Chương trình làm việc cụ thể hôm nay, ngày 20-6-2023:

Buổi sáng: Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, biểu quyết thông qua: (1) Luật Hợp tác xã (sửa đổi); (2) Nghị quyết về quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa – kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận; (3) Luật Phòng thủ dân sự.

Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; nghe Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Sau đó, Quốc hội thảo luận ở Tổ về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Buổi chiều: Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, biểu quyết thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Sau đó, thảo luận về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

* Trước đó, tại các phiên thảo luận về dự án Luật Phòng thủ dân sự, việc thành lập Quỹ phòng thủ dân sự là nội dung được các đại biểu quan tâm, thảo luận. Các ý kiến nhất trí cao với việc thành lập Quỹ phòng thủ dân sự.

Giải trình, làm rõ nội dung mà các đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng thủ dân sự chiều 24-5 vừa qua, thay mặt Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã làm rõ về Quỹ Phòng thủ dân sự.

Nêu những dẫn chứng cụ thể trong những tình huống cấp bách khi đối phó với dịch bệnh Covid-19 vừa qua, Đại tướng Phan Văn Giang cho biết, nếu không có lực lượng cũng như nguồn lực dự trữ đặc biệt về vốn thì sẽ không thể ứng phó kịp, xử lý tốt, giải quyết nhanh các sự cố xảy đến.

Theo đó, khi dịch Covid-19 xảy ra ở TP Hồ Chí Minh, Quân đội cùng với các lực lượng vũ trang, lực lượng y tế được giao tham gia giúp các vùng bùng phát dịch mạnh, thậm chí ngoài khả năng chống chịu của các vùng đó. Thế nhưng, lực lượng Quân đội đã thành lập được 16 bệnh viện cỡ 500 – 1.000 giường ở cả 3 miền đất nước; rồi vận chuyển vắc xin phòng Covid-19 đến mọi miền; dùng xe cơ động sản xuất oxy cho người dân…

Nhấn mạnh nếu không có lực lượng, không có nguồn lực thì không thể thực hiện được những việc như thế, Đại tướng Phan Văn Giang cho rằng, rõ ràng phải cần có lực lượng dự bị cũng như vốn, quỹ; khi xảy ra rồi thì không thể thực hiện được. Từ đó, Bộ trưởng Phan Văn Giang nhấn mạnh, việc chuẩn bị từ sớm, từ xa để ứng phó sự cố là rất quan trọng; đề nghị các đại biểu Quốc hội ủng hộ trong vấn đề Quỹ phòng thủ dân sự.

Đồng thời, Bộ trưởng Phan Văn Giang cũng cho biết sẽ có cách thức phù hợp để không làm phát sinh biên chế, bảo đảm quỹ hoạt động hiệu quả, đúng mục đích. Ngoài ra, Bộ trưởng Phan Văn Giang cũng cho rằng cần có các tiêu chí cụ thể để các cấp, các ngành căn cứ vào đó có sự chuẩn bị từ sớm, từ xa trong ứng phó với các thảm họa, sự cố.

* Hôm qua, thứ hai, ngày 19-6, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 18 (ngày họp đầu tiên của Đợt 2) của Kỳ họp thứ 5 tại Nhà Quốc hội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Buổi sáng

Dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Phiên họp được truyền hình trực tiếp trên Truyền hình Quốc hội Việt Nam.

 Quang cảnh phiên họp ngày 19-6-2023.

Tại phiên thảo luận đã có 28 đại biểu phát biểu, 4 đại biểu tranh luận, trong đó đa số ý kiến đại biểu nhất trí cao với sự cần thiết sửa đổi Luật theo Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong quản lý, phát triển nhà ở, phát huy vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước về nhà ở trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về nhà ở; đồng thời, khắc phục hạn chế, vướng mắc, những quy định chưa phù hợp với thực tiễn của pháp luật hiện hành, bổ sung các vấn đề mới nảy sinh; luật hóa các quy định dưới luật đã được thực tiễn khẳng định phù hợp nhằm góp phần ổn định chính trị – xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, an sinh xã hội; hoàn thiện các quy định, chế tài để xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm chính sách, pháp luật về nhà ở; bảo đảm đồng bộ, thống nhất với quy định khác của pháp luật có liên quan như pháp luật về đất đai, đầu tư công, đầu tư, xây dựng, đấu thầu, quy hoạch đô thị…

Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, các đại biểu tập trung thảo luận về những nội dung sau: về phạm vi điều chỉnh; các hành vi bị nghiêm cấm; xử lý đối với người vi phạm pháp luật về nhà ở; kế hoạch phát triển nhà ở; chính sách, yêu cầu chung về phát triển, quản lý, sử dụng nhà ở; công nhận quyền sở hữu, thời điểm xác lập quyền sở hữu nhà ở; yêu cầu về phát triển nhà của các thành viên, hộ gia đình và cá nhân; nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; quyền của đại diện chủ sở hữu nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh; hình thức sử dụng đất để phát triển nhà ở thương mại;

Quy định quyền, nghĩa vụ, điều kiện, số lượng loại nhà ở mà người nước ngoài được sở hữu tại Việt Nam; chính sách phát triển và quản lý nhà ở xã hội; đất để xây dựng nhà ở xã hội; xác định giá bán, giá thuê, giá thuê mua nhà ở xã hội không do Nhà nước xây dựng; quy định cá nhân có đủ điều kiện mua nhà ở; đối tượng, điều kiện thuê, cho thuê, mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; ưu đãi chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội, xây dựng để bán, cho thuê mua; phát triển nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp; nguyên tắc phát triển nhà ở phục vụ tái định cư; quản lý, sử dụng, cải tạo, xây dựng nhà chung cư; vấn đề quản lý vận hành nhà chung cư cũ; thời hạn của nhà ở đối với nhà chung cư; đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về phát triển nhà ở; trách nhiệm của Ban quản trị nhà chung cư; cưỡng chế bàn giao kinh phí bảo trì nhà chung cư;…

Kết thúc phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Buổi chiều

Dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường.

Nội dung 1

Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021. Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021.

Kết quả như sau: Có 478  đại biểu tham gia biểu quyết, trong đó có 473 đại biểu tán thành (bằng 95,75% tổng số ĐBQH), có 3 đại biểu không tán thành (bằng 0,61% tổng số ĐBQH), có 2 đại biểu không biểu quyết (bằng 0,40% tổng số ĐBQH).

Nội dung 2

Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giá (sửa đổi). Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Giá (sửa đổi).

Kết quả như sau: Có 476 đại biểu tham gia biểu quyết, trong đó có 459 đại biểu tán thành (bằng 92,91% tổng số ĐBQH), có 10 đại biểu không tán thành (bằng 2,02% tổng số ĐBQH), có 7 đại biểu không biểu quyết (bằng 1,42% tổng số ĐBQH).

Nội dung 3

Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). 

Sau đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).

HẢI THANH