Nhịn ăn khắc nghiệt, biếng ăn tâm lý
L.T.T.T, 19 tuổi, sinh viên một trường đại học tại TP.HCM, cao 1,50 m, nặng 50 kg. T. cho biết mình đang thừa khoảng 5 kg so với cân nặng mong muốn là 45 kg. Để giảm cân xuống nhanh, T. đặt mục tiêu cố gắng nhịn ăn trong 2 tuần.
T. cho biết ở thời điểm giảm cân cô chỉ uống nước lọc và ăn 1 quả táo vào buổi sáng, trưa ăn 2 quả trứng luộc, tối ăn trái cây để cầm cự, hôm nào đói quá thì ăn một chén cơm nhỏ với rau.
“Trong 1 tuần đó tôi rất mệt mỏi, chỉ có nằm lên nằm xuống, không muốn làm gì, dù rất thèm ăn nhưng cố gắng nhịn. Sau 1 tuần tôi giảm được 3 kg, cơ thể xanh xao, gia đình lo lắng nên tôi dừng việc giảm cân tại đó”, T. chia sẻ.
Tương tự, T.Q., 13 tuổi, ở TP.HCM, cao 1,56 m nặng 47 kg. Đây là mức cân nặng bình thường, thân hình cân đối, tuy nhiên Q. vẫn thường xuyên lên mạng đọc tìm hiểu các phương pháp giảm cân nên bị ảnh hưởng tâm lý. Trong thời gian dài, Q. hầu như ăn rất ít, biếng ăn tâm lý, sụt 17 kg, nhập viện cấp cứu và bác sĩ phải điều trị suy dinh dưỡng.
Uống nước mía, nước ép ớt chuông để giảm cân
T.A., 30 tuổi, ở Hà Nội, mong muốn giảm cân nên tìm hiểu các phương pháp giảm cân nhanh. Cô thấy nhiều người hướng dẫn uống nước mía, kết hợp nước ép ớt chuông và cốt chanh. Sau 12 ngày vật vã cố gắng thì cô cũng đã giảm được 4 kg. Tuy nhiên T.A. cảm thấy rất mệt mỏi, cồn cào dạ dày và thèm ăn trong thời gian giảm cân. Sau khi giảm được 4 kg, cô không dám áp dụng phương pháp này nữa.
Tương tự V.X.M, 29 tuổi, ở TP.HCM, cũng từng cố gắng uống nước mía xay chung ớt chuông để giảm cân. “Trước mỗi bữa ăn tôi đều uống một ly nước mía xay ớt chuông to, sau khi uống cảm giác no nên ăn rất ít cơm. Sau khoảng 2 tuần, tôi giảm được 3-4 kg nhưng sau đó cân nặng tăng trở lại nên phải tìm phương pháp khác”, chị M. cho biết.
Hay như N.T. (31 tuổi, ở TP.Thủ Đức, TP.HCM) cho biết do sau khi sinh con bị béo và có nhiều mỡ thừa ở bụng nên muốn giảm cân nhanh. Trong thời gian giảm cân, cô thường xuyên uống nước mía thay cho bữa ăn chính, cắt tối đa lượng cơm tiêu thụ trong ngày. Tuy nhiên chỉ sau vài ngày cô bỏ cuộc vì quá mệt mỏi và stress.
Khi nào thì được tính là béo phì cần giảm cân?
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), béo phì là bệnh mạn tính, ảnh hưởng trẻ em cũng như người lớn. Béo phì là một trong những vấn đề nổi bật nhất của sức khỏe cộng đồng nhưng thường bị bỏ qua.
Theo PGS.TS.BS Lâm Vĩnh Niên, Trưởng khoa Dinh dưỡng – Tiết chế, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, để xác định một người gọi là béo phì hay thừa cân cần xét một số chỉ số như BMI, số đo vòng bụng, tỷ lệ mỡ cơ thể… Khi có một trong các yếu tố vượt ngưỡng thì được xác định là thừa cân.
Chỉ số khối cơ thể BMI (body mass index) được tính bằng công thức lấy số cân nặng chia cho chiều cao bình phương. Theo phân loại của Hiệp hội đái đường các nước châu Á (IDI & WPRO), chỉ số BMI của người châu Á từ 18,50 – 22,9 kg/m2 là cân nặng bình thường. BMI dưới 18,5 là nhẹ cân, từ 23 – 24,9 là thừa cân và từ 25 trở lên là béo phì.
Tuy nhiên trong một số trường hợp chỉ số BMI có thể không phản ánh hoàn toàn tình trạng, chúng ta có thể đo lượng mỡ trên cơ thể, đo chỉ số vòng eo. Nếu chỉ số vòng eo trên 80 cm với nữ và trên 90 cm với nam cho thấy tình trạng béo bụng, thừa cân cần có lộ trình giảm cân phù hơp.
Không chỉ là so sánh số cân nặng trước và sau
Theo Th.S-BS Nguyễn Viết Quỳnh Thư, Trưởng Khoa Dinh dưỡng và Tiết chế – Bệnh viện FV, giảm cân thành công không chỉ đơn thuần là so sánh số cân nặng trước và sau khi giảm cân.
“Khi giảm cân đúng cách, khoa học bạn sẽ giảm mỡ. Còn khi giảm cân sai cách bạn sẽ không giảm mỡ mà giảm cơ. Do đó không phải hôm nay 50 kg, vài ngày sau cân lại còn 45 kg là giảm cân. Việc ép cân xuống nhanh trong thời gian ngắn bằng các phương pháp như nhịn ăn, uống nước mía… sẽ làm cơ thể suy nhược, mất nước, tiêu cơ, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe về sau”, BS Thư chia sẻ.
Thậm chí, theo BS Thư, những trường hợp ép cân xuống nhanh khiến cơ thể mất nước, rối loạn chuyển hóa, khi ăn uống bình thường trở lại thì sẽ lên cân nhanh chóng thậm chí béo hơn lúc trước.
Để giảm cân hiệu quả, nguyên tắc cơ bản là lượng calo đưa vào phải thấp hơn lượng calo tiêu thụ. Khi có sự thâm hụt calo, kết hợp với vận động hợp lý sẽ giúp tiêu hao mỡ hiệu quả. Do đó trước khi giảm cân người bệnh thường được đo các chỉ số mỡ trên cơ thể để đối chiếu với kết quả sau đó.
>>> Đón xem bài tiếp sau “Muôn kiểu giảm cân: Cắt giảm tinh bột đến đau đầu, giảm sút trí nhớ”.