Sau khi uống rượu bia, dù người uống có làm gì thì nồng độ cồn trong máu sẽ tăng. Với những người uống lượng lớn rượu bia, nồng độ cồn này sẽ tăng lên rất nhanh. Nếu họ ngủ ngay sau đó thì nồng độ cồn có thể tăng lên mức gây ngộ độc rượu, thậm chí tổn thương não mà không hay biết, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).
Không những vậy, rượu bia còn ức chế phản xạ hầu họng. Đây là phản xạ co cơ phía sau ở cổ họng, giúp ngăn những thứ trong khoang miệng đi vào cổ họng và gây ngạt thở. Do đó, nếu người uống rượu bia ngủ và bị nôn thì sẽ rất dễ gây ngạt thở.
Thậm chí, ngủ sau khi uống chỉ vài ly cũng gây hại cho cơ thể. Lúc đầu hôm, rượu bia sẽ giúp người uống dễ chìm vào giấc ngủ. Nhưng sau đó, tim họ đập nhanh và đổ nhiều mồ hôi dù chưa chìm vào giấc ngủ say. Hiện tượng này là do rượu bia làm giãn các mạch máu trong cơ thể. Không những vậy, vì rượu bia tác dụng lợi tiểu nên kích thích đi tiểu. Hệ quả là khiến cơ thể tỉnh táo và gây gián đoạn giấc ngủ.
Nếu tình trạng này kéo dài nhiều ngày thì dễ đẩy cơ thể vào trạng thái thiếu ngủ, từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tâm thần, làm suy yếu hệ miễn dịch, gây tăng cân và các vấn đề tim mạch.
Cách tốt nhất để ngủ ngon và đảm bảo sức khỏe là không nên uống rượu bia trong vòng vài giờ trước khi ngủ. Nếu phải tham gia các buổi tiệc thì hãy chọn loại thức uống có nồng độ cồn thấp.
Nếu tối hôm đó đã lỡ uống quá nhiều thì hãy tranh thủ uống nhiều nước ngay sau đó để tránh cơ thể bị mất nước do tác dụng lợi tiểu của rượu bia. Sáng hôm sau khi thức dậy thì hãy uống ngay một ly nước để bù nước.
Ngoài ra, cần tránh uống các loại thuốc giảm đau không kê đơn sau khi uống rượu bia vì có thể gây một số tác động bất lợi đến sức khỏe. Chẳng hạn, thuốc kháng viêm ibuprofen nếu uống chung với rượu bia sẽ gây kích ứng đáng kể cho đường tiêu hóa. Không những vậy, nguy cơ tổn thương gan sẽ cao hơn nếu uống rượu bia chung với các loại thuốc có thành phần paracetamol. Các chuyên gia cũng khuyến cáo khi đã uống rượu vào buổi tối thì cũng nên tránh uống thuốc ngủ, theo Healthline.