Để góp phần hiện thực hiện hóa chủ trương “Chú trọng phát hiện, bồi dưỡng kết nạp vào Đảng những đoàn viên ưu tú” theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, việc nghiên cứu đưa ra những giải pháp phát triển đảng viên nói chung và đối với học sinh, sinh viên nói riêng là nhiệm vụ quan trọng nhằm tăng cường xây dựng đội ngũ đảng viên trẻ về tuổi đời, có trình độ trí tuệ cao, phẩm chất tốt, dồi dào về thể lực, trong sáng về đạo đức, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.
Còn những tồn tại, rào cản
Hiện nay, toàn tỉnh Bình Thuận có 1 trường đại học với 1.889 sinh viên, 1 trường cao đẳng với 2.702 sinh viên, có 28 trường trung học phổ thông với 38.253 học sinh, trong đó khối 12 có 12.138 học sinh, khối 11 có 12.652 học sinh và khối 10 có 13.463 học sinh.
Theo đánh giá của đồng chí Nguyễn Thanh Nam – Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, mặc dù đã có sự nổ lực cao, quyết tâm lớn và kết quả đạt được bước đầu tích cực nhưng nhìn chung tỷ lệ đảng viên là học sinh, sinh viên còn thấp, chưa phân bổ đều ở các trường, các địa phương. Trong 2 năm 2021 và 2022, toàn tỉnh đã kết nạp được 34 sinh viên ở các trường cao đẳng, đại học và 113 học sinh các trường trung học phổ thông nhưng tập trung chủ yếu ở các trường của huyện Đức Linh (24 học sinh), Tánh Linh (19 học sinh), thành phố Phan Thiết (18 học sinh), Bắc Bình (12 học sinh), Trường Cao đẳng Cộng đồng Bình Thuận (29 sinh viên). Một số cấp ủy chưa quan tâm đúng mức công tác phát triển đảng viên trong học sinh, sinh viên. Vẫn còn một bộ phận học sinh, sinh viên thờ ơ với chính trị, thiếu động lực phấn đấu, rèn luyện.
Toàn cảnh Hội thảo công tác phát triển đảng viên trong học sinh, sinh viên khu vực miền Nam được tổ chức ngày 8/6/2023 tại tỉnh Bình Dương
Qua trao đổi, ý kiến của nhiều lãnh đạo trường THPT trên địa bàn tỉnh cho thấy, tuy số lượng học sinh THPT tại Bình Thuận được kết nạp Đảng ngày càng tăng nhưng tỷ lệ vẫn còn thấp, trong khi tiềm năng rất lớn, nhưng khâu tổ chức thực hiện còn hạn chế. Số lượng học sinh THPT được kết nạp vào Đảng trong những năm qua còn vướng nhiều rào cản, trong đó có độ tuổi kết nạp Đảng. Tại thời điểm chi bộ xét kết nạp, người vào Đảng phải đủ 18 tuổi (tính theo tháng) trở lên. Nhiều trường hợp đoàn viên là học sinh được bồi dưỡng trong thời gian dài có đủ điều kiện về phẩm chất đạo đức, nhận thức và yêu cầu về kết quả học tập nhưng sau khi hoàn tất các quy trình, thủ tục để phát triển Đảng thì thường rơi vào cuối tháng 5 và đầu tháng 8 trong năm. Lúc này, học sinh lớp 12 đã tốt nghiệp ra trường. Đoàn viên phải chuyển sinh hoạt về địa phương trong thời gian chờ kết quả nhập học vào các trường đại học, cao đẳng, trung cấp. Do vậy, cấp ủy Đảng trong nhà trường không thể ra các quyết định liên quan đến kết nạp Đảng. Bên cạnh đó, những cá nhân được chọn kết nạp Đảng phải có thành tích tốt toàn diện trong học tập, rèn luyện, tích cực tham gia hoạt động Đoàn tại trường, địa phương nên thực tế số lượng học sinh đáp ứng đủ các tiêu chuẩn trên chưa nhiều nên số lượng kết nạp vào Đảng còn ít.
Nguyên nhân nữa khiến tỷ lệ kết nạp đảng viên trong học sinh, sinh viên còn thấp bắt nguồn từ tâm lý của học sinh, sinh viên và phụ huynh. Nhiều phụ huynh chỉ muốn con tập trung vào học để đạt kết quả tốt trong kỳ thi tốt nghiệp THPT hoặc đi du học, không muốn tốn thêm thời gian cho việc khác. Cũng có những học sinh, sinh viên cho rằng ra trường sẽ làm việc cho công ty tư nhân hoặc công ty nước ngoài nên cũng không cần thiết phải phấn đấu vào đảng. Ngoài ra, công tác giáo dục, rèn luyện nhằm tạo nguồn đảng viên ở nhiều cơ sở giáo dục vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Những vướng mắc này đã tồn tại từ lâu nhưng vẫn chưa được giải quyết triệt để, dẫn tới tình trạng lãng phí một nguồn nhân lực dồi dào để bổ sung vào đội ngũ đảng viên.
Cả hệ thống chính trị phải cùng vào cuộc
Công tác phát triển đảng viên có vai trò hết sức quan trọng, là một bộ phận trong công tác xây dựng Đảng. Công tác phát triển đảng viên trong học sinh, sinh viên cũng luôn xuất phát từ nhiệm vụ chính trị của Đảng đề ra. Với tình hình, nhiệm vụ cách mạng mới, đòi hỏi Đảng ta không ngừng bổ sung lực lượng cách mạng là đảng viên trẻ, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Học sinh, sinh viên là một lực lượng đông đảo, trí tuệ, nhiệt huyết, năng động, là nguồn sinh lực trẻ rất quan trọng để bổ sung cho đội ngũ đảng viên.
Để triển khai nhiệm vụ này, đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải cùng vào cuộc, không chỉ ngành giáo dục, các trường phổ thông, mà phải từ cấp ủy các cấp, Đảng ủy các trường đại học, cao đẳng và Đoàn Thanh niên. Trong đó, các đồng chí Bí thư chi bộ, đảng bộ, Hiệu trưởng các trường cần có trách nhiệm cao hơn nữa trong công tác này. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội tập trung củng cố tổ chức, đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ chức đảng, tổ chức chính trị – xã hội trong các trường học, tổ chức các đợt sinh hoạt chính trị, phát động các hoạt động, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước tạo môi trường cho học sinh, sinh viên tham gia. Đồng thời, tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, các tổ chức trong các trường trung học phổ thông, cao đẳng, đại học về phát triển đảng viên trong học sinh, sinh viên đi đôi với hành động cụ thể.
Giải pháp nào để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh
Ngày 14/12/2022, Tỉnh ủy Bình Thuận đã ban hành Kế hoạch số 117-KH/TU thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XIII) về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới; trong đó, có đề ra chỉ tiêu: “Hàng năm trong nhiệm kỳ 2020 – 2025, kết nạp 2.000 đảng viên mới. Tỷ lệ kết nạp đảng viên mới hàng năm trong giai đoạn 2026 – 2030 đạt 3,5% tổng số đảng viên”.
Để đạt được chỉ tiêu đề ra, đòi hỏi sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, bởi lẽ thực tế hiện nay việc tạo nguồn ở các địa phương trong tỉnh đang gặp khó khăn, nhất là số lượng quần chúng ưu tú trong lực lượng công chức, viên chức, dân quân tự vệ, dự bị động viên, địa bàn dân cư ngày càng ít do những quần chúng ưu tú, đủ điều kiện đã được kết nạp vào Đảng, những quần chúng khác phải đi làm ăn xa, một số quần chúng thiếu rèn luyện, phấn đấu. Do đó, việc xác định phát triển đảng trong học sinh, sinh viên là hướng đi đúng đắn, vừa cấp bách trước mắt, vừa chiến lược lâu dài, phù hợp với chức năng nhiệm vụ của ngành Giáo dục và Đào tạo, vừa phù hợp với thực tiễn hiện nay.
Lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho học sinh các trường trung học phổ thông thành phố Phan Thiết
Từ những kết quả đạt được và những khó khăn hiện nay, thiết nghĩ cấp ủy từ tỉnh đến cơ sở cần đề ra các giải pháp cụ thể hơn cho công tác kết nạp Đảng trong học sinh, sinh viên thông qua việc ban hành Nghị quyết chuyên đề, Chỉ thị, Kế hoạch về công tác phát triển đảng viên trong học sinh, sinh viên. Nghiên cứu tổ chức hội thảo, tọa đàm chuyên đề để trao đổi kinh nghiệm, nhân rộng mô hình. Trong kế hoạch giao chỉ tiêu kết nạp đảng viên hằng năm, cấp ủy cấp trên cần giao chỉ tiêu cụ thể cho từng trường theo hướng phấn đấu mỗi năm 1 trường THPT kết nạp ít nhất 2 đảng viên; mỗi trường cao đẳng, đại học kết nạp ít nhất 15 đảng viên hoặc trên 1% so với số lượng sinh viên đang theo học tại trường. Các Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện, thị xã, thành phố mỗi năm mở ít nhất 1 lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho học sinh, sinh viên theo yêu cầu của các trường. Hàng năm, cần tổ chức tổng kết, sơ kết đánh giá, rút kinh nghiệm, biểu dương, khen thưởng công tác phát triển Đảng trong học sinh, sinh viên. Bên cạnh đó, cần phải có sự cộng đồng trách nhiệm, chủ động phối hợp trong công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, nhận thức về Đảng giữa nhà trường, địa phương và tổ chức Đoàn Thanh niên. Tổ chức Đoàn cần chủ động, linh hoạt, phát hiện nhân tố điển hình, ưu tú, tạo cơ hội cho đoàn viên phấn đấu, rèn luyện, trưởng thành, tạo nguồn kết nạp cho Đảng.
Tỉnh đoàn tuyên dương học sinh, sinh viên xuất sắc trong công tác Đoàn thanh niên
Kế thừa và phát huy những kết quả đạt được trong thời gian qua, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy các cấp trong tỉnh, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là sự quan tâm, trách nhiệm của cấp ủy, ban giám hiệu, đoàn thanh niên các trường đại học, cao đẳng, trung học phổ thông, chúng ta tin tưởng rằng công tác phát triển đảng trong học sinh, sinh viên tại tỉnh ngày càng phát triển cả số lượng lẫn chất lượng, góp phần tích cực, quan trọng để hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu phát triển đảng viên mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Thuận, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã đề ra.
“Để nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên trong học sinh, sinh viên, các tỉnh ủy, thành ủy và các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc phải nêu cao trách nhiệm, tập trung củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, nhất là các tổ chức đảng trong trường học. Nâng cao nhận thức của cấp ủy, tổ chức Đảng, lãnh đạo nhà trường, tổ chức đoàn thanh niên về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác phát triển đảng viên; thường xuyên quan tâm công tác giáo dục, phát hiện, tạo nguồn phát triển đảng viên đối với những học sinh, sinh viên ưu tú có nguyện vọng phấn đấu vào Đảng, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, bổ sung nguồn nhân lực trẻ cho Đảng, cho hệ thống chính trị các cấp trước mắt và lâu dài”.
Bài 1: Khi Đoàn, Đảng “vào cuộc”
Bài 2: Sức lan tỏa từ Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng