Đơn hàng thiếu hụt, giảm công nhân
Từ các doanh nghiệp (DN) nhỏ đến lớn đều thừa nhận tình trạng đơn hàng xuất khẩu của ngành dệt may vẫn tiếp tục sụt giảm. Không có con số thống kê chính xác nhưng tình trạng các DN giảm doanh số từ 40 – 50% không phải hiếm. DN quy mô lớn doanh thu cũng giảm từ 20 – 30%.
Lãnh đạo Công ty dệt may – đầu tư – thương mại Thành Công cho hay doanh thu 5 tháng đầu năm nay giảm 20 – 25% so với cùng kỳ năm trước. Mới đây, HĐQT công ty đã công bố điều chỉnh chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh năm 2023 với doanh thu xuống 3.927,4 tỉ đồng, giảm 9% so với năm 2022 và lãi ròng đạt 244,9 tỉ đồng, giảm 13%. Thậm chí, Công ty CP sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex) đưa chỉ tiêu doanh thu năm 2023 giảm hơn một nửa so với năm vừa qua, xuống còn 1.500 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế gần 104 tỉ đồng, giảm tới 71%. Kết thúc quý 1/2023, Gilimex báo cáo doanh thu giảm tới 89% so với cùng kỳ năm trước với gần 157 tỉ đồng. Công ty đã bị lỗ tới 39 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi hơn trăm tỉ đồng. Ngay cả Tập đoàn dệt may VN (Vinatex), đơn vị dẫn đầu ngành dệt may cả nước, cũng báo cáo kết quả kinh doanh quý đầu năm nay với doanh thu giảm gần 15% so với cùng kỳ năm trước và lợi nhuận trước thuế giảm mạnh gần 70%, xuống còn 118 tỉ đồng. Vinatex đặt mục tiêu kinh doanh khiêm tốn cho cả năm nay với doanh thu hợp nhất đạt 17.500 tỉ đồng, giảm hơn 10% và lợi nhuận trước thuế đạt 610 tỉ đồng, giảm gần 50% so với năm vừa qua.
Tương tự, với ngành da giày, nhiều DN cũng bị giảm đơn hàng, giảm công nhân. Đại diện Công đoàn Công ty PouSung (Đồng Nai) cho biết trong quý đầu năm nay công ty đã giảm bớt 1.000 công nhân. Nếu so với nhiều DN cùng ngành thì tỷ lệ giảm này ở mức thấp trong tổng số khoảng 21.000 lao động của công ty. Từ tháng 4 đến nay, hoạt động sản xuất cũng ổn định trở lại. Lý giải về điều này, vị đại diện Công đoàn cho rằng mỗi công ty sẽ tùy thuộc vào thương hiệu giày của đối tác. Ví dụ PouSung chuyên sản xuất cho một nhãn hàng giày lớn trên thế giới, nên may mắn là lượng hàng giày thể thao không bị giảm mạnh. Trong khi đó, cùng hãng giày này nhưng đối với các mã hàng như dép, giày nữ… thì lại lao dốc. Riêng lượng công nhân bị ngừng việc trước đó là do sản xuất cho một nhãn hàng khác có quy mô nhỏ hơn và khi khách hàng gặp khó khăn về tiêu thụ đã khiến đơn hàng không còn.
Thê thảm hơn, nhiều DN da giày đã buộc phải thu hẹp hoạt động, cho hàng ngàn công nhân nghỉ việc. Chẳng hạn cuối năm 2022, Công ty TNHH Tỷ Hùng (TP.HCM) đã cho gần 1.200 lao động trong tổng số 1.822 người nghỉ việc vì không có đơn hàng. Hay một “ông lớn” trong ngành da giày VN là Công ty PouYuen VN từ đầu năm đến nay đã liên tục cắt giảm lao động với hơn 8.000 người. Nguyên do cũng được công ty công bố là vì tình hình kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, người dân các nước thắt chặt chi tiêu kéo theo việc sụt giảm các đơn hàng sản xuất gia công…
VN khó cạnh tranh với Bangladesh, Indonesia?
Ông Nguyễn Như Tùng, Chủ tịch HĐQT Công ty dệt may – đầu tư – thương mại Thành Công, Phó chủ tịch Hội Dệt may VN, đánh giá kim ngạch xuất khẩu lẫn đơn hàng ngành dệt may giảm vì nhiều nguyên nhân. Đầu tiên vẫn là câu chuyện tiêu thụ chung của toàn cầu đi xuống, nhất là thị trường lớn như Mỹ cùng châu Âu (EU) lao dốc mạnh. Miếng bánh thị trường bị thu hẹp hơn trước và khách hàng đã cắt bớt những phân khúc kém cạnh tranh hơn.
Trong khi đó, Bangladesh vốn từ trước đến nay vẫn so kè với VN trong hoạt động xuất khẩu dệt may và nay họ đang có lợi thế nhiều hơn do chi phí thấp từ tiền lương và đồng nội tệ giảm mạnh. Đồng thời, nhiều DN dệt may của Bangladesh đã đạt được chứng chỉ “xanh” toàn cầu như ESG (chỉ số môi trường, xã hội và quản trị) và đạt chuẩn LEED (định hướng thiết kế về năng lượng và môi trường). Chẳng hạn như thế giới có khoảng 100 dự án đạt chứng chỉ “xanh” thì đã có 40 dự án ở Bangladesh. Điều đó giúp cho ngành dệt may nước này vẫn thu hút được đơn hàng, giúp quý 1/2023 tăng nhẹ, tuy nhiên đến tháng 4 cũng quay đầu giảm do thị trường khó khăn chung…
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may VN (Vinatex) Lê Tiến Trường thì nhận định suy giảm dệt may của VN cao nhất do đồng tiền đắt hơn 20% so với các quốc gia cạnh tranh, đồng thời lãi suất ở VN neo ở mức cao 9 – 11%/năm trong 4 tháng đầu năm nay, trong khi các quốc gia khác duy trì ở mức 3,5 – 7%/năm.
Cùng với đó, giá điện tăng 3% cũng kéo theo nhiều áp lực đối với các DN dệt may. VN còn đứng trước thách thức lớn khi Trung Quốc mở cửa. Với chính sách “thúc đẩy” hoạt động sản xuất sau đại dịch, nước này đã áp dụng nhiều chính sách hỗ trợ cho ngành dệt may trong nước. DN dệt may của quốc gia này có quy mô sản xuất đứng top 1 thế giới, do đó khi cầu suy giảm, nguồn cung dồi dào hơn thì VN khó có thể cạnh tranh.
Ngoài các yếu tố trên, chi phí tiền lương trung bình hằng tháng cho công nhân may mặc của VN đang ở ngưỡng 300 USD/người, cao hơn so với trung bình toàn cầu ở ngưỡng 200 USD/người. Tiền lương của VN cao hơn so với Bangladesh, ở mức 95 USD/người/tháng hay Campuchia 190 USD/người/tháng, Ấn Độ 145 USD/người/tháng. Ông Lê Tiến Trường nhấn mạnh: Với những điều kiện trên, nếu như các DN duy trì đơn giá thấp để cạnh tranh với Bangladesh thì sẽ lỗ ít nhất 15%. Bài toán này đặt ra nhiều thách thức, bởi các DN dệt may trong nước đang mất đi rất nhiều lợi thế trước các đối thủ để có thể duy trì khách hàng, đơn hàng.
Đồng tình, ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch Hiệp hội Da giày – Túi xách VN (LEFASO), cho rằng về tổng thể, thị trường vẫn lao dốc mạnh, không có gì khả quan. Đặc biệt là EU, bị ảnh hưởng nặng nề nhất vì chịu tác động trực tiếp từ cuộc xung đột quân sự giữa Nga – Ukraine, bên cạnh đó là các yếu tố suy thoái kinh tế hậu Covid-19 và các vấn đề liên quan đến chính sách bảo vệ môi trường. Đặc thù của ngành thời trang nói chung là biết được đơn hàng trước 6 tháng. Hiện nay đã hết tháng 6 và coi như đơn hàng 6 tháng cuối năm 2023 đã cơ bản hoàn thành và ước tính toàn ngành sụt giảm trung bình 10 – 12%. Từ sau tháng 10, chúng ta sẽ biết được đơn hàng cho năm 2024. Nếu thị trường có khả quan hơn một cách bất ngờ thì biên độ dao động cũng trong khoảng từ 3 – 5%. Chính vì vậy, kịch bản ít xấu nhất thì ngành da giày năm nay cũng sụt giảm 7 – 8%, còn kịch bản xấu hơn là giảm từ 13 – 16%.
“10 năm qua, tăng trưởng đều đặn khiến chúng ta không có áp lực chuyển đổi theo xu hướng tăng trưởng xanh của thế giới. Trong khi đó, Bangladesh do hình ảnh của ngành thời trang không được tốt trong mắt thị trường thế giới buộc các DN và chính phủ nước này phải xây dựng chính sách chuyển đổi theo hướng tích cực về mặt môi trường, lao động, giảm phát thải, truyền thông… Chính vì vậy, khi thế giới rơi vào cuộc khủng hoảng, đơn hàng sụt giảm thì những “chỗ trũng” nước vẫn chảy về. Còn như VN đang là gò cao khi chi phí sản xuất cao, chưa đáp ứng tốt các tiêu chuẩn mới về môi trường thì đơn hàng sụt giảm. Sự chuẩn bị của Bangladesh được tiến hành trong suốt 10 năm qua nên hiện tại lúc nào đơn hàng của họ cũng “full” (đầy) hết. Chúng ta nên xem đây là cơ hội để nhìn thấy rõ những vấn đề của thị trường trong xu thế mới mà tích cực chuyển đổi để tồn tại”, ông Diệp Thành Kiệt nói.
Theo Tổng cục Thống kê, xuất khẩu dệt may 5 tháng đạt 12,32 tỉ USD, giảm 17,8% và xuất khẩu xơ sợi đạt 1,73 tỉ USD, giảm 27% so với cùng kỳ năm trước. Tương tự, xuất khẩu giày dép đạt hơn 8,18 tỉ USD, giảm gần 14% và xuất khẩu túi xách, vali, ô – dù… đạt 1,55 tỉ USD, giảm 5,5% so với cùng kỳ năm 2022.