Bình Thuận hiện có 9 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích hơn 3.000 ha đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đưa vào quy hoạch phát triển, bao gồm: 1 KCN chuyên ngành chế biến titan và 8 KCN đa ngành.
Theo Ban Quản lý các KCN Bình Thuận, đến nay trên địa bàn tỉnh có 6 KCN với tổng diện tích gần 1.100 ha đã và đang đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật: KCN Phan Thiết giai đoạn 1 (68 ha), KCN Phan Thiết giai đoạn 2 (40,7 ha), KCN Hàm Kiệm I (132,67 ha), KCN Hàm Kiệm II (402,06 ha), KCN Tuy Phong (150 ha), KCN Sông Bình (300 ha)… Thời gian qua, các KCN thu hút được 86 dự án đầu tư thứ cấp còn hiệu lực, trong đó có 58 dự án vốn đầu tư trong nước và 28 dự án có vốn đầu tư nước ngoài. Trong số này hiện có 66 dự án đã đi vào sản xuất – kinh doanh (44 dự án vốn đầu tư trong nước, 22 dự án có vốn đầu tư nước ngoài), tham gia giải quyết việc làm cho khoảng 12.000 lao động. Nhờ hoạt động của doanh nghiệp trong KCN tương đối ổn định, nên góp phần thực hiện các chỉ tiêu về doanh thu, kim ngạch xuất khẩu và nộp ngân sách tăng bình quân 10 – 16%/năm.
Còn lại có KCN Sơn Mỹ I (1.070 ha) đã tổ chức khởi công, KCN Tân Đức (300 ha) đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư và thực hiện đền bù giải tỏa, riêng KCN Sơn Mỹ II (540 ha) hiện tiếp tục hoàn chỉnh hồ sơ để trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư. Dù vậy thực tế cho thấy, tình hình đầu tư xây dựng các KCN tại Bình Thuận thời gian qua cũng còn một số khó khăn, vướng mắc cần được quan tâm tháo gỡ. Như về công tác thẩm định, trình giao đất/cho thuê đất, xác định giá đất cụ thể phục vụ đền bù giải tỏa trong KCN, nút giao đấu nối KCN Tân Đức với quốc lộ 1A, hợp đồng thuê đất các dự án BOT trong KCN Sơn Mỹ I… Vấn đề này, Ban Quản lý các KCN Bình Thuận đã tổng hợp báo cáo và kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo sở ngành chuyên môn, cơ quan chức năng, địa phương liên quan phối hợp giải quyết đem lại hiệu quả.
Về việc thực hiện thuê đất nhà nước và cho thuê lại đất, vừa qua Ban Quản lý các KCN Bình Thuận đã có công văn về việc tháo gỡ vướng mắc liên quan đến việc cho thuê đất trả tiền một lần đối với các dự án đầu tư trong KCN. Cụ thể là tạo điều kiện để chủ đầu tư hạ tầng KCN được chuyển hình thức thuê đất nhà nước trả tiền thuê đất hàng năm sang thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê. Đồng thời cũng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tồn tại nhiều năm qua cho doanh nghiệp thứ cấp đã thuê lại đất trả tiền một lần với chủ đầu tư hạ tầng nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trả tiền một lần. Theo đó đã kiến nghị UBND tỉnh xem xét chỉ đạo các sở ngành chuyên môn quản lý đất đai, tài chính, thuế… quan tâm phối hợp tham mưu hướng giải quyết phù hợp, góp phần cải thiện môi trường thu hút đầu tư vào các KCN cũng như tạo nguồn thu ngân sách cho tỉnh.
Song song với việc tháo gỡ vướng mắc, Ban Quản lý các KCN Bình Thuận sẽ phối hợp sở ngành, địa phương liên quan đôn đốc chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng, thực hiện giao đất, cho thuê đất để triển khai đầu tư hạ tầng KCN đảm bảo tiến độ đề ra. Mặt khác kịp thời báo cáo, phối hợp và kiến nghị các cấp ngành tiếp tục hỗ trợ giải quyết khó khăn của chủ đầu tư hạ tầng, doanh nghiệp thứ cấp trong xúc tiến công tác chuẩn bị đầu tư, đầu tư xây dựng KCN cũng như thu hút lấp đầy vào các KCN theo định hướng phát triển của tỉnh…
Trừ KCN Sông Bình (chuyên chế biến khoáng sản titan), còn lại các KCN khác trên địa bàn Bình Thuận đều là KCN đa ngành, tập trung thu hút dự án sản xuất, chế biến những mặt hàng, sản phẩm: Nông – lâm – thủy hải sản, cơ khí, điện tử, các sản phẩm phục vụ tiêu dùng, nhóm ngành vật liệu xây dựng và trang trí nội thất…