Lò Sũ, một căn nhà 8 tầng, diện tích mặt bằng 100m2, có thang máy đang được rao bán. Mức giá chào là 86 tỷ đồng, tương đương 860 triệu đồng/m2 và có thể thương lượng. Theo thông tin từ người rao bán, căn nhà có sổ đỏ chính chủ và đang cho thuê kinh doanh.
Nhà mặt phố Hàng Bè có 4 tầng, diện tích 32m2 cũng đang rao bán 25 tỷ đồng, tương đương khoảng hơn 781 triệu đồng/m2. Hay một căn nhà có diện tích 250m2, mặt tiền 7,5m nằm trên phố Hàng Bạc đang rao bán giá 120 tỷ đồng, tức khoảng 480 triệu đồng/m2.
Tương tự, căn nhà mặt phố Hàng Bồ có diện tích 260m2, có mức giá rao bán 135 tỷ đồng, tức khoảng gần 520 triệu đồng/m2. Theo thông tin rao bán, căn nhà có một chủ và một “sổ đỏ”, nằm ở vị trí cực đẹp, đáng giá nhất phố, vỉa hè rộng…
Đại diện Batdongsan.com.vn cho biết, trung bình 3 tháng gần đây (tháng 3, 4 và 5/2023), giá rao bán nhà mặt phố tại các tuyến phố cổ Hà Nội rơi vào khoảng 597 triệu đồng/m2.
Lượng quan tâm tìm kiếm nhà mặt phố ở phố cổ Hà Nội giảm khoảng 30% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, giá rao bán nhà mặt phố tại các tuyến phố cổ Hà Nội tuy giảm 11% so với cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn tăng 8% so với mức trước dịch Covid-19 (năm 2019).
Đơn cử, dữ liệu trung bình ba tháng 3, 4 và 5/2023, so với cùng kỳ các năm trước tại một số tuyến phố cổ Hà Nội cho thấy, giá rao bán nhà mặt phố Lò Sũ năm 2023 là 1,058 tỷ đồng/m2 và năm 2019 là 972 triệu đồng/m2. Hay phố Hàng Buồm giá rao bán trung bình 3 tháng năm 2023 là 924 triệu đồng/m2, trong khi năm 2019 là 706 triệu đồng/m2…
Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó tổng giám đốc của Batdongsan.com.vn cho hay, nhà trên các tuyến phố cổ Hà Nội chủ yếu phục vụ mục đích kinh doanh ăn uống, khách sạn, các dịch vụ du lịch cho khách trong nước và quốc tế. Vì vậy, một trong những tín hiệu thể hiện “sức khỏe” của phân khúc BĐS này là số lượng khách du lịch, đặc biệt là khách nước ngoài.
“Lượng khách du lịch hiện tại đã cải thiện hơn so với năm ngoái nhưng vẫn chưa thể phục hồi về mức trước dịch Covid-19. Quý I/2023, Hà Nội đón gần 5,9 triệu lượt khách du lịch, trong khi cùng kỳ năm 2019, con số này là gần 7,5 triệu lượt.
Với xu hướng như vậy, tôi nhận định trong 3 – 6 tháng tới, mặt bằng giá nhà phố ở phố cổ Hà Nội sẽ đi ngang và lượng giao dịch khó có sự cải thiện.
Tuy nhiên, trong dài hạn 3- 5 năm tới, khi nền kinh tế quay trở lại bình thường, ngành du lịch phát triển mạnh mẽ hơn, nhà phố tại phố cổ Hà Nội vẫn là một trong những phân khúc tiềm năng. Mặt bằng giá cũng như giao dịch sẽ tăng trưởng tốt hơn”, ông Quốc Anh nhận định.
BĐS Việt Nam đang được nhà đầu tư ngoại săn đón
Theo Zing, trong chuyến công tác đến Việt Nam cách đây không lâu, ông Matthew Bouw, Giám đốc điều hành toàn khu vực châu Á-Thái Bình Dương (APAC) của Cushman & Wakefield khẳng định, Việt Nam ngày càng hấp dẫn nhiều nhà đầu tư tổ chức khắp toàn cầu.
Hồi tháng 3, công ty dịch vụ BĐS thương mại này đã tổ chức một sự kiện ở trụ sở Singapore dành cho 80 nhà đầu tư tổ chức lớn nhất thế giới, nhiều trong số đó đến từ châu Á. Khi thăm dò ý kiến của lãnh đạo các công ty về những thị trường đầu tư BĐS ưa thích, Cushman & Wakefield nhận được đa số câu trả lời gọi tên Nhật Bản, Australia và Việt Nam.
Theo ông Matthew Bouw, nhà đầu tư tổ chức luôn nhắm đến các thị trường ổn định và đáng tin cậy. Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường BĐS thương mại toàn cầu đang đối diện nhiều thách thức, Việt Nam nổi lên như một quốc gia đang có nhiều chính sách và sáng kiến tích cực để cải thiện tính minh bạch, tuân thủ pháp luật cũng như môi trường kinh doanh nói chung.
Đồng thời, làn sóng đầu tư của nhiều công ty đa quốc gia lớn như Lego, Panasonic, Samsung, LG, Sharp… cũng là dấu hiệu tích cực, bởi khách thuê đi đâu, nhà đầu tư tổ chức sẽ theo chân đến đó.
Nhìn về triển vọng tương lai, ông Matthew Bouw nhấn mạnh giới đầu tư luôn tìm đến những khu vực đang thể hiện sự tăng trưởng, như chỉ số kinh tế tích cực, dân số trẻ, tầng lớp trung lưu đang phát triển và quá trình đô thị hóa nhanh chóng.
“Việt Nam có tất cả những thuộc tính đó, cộng với tốc độ tăng trưởng GDP cao. Tất cả những yếu tố này chính là động lực cho sự phát triển của tất cả các lĩnh vực BĐS. Việt Nam sẵn có các động lực tăng trưởng và có thể trở thành một điểm đến đầu tư hấp dẫn hơn nữa nếu không ngừng nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh”, người đứng đầu Cushman & Wakefield APAC nhìn nhận.
Phía sau làn sóng rao bán nhà đất siêu hiếm ở Hà Nội
Thời gian qua, BĐS Hà Nội xôn xao với thông tin rao bán 5 căn biệt thự 4 tầng mặt phố Quảng An, Tây Hồ, diện tích 1.263m2, với tổng giá trị 660 tỷ đồng.
Đặc biệt, môi giới nhấn mạnh, đây là lô đẹp nhất của khu phố Quảng An, rất hiếm có người bán. Cũng tại phố Quảng An, mới đây, một môi giới đăng bán nhà “siêu khủng, đẳng cấp thượng lưu, 1.270m2, giá chỉ 600 tỷ đồng”. Để gây sự chú ý, môi giới nhấn mạnh, đây là BĐS “cực hiếm” với sổ đỏ chính chủ, toàn bộ là đất ở, sử dụng lâu dài…
Ghi nhận thời gian qua, những sản phẩm BĐS được rao lên tới vài trăm tỷ đồng xuất hiện rất nhiều không chỉ ở khu vực phố cổ nơi được biết đến với vị trí “kim cương” ở Hà Nội mà còn ở nhiều tuyến phố lớn.
Như tòa nhà 9 tầng mặt phố Tôn Đức Thắng (Đống Đa) với diện tích 528 m2 với giá 485 tỷ đồng; tòa nhà phố Thái Hà (Đống Đa) với diện tích 1.869 m2 rao bán 518 tỷ đồng; nhà mặt phố Xã Đàn (Đống Đa) với diện tích 183m2 bán 118 tỷ đồng…
Khảo sát giá nhà mặt đường Cầu Giấy, nhiều căn đang được rao bán dao động từ 550 – 750 triệu đồng/m2. Tại phố Trung Kính, giá nhà đang được rao bán với giá từ 500 – 600 triệu đồng/m2.
Trong khi đó, tại đường Trần Duy Hưng, giá nhà phố đang được rao bán với mức giá từ 500 triệu đến hơn 700 triệu đồng/m2. Đơn cử, một căn nhà phố có diện tích 200m2 đã xây dựng 4 tầng đang được rao bán với mức giá 145 tỷ đồng, tương đương 725 triệu đồng/m2. Người bán cho biết, căn nhà đang được cho thuê với mức giá 250 triệu đồng/tháng…
Không chỉ nhà đất, những căn biệt thự tại nhiều khu đô thị cũng được rao bán vài trăm tỷ đồng.
Trên trang rao bán BĐS trực tuyến, một căn biệt thự ở phân khu Hoàng Lan, dự án Vinhomes Green Bay (Nam Từ Liêm) được chào giá hơn 650 triệu đồng/m2. Với diện tích hơn 300m2, tổng giá trị cả căn là 200 tỷ đồng.
Khảo sát cho thấy, hiện giá bán tại dự án đã hạ nhiệt so với mức đỉnh của năm ngoái, còn 600-700 triệu đồng một m2 song về tổng giá các căn tầm nhìn đẹp nhất không dưới chục triệu USD.
Việc rao bán nhà trăm tỷ đồng tại Hà Nội không mới nhưng thời gian gần đây diễn ra nhiều hơn. Việc tăng giá nhanh trước đó đã khiến phân khúc nhà liền kề, biệt thự ghi nhận sự trầm lắng, thanh khoản thấp. Nhiều chủ nhà đang phải rao bán, có nơi đã phải hạ giá bán để mong sớm thoát hàng.
Tuy nhiên, giá rao bán của phân khúc này vẫn còn rất cao, không phù hợp với nhu cầu thực của phần lớn người dân. Như những căn biệt thự nằm ngoài vành đai 3 ghi nhận giá rao bán vài trăm tỷ đồng. Đây là mức mà trước đây chỉ xuất hiện ở những quận trung tâm.
Giới trong ngành nhận định, hiện lãi suất ngân hàng cao, đầu cơ BĐS không còn và cơ bản là nhu cầu ở thật hiện nay là các sản phẩm BĐS bình dân, vừa túi tiền. Trong điều kiện kinh tế khó khăn, những dòng sản phẩm hàng trăm tỷ đồng càng rao càng ế.
Theo chuyên gia BĐS, những phân khúc có tính đầu cơ cao như nhà liền kề, biệt thự… đang bước vào quá trình thanh lọc mạnh mẽ. Thị trường giai đoạn này đang hướng tới các phân khúc đáp ứng nhu cầu thực.
Thị trường BĐS đang ở trong chu kỳ khó khăn nhưng cũng là giai đoạn cần thiết để thanh lọc các doanh nghiệp yếu, kém. Đồng thời đặt ra yêu cầu cho Chính phủ trong việc tiếp tục phải đối mới thể chế chính sách.
Quy định về quỹ bảo trì nhà chung cư
Theo quy định, Ban quản trị nhà chung cư mở một tài khoản chuyên dùng tại một tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam để quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của khu căn hộ và kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của cả tòa nhà chung cư.
Hiện nay, việc thực hiện quy định của pháp luật nhà ở liên quan đến quỹ bảo trì nhà chung cư, tại khoản 6 Điều 1 của Nghị định số 30/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở quy định: “Ban quản trị nhà chung cư có trách nhiệm mở tài khoản để nhận kinh phí bảo trì phần sở hữu chung do chủ đầu tư bàn giao theo Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư do Bộ Xây dựng ban hành”.
Bên cạnh đó, tại điểm a khoản 3 Điều 36 của Thông tư số 02/2016/TT-BXD ngày 15/2/2016 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 12 Điều 3 của Thông tư số 28/2016/TT-BXD ngày 15/12/2016) quy định: “Ban quản trị nhà chung cư mở một tài khoản chuyên dùng tại một tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam để quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của khu căn hộ và kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của cả tòa nhà chung cư”.
Liên quan đến quỹ bảo trì chung cư, mới đây, Bộ Xây dựng cũng đã có văn bản trả lời Ban quản trị nhà chung cư Eco Green City (Hà Nội) về việc thực hiện quy định của pháp luật nhà ở liên quan đến quỹ bảo trì nhà chung cư.
Trong đó, Bộ Xây dựng đã hướng dẫn Ban quản trị nhà chung cư Eco Green City đối chiếu quy định của pháp luật nêu trên với trường hợp cụ thể của mình để thực hiện. Đồng thời, lưu ý, trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị Ban quản trị liên hệ với cơ quan quản lý Nhà nước về nhà ở trên địa bàn là Sở Xây dựng thành phố Hà Nội để được hướng dẫn, giải quyết theo thẩm quyền.