Truyền thông chính sách – Sức mạnh từ báo chí Với khả năng tạo dựng diễn đàn để đối thoại và phản biện chính sách, báo chí và truyền thông tạo cầu nối giữa chủ thể ban hành chính sách và đối tượng thụ hưởng chính sách, truyền thông ngày càng tham gia đầy đủ vào các khâu của quy trình chính sách thì hiệu quả và tác động tích cực của chính sách trong thực tiễn càng được nâng lên. Hoạt động truyền thông chính sách ở nước ta được thực hiện với cách thức nào, hiệu quả ra sao là những vấn đề được bàn luận trong chuyên đề này. |
Làm tốt công tác truyền thông chính sách sẽ mở ra những nguồn lực lớn
Thời gian qua, báo chí đã thực sự trở thành kênh chủ lực truyền thông chính sách. Trong đó, báo chí đã chủ động, kịp thời thông tin, tuyên truyền các chỉ đạo, điều hành của Quốc hội trong công tác lập pháp, giám sát, thực thi pháp luật; của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương về mọi mặt, góp phần đẩy nhanh tốc độ phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội đậm nét, có chiều sâu.
Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, truyền thông chính sách có vai trò, ý nghĩa rất quan trọng, là một trong những chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ, các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các địa phương trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị. Làm tốt công tác truyền thông chính sách sẽ mở ra những nguồn lực lớn, tạo nên sức mạnh lớn, hiệu quả cao trong xây dựng, thực thi chính sách.
Cũng theo Thủ tướng, công tác truyền thông chính sách đã bám sát thực tế, tôn trọng thực tế, lấy thực tế làm thước đo, được thực hiện công khai, minh bạch, chủ động, kịp thời hơn, có nhiều cách làm sáng tạo, đột phá, hiệu quả cao, phù hợp với nội dung tuyên truyền, tình hình, điều kiện và bối cảnh của từng cơ quan, địa phương, đơn vị; góp phần quan trọng đưa chính sách pháp luật vào cuộc sống và đưa cuộc sống vào quá trình xây dựng chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của chính sách, từ đó thống nhất nhận thức, ý chí và hành động trong triển khai thực hiện, tạo đồng thuận cao trong xã hội.
Nhận thấy trong bối cảnh bùng nổ thông tin như hiện nay, công tác truyền thông chính sách cần được chú trọng, nâng cao tính chuyên nghiệp trong toàn hệ thống cơ quan hành chính nhà nước, góp phần tạo sự đồng thuận, nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong việc thực thi chính sách; mới đây, vào ngày 21/3/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Chỉ thị số 07/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác truyền thông chính sách.
Theo Chỉ thị, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, địa phương chủ động, đổi mới phương thức truyền thông và hình thức cung cấp thông tin cho báo chí đảm bảo tính công khai, minh bạch và đáp ứng tốt nhu cầu thông tin của các cơ quan báo chí, nhà báo. Tăng cường phối hợp chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả hơn giữa các bộ, ngành, cơ quan làm công tác truyền thông chính sách.
Quan tâm bố trí, sắp xếp, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ đội ngũ làm công tác truyền thông chính sách bảo đảm phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ. Bố trí cán bộ phụ trách công tác truyền thông chính sách ở bộ, ngành, địa phương. Xây dựng kế hoạch truyền thông hằng năm và linh hoạt triển khai hoạt động truyền thông từ khi hoạch định chủ trương, xây dựng, hoàn thiện, ban hành và thực thi chính sách; bố trí bộ phận truyền thông chính sách tham gia góp ý, phản biện trong quá trình xây dựng và thực thi chính sách.
Cùng với đó, nghiên cứu việc đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các cơ quan truyền thông, báo chí làm nhiệm vụ truyền thông chính sách phù hợp với yêu cầu và quy định của pháp luật…
Năm 2022, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, lần đầu tiên quy mô GDP của Việt Nam đạt 409 tỷ USD. Ước tính GDP tăng 8,02% so với năm trước do nền kinh tế được khôi phục trở lại và đạt mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011 – 2022.
Để đạt được thành tựu quan trọng nêu trên, chính là nhờ vào sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo, điều hành kịp thời, quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp. Trong đó, có vai trò quan trọng của báo chí trong công tác truyền thông chính sách, là cầu nối giữa các cơ quan quản lý nhà nước đến người dân, doanh nghiệp.
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh – Chuyên gia kinh tế đánh giá, báo chí đã trở thành một trong những kênh thông tin hữu ích của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tiếp cận nhanh hơn, hiệu quả hơn với các chính sách về quản lý kinh tế, trong đó có những chính sách về chế độ hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp trong nền kinh tế quốc dân.
Cụ thể, nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh được các cơ quan chức năng đưa ra chưa phù hợp với bối cảnh thực tiễn, khiến doanh nghiệp khó tiếp cận. Tuy nhiên, thông qua phản ánh của các cơ quan báo chí, doanh nghiệp đã có thể nói lên những tâm tư, nguyện vọng của mình.
Từ đó, các cơ quan hoạch định chính sách có sự chỉnh sửa chính sách cho phù hợp hơn với thực tiễn và nhu cầu của doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận gói hỗ trợ chính sách và chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước. Thông qua báo chí, các chính sách đã đến gần hơn với doanh nghiệp, với thực tiễn môi trường.
Có thể thấy rằng, trong bối cảnh mới, vai trò của báo chí trong truyền thông chính sách được Đảng, Nhà nước đặc biệt coi trọng. Bởi, truyền thông chính sách hiệu quả góp phần tham gia giải quyết những tồn đọng kéo dài ở chính nội tại của nền kinh tế mà nước nào qua quá trình chuyển đổi cũng gặp phải và cơ bản ứng phó phù hợp, hiệu quả với những vấn đề mới phát sinh, để người dân hiểu, chia sẻ với Đảng, Nhà nước và Chính phủ.
Tăng tính phản biện trong báo chí chứ không cứng nhắc, máy móc
Với khả năng tạo dựng diễn đàn để đối thoại và phản biện chính sách, báo chí và truyền thông tạo cầu nối giữa chủ thể ban hành chính sách và đối tượng thụ hưởng chính sách. Trong đó, vai trò giám sát, phản biện của báo chí là rất quan trọng và đã được Đảng, Nhà nước ta ghi nhận.
Theo các chuyên gia nhận định, việc tăng cường vai trò giám sát, phản biện xã hội của báo chí là hết sức cần thiết, đặc biệt là giai đoạn hiện nay, khi toàn Đảng, toàn dân đang tập trung đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Cùng với đó, tính phản biện của báo chí đã có nhiều tác động tích cực đối với hoạt động quản lý ngành cũng như những hoạt động điều hành, ổn định tình hình kinh tế – xã hội của đất nước nói chung.
Đơn cử như vừa qua, nhiều văn bản quy phạm pháp luật của các Bộ, ngành quy định thiếu tính thực tiễn (như: quy định không được bán thịt gia súc, gia cầm quá 8 tiếng đồng hồ kể từ sau khi giết mổ, quy định cấm bán bia trên vỉa hè…) khi đưa ra lấy ý kiến nhân dân, báo chí phản biện, nhiều Bộ, ngành phải điều chỉnh bằng cách thu hồi hoặc chỉnh sửa văn bản.
Tại hội nghị Tiếp tục thực hiện Chỉ thị 11 của Bộ Chính trị, tích cực đổi mới, nâng cao năng lực định hướng, hiệu quả tuyên truyền gắn với việc mua, đọc, làm theo báo, tạp chí của Đảng (sáng 10/4/2023). Ông Nguyễn Trọng Nghĩa – Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, muốn để người dân quan tâm thì báo, tạp chí của Đảng cần bám sát thực tiễn đời sống, phản ánh chân thực, khách quan, sinh động cuộc sống các tầng lớp nhân dân trên nhiều lĩnh vực.
“Nếu chỉ thấy mặt màu hồng, các con số đẹp mà không thấy mặt màu đen, những khó khăn vất vả của địa phương thì không được. Phải có khách quan, có chủ quan, từ đó tạo động lực để chúng ta vượt qua khó khăn”, ông Nghĩa nêu rõ.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cũng nhìn nhận, tại một sự kiện, mỗi cơ quan báo chí với các tôn chỉ mục đích khác nhau sẽ có định hướng bài viết khác nhau, cách đặt vấn đề ở từng góc độ khác nhau, từ đó tạo nên sự đa dạng trong hoạt động báo chí. Do vậy, ông Nghĩa đề nghị Ban Tuyên giáo các địa phương cần xây dựng định hướng chiến lược cho các báo, nhằm tạo sự phong phú, nhiều chiều, tăng tính phản biện trong báo chí chứ không cứng nhắc, máy móc.
Quốc Trần