(CT) – Ðó là chủ đề tọa đàm (trực tiếp kết hợp trực tuyến) do Trường Ðại học Cần Thơ (ÐHCT) chủ trì tổ chức vào sáng 16-6. Ông Trần Duy Ðông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Ðầu tư; lãnh đạo các cơ quan hợp tác quốc tế; lãnh đạo các viện, trường quốc tế và trong nước; lãnh đạo các địa phương khu vực ÐBSCL… dự tọa đàm.
Lãnh đạo Trường ĐHCT và lãnh đạo NIC ký kết thỏa thuận hợp tác.
GS.TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường ÐHCT, nhấn mạnh: Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp thúc đẩy doanh nghiệp và cộng đồng phát triển, là nguồn lực quan trọng trong phát triển ÐBSCL và cả nước. Thực tiễn kinh nghiệm quốc tế chứng minh, hiện nay, khởi nghiệp và tạo dựng doanh nghiệp là động lực quan trọng của nền kinh tế, góp phần giải quyết những khó khăn, thách thức mang tính toàn cầu cũng như hướng tới sự phát triển bền vững. Trường ÐHCT có nguồn lực gần 2.000 cán bộ, giảng viên và trên 45.000 người học; khoa học công nghệ tiên tiến, liên ngành, chuyên sâu. Nhà trường có cơ sở vật chất được nâng cấp đồng bộ, hiện đại thông qua Dự án ODA của Chính phủ Nhật Bản; mạng lưới các đối tác trong nước và quốc tế phong phú. Trường ÐHCT cam kết đồng hành cùng các cơ quan, đơn vị, đặc biệt kết nối các tổ chức quốc tế, góp phần phát triển bền vững ÐBSCL.
Tại tọa đàm, các đại biểu tập trung trình bày các vấn đề về nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo ở ÐBSCL; tầm nhìn và giải pháp đổi mới sáng tạo quốc gia; đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong thanh niên… Tọa đàm còn có nhiều tham luận từ các trường hợp thực tế như “Ðàn sếu khởi nghiệp” của tỉnh Ðồng Tháp; Vườn ươm Công nghệ và Khoa học Ðại học Chiang Mai (Thái Lan); từ đổi mới sáng tạo đến phát triển doanh nghiệp, điển hình thành công của DNTN Hồ Quang Trí với thương hiệu gạo ST25… Nhiều tham luận phân tích sâu sắc thực trạng, đề xuất giải pháp hữu ích, cụ thể trong việc thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Trường ÐHCT sẽ tổng hợp, từ đó có những đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ngành địa phương liên quan.
Thứ trưởng Trần Duy Ðông cho biết: Thời gian qua, nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp quan trọng của Ðảng và Nhà nước đã và đang được triển khai nhằm hướng đến mục tiêu phát triển vùng ÐBSCL một cách bền vững. Trong Quy hoạch vùng ÐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ÐBSCL đến năm 2030 được định hướng trở thành trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả cao của quốc gia, khu vực và thế giới. Ðể đạt được mục tiêu này, các địa phương trong vùng cần xác định yếu tố quan trọng nhất là dựa vào phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Tại buổi tọa đàm, Trường ÐHCT tiến hành ký kết thỏa thuận hợp tác với 3 đơn vị: Trung tâm Ðổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) – Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ), Công ty Cổ phần Rynan Technologies Việt Nam.
Ðây là tọa đàm lần thứ 6 trong khuôn khổ Diễn đàn Phát triển bền vững ÐBSCL tầm nhìn 2045 – SDMD 2045. SDMD 2045 được triển khai theo chủ trương của Chính phủ, do Trường ÐHCT khởi xướng từ năm 2022, nhằm kết nối các bên liên quan trong nước và quốc tế, góp phần đề xuất các định hướng, chính sách, giải pháp cho Chính phủ, các cơ quan, ban ngành. Ðồng thời, thúc đẩy hợp tác xây dựng và triển khai các chương trình, dự án thiết thực, nhằm phát triển bền vững ÐBSCL.
Tin, ảnh: ĐĂNG HUỲNH