(HNMO) – Chiều 19-6, Ban Văn hóa – Xã hội HĐND thành phố Hà Nội làm việc với UBND huyện Thường Tín về kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển du lịch trên địa bàn huyện.
Huyện Thường Tín có nhiều tiềm năng để phát triển các loại hình du lịch tâm linh gắn với du lịch làng nghề và sinh thái. Thời gian qua, UBND huyện đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về đẩy mạnh phát triển du lịch; đồng thời, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn thường xuyên đăng tải các nội dung văn bản phổ biến Luật Du lịch, các chính sách pháp luật liên quan đến du lịch và giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh về phát triển du lịch của huyện.
Hiện tại, huyện đã được UBND thành phố Hà Nội công nhận 4 điểm du lịch: Điểm du lịch làng nghề sinh vật cảnh Hồng Vân, điểm du lịch làng nghề sơn mài Hạ Thái, điểm du lịch làng nghề lược sừng Thụy Ứng, điểm du lịch làng nghề mộc cao cấp Vạn Điểm.
Tuy nhiên, việc triển khai các đề án phát triển du lịch, đầu tư tôn tạo các di tích trên địa bàn huyện Thường Tín còn chậm; nguồn nhân lực của cơ sở tham gia dịch vụ du lịch phát triển tự phát, chưa có cơ sở kinh doanh lữ hành chuyên nghiệp, hạ tầng cho du lịch, nhất là tại các làng nghề chưa được đầu tư do thiếu nguồn vốn, cơ sở lưu trú còn thiếu và chưa đồng bộ… Sản phẩm du lịch còn đơn điệu, chưa có trung tâm giới thiệu sản phẩm làng nghề.
Từ những tồn tại nêu trên, UBND huyện Thường Tín đề nghị Sở Du lịch Hà Nội hỗ trợ công tác xúc tiến, mời gọi các doanh nghiệp lữ hành thiết kế tour; tổ chức các diễn đàn về kinh nghiệm quản lý, phát triển du lịch; tập huấn thường xuyên theo các chuyên đề công tác quản lý nhà nước về du lịch cho cán bộ làm công tác du lịch.
Ngoài ra, huyện cũng đề nghị UBND thành phố hỗ trợ, đầu tư kinh phí để xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông phục vụ phát triển du lịch trên địa bàn.
Kết luận buổi làm việc, Trưởng ban Văn hóa – Xã hội HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Thanh Bình cho rằng, mặc dù tiềm năng của huyện có, thậm chí có nhiều tiềm năng nổi trội xứng đáng phát triển du lịch, nhưng huyện vẫn chưa khai thác hết, chưa khai thác hiệu quả định hướng phát triển du lịch với tiềm năng nổi bật.
Đoàn giám sát đề nghị huyện tập trung rà soát quy hoạch, xác định rõ những nội dung quy hoạch lớn, những khu đất lớn phát triển du lịch như khu vui chơi giải trí, làng nghề. Bên cạnh đó quan tâm quy hoạch tại từng địa điểm hiện nay để trên cơ sở đó định hướng về hạ tầng, bãi đỗ xe… phục vụ phát triển du lịch.
“Cần định vị lại rõ sản phẩm du lịch của huyện trong thời gian tới, xác định phát triển sản phẩm sinh thái hay tâm linh, làng nghề để tập trung nguồn lực và có cơ chế, chính sách phát triển”, đồng chí Nguyễn Thanh Bình lưu ý.