Quang cảnh Quốc hội thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi)
– Tiếp tục Chương trình làm việc Kỳ họp thứ 5, sáng 19/6, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).
Điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, sáng 5/6, Quốc hội đã nghe trình bày Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự thảo luật này, sau đó Quốc hội đã thảo luận tại tổ về dự thảo luật này. Tổng Thư ký Quốc hội đã gửi báo cáo tổng hợp ý kiến tới các đại biểu Quốc hội (ĐBQH), cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Xây dựng đã có báo cáo dự kiến tiếp thu, giải trình gửi tới các ĐBQH. Đây là dự thảo luật có nhiều nội dung phức tạp, liên quan chặt chẽ với nhiều dự án luật khác về đất đai, đầu tư, đấu thầu… tác động trực tiếp đến quyền lợi của người dân, chính sách an sinh xã hội của Nhà nước, vì vậy ĐBQH có nhiều ý kiến đóng góp để cơ quan soạn thảo bổ sung, hoàn thiện.
Đại biểu Lưu Bá Mạc, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn phát biểu ý kiến vào dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi)
Phát biểu ý kiến góp ý vào dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) tại hội trường, đại biểu Lưu Bá Mạc, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn cơ bản tán thành với sự cần thiết sửa đổi luật như Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Góp ý về bảo hành nhà chung cư, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo điều chỉnh sự khác biệt và hợp lý giữa thời gian bảo hành tối thiểu là 60 tháng đối với nhà chung cư và thời gian bảo hành tối thiểu là 24 tháng đối với công trình hoặc hạng mục công trình cấp đặc biệt và cấp I.
Về ban quản trị nhà chung cư quy định tại Điều 144, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung làm rõ thêm quy định có liên quan đến ban quản trị nhà chung cư; yêu cầu đối với thành viên ban quản trị nhà chung cư hoặc công nhận ban quản trị chung cư…
Tại khoản 4, Điều 144, đại biểu đề nghị quan soạn thảo cân nhắc sửa cụm từ “khuyến khích” thành cụm từ “tiêu chuẩn lựa chọn” và đề xuất sửa thành tiêu chuẩn lựa chọn người tham gia ban quản trị nhà chung cư là những người có kinh nghiệm, kiến thức về xây dựng, kiến trúc, tài chính, pháp luật phòng cháy chữa cháy…
Tại Điều 21 dự thảo luật có đề cập đến quy định là tổ chức, cá nhân nước ngoài có thể mua không quá 30% số lượng căn hộ trong một toà nhà chung cư, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc về việc có nên đưa đại diện/cá nhân nước ngoài sở hữu các căn hộ nêu trên là thành viên ban quản trị nhà chung cư.
Buổi chiều cùng ngày, Quốc hội nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo nghị quyết và ĐBQH biểu quyết thông qua Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021 và Luật Giá (sửa đổi); nghe báo cáo tại hội trường và tiếp tục thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).