Tình hình dịch sốt xuất huyết (SXH) ở nhiều tỉnh, thành phố vẫn đang diễn ra phức tạp. Trong khi hiện nay, với nền nhiệt cao, là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh SXH phát triển. Do đó, các đơn vị y tế huyện Thạch Thành đã chỉ đạo y tế cơ sở tăng cường công tác truyền thông phòng, chống SXH để nâng cao ý thức người dân trong việc chủ động các biện pháp phòng, chống phù hợp, không để dịch bệnh xuất hiện và bùng phát trong cộng đồng.
Người dân thị trấn Kim Tân tham gia tổng dọn vệ sinh môi trường để phòng, chống sốt xuất huyết.
Ngay từ đầu năm, Trung tâm Y tế huyện Thạch Thành đã tham mưu cho UBND huyện kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh tuyến huyện, xã và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Đồng thời, đưa nhiệm vụ phòng, chống dịch SXH vào kế hoạch hoạt động phòng, chống dịch của Ban Chỉ đạo làm căn cứ tổ chức thực hiện. Đơn vị đã chỉ đạo thực hiện giám sát véc-tơ, giám sát bệnh nhân, công tác vệ sinh môi trường vệ sinh thủy vực, thu dọn các dụng cụ chứa nước có bọ gậy phát triển, tiêu diệt loăng quăng bọ gậy, tổ chức phun hóa chất diệt muỗi trung gian truyền bệnh, vận động Nhân dân mặc quần áo dài, nằm màn tránh muỗi đốt… Đồng thời, phối hợp Đài Truyền thanh huyện, Truyền thanh xã tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng cho toàn thể Nhân dân được biết các kiến thức cơ bản và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh SXH trên địa bàn.
BSCKII Đặng Văn Thuận, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thạch Thành, cho biết: Để chủ động phòng, chống dịch bệnh, Trung tâm Y tế huyện đã ban hành các văn bản chỉ đạo, chủ động phòng, chống dịch SXH. Đồng thời, chỉ đạo các trạm y tế xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền vệ sinh phòng bệnh tới người dân, nhất là vùng thường xuyên xảy ra mưa úng, bão lũ; chủ động phối hợp với chính quyền các địa phương thực hiện theo dõi, giám sát, kiểm tra, khoanh vùng… khi xuất hiện ca bệnh kịp thời có phương án xử lý, không để lây lan thành dịch. Bên cạnh đó, Trung tâm Y tế huyện đã phối hợp cùng các đơn vị, địa phương tiến hành phun hóa chất diệt muỗi tại các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch bệnh cao; định kỳ hằng tháng thực hiện tổng vệ sinh môi trường, tổ chức thu gom và xử lý triệt để rác thải phòng, chống dịch bệnh. Tại các địa phương, công tác giám sát chỉ số côn trùng, véc-tơ truyền bệnh, giám sát, điều tra, thống kê ca bệnh, dịch truyền nhiễm được thực hiện nghiêm theo chỉ đạo của trung tâm, đặc biệt là ở các thôn, khu phố, xã từng là ổ dịch SXH; chú trọng giám sát bệnh nhân khi có biểu hiện của SXH…
Tại thị trấn Kim Tân – địa phương có ổ dịch SXH cũ nên công tác phòng, chống dịch bệnh luôn được quan tâm. Sau khi nhận được kế hoạch của cấp trên, Trạm Y tế thị trấn đã tổ chức tuyên truyền tới các khu phố để nâng cao ý thức của người dân, đồng thời phát động Nhân dân tham gia tổng dọn vệ sinh môi trường. Hàng tuần, các khu phố đã thực hiện dọn vệ sinh tại gia đình, đường làng, ngõ xóm và nhà văn hóa, lật úp và thu gom các dụng cụ lắng nước, phun thuốc diệt côn trùng tại những nơi có nguy cơ cao để hạn chế thấp nhất SXH phát sinh tại địa phương. Người dân được cán bộ y tế truyền thông chi tiết về các biện pháp phòng bệnh SXH, từ việc phát hiện bệnh, cách xử lý tại nhà, hướng dẫn cách vệ sinh môi trường, diệt muỗi, loăng quăng…, không để muỗi sinh sản, phát triển lây lan bệnh ra cộng đồng.
Chị Lê Thị Hường, khu 6 Tân Sơn, thị trấn Kim Tân, cho biết: Ở khu vực nông thôn thường có nguy cơ cao hơn việc xuất hiện và bùng phát dịch bệnh SXH, do diện tích đất ở, sinh hoạt rộng rãi, có nhiều ao, hồ chứa nước, dụng cụ đựng nước đọng, bụi rậm – là những điều kiện thuận lợi để muỗi SXH phát sinh, phát triển nên đòi hỏi mỗi người dân phải chủ động, nâng cao ý thức, có các biện pháp phòng chống phù hợp, hiệu quả. Theo hướng dẫn thì 3 đến 6 tháng, tôi phun thuốc diệt muỗi 1 lần khu vực trong nhà, xung quanh nhà. Tuy nhiên, với các gốc cây, bụi rậm gần ao luôn thấp ẩm, nhiều muỗi, tôi tăng cường phun thuốc với thời gian cách nhau ngắn hơn để khống chế sự sinh sản, phát triển của muỗi. Cùng với đó, tất cả các chậu cây cảnh, dụng cụ chứa nước… tại vườn cây và xung quanh nhà tôi đều không để nước đọng, dọn dẹp vườn tược sạch sẽ, phát quang bụi rậm, không để loăng quăng, bọ gậy có điều kiện phát triển thành muỗi SXH…
Trạm trưởng Trạm Y tế thị trấn Kim Tân Lê Văn Thịnh, cho biết: Mặc dù những tháng đầu năm 2023, trên địa bàn chưa có ca bệnh SXH ngoại lai cũng như nội sinh, nhưng công tác phòng, chống dịch bệnh vẫn luôn được quan tâm, chú trọng và đẩy mạnh, nhất là tăng cường tuyên truyền trong Nhân dân, làm thế nào để người dân thay đổi hành vi để họ tự bảo vệ sức khỏe của bản thân và chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh.
Với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, của các cấp ngành, đoàn thể, đặc biệt là sự đồng thuận của Nhân dân trong huyện, đến thời điểm này tình hình dịch bệnh SXH trên địa bàn huyện Thạch Thành đang được kiểm soát. Ngành y tế huyện tiếp tục tham mưu với chính quyền địa phương tích cực tổ chức tuyên truyền cho người dân trên hệ thống loa truyền thanh về các biện pháp phòng bệnh như: mắc màn khi ngủ kể cả ban ngày, vệ sinh môi trường nơi ở bảo đảm thông thoáng, diệt bọ gậy, không để các vật dụng có chứa nước tù đọng lâu ngày. Khi có các dấu hiệu nghi ngờ mắc SXH cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị kịp thời, tránh lây lan cho người thân và cộng đồng, không để bệnh hình thành và bùng phát thành dịch.
Bài và ảnh: Hà Phương