Người dân quan tâm góp ý chuyện bồi thường, hỗ trợ tái định cư
Phát biểu tại Hội thảo truyền thông luật Đất đai sửa đổi do Bộ TN-MT tổ chức ngày 19.6, ông Đào Trung Chính cho biết, dự thảo luật này được trình Quốc hội lần đầu tiên vào tháng 4.
Trước đó, việc thực hiện lấy ý kiến nhân dân được triển khai từ ngày 3.1 – 15.3. Đến nay đã có hơn 12,1 triệu lượt ý kiến góp ý với dự thảo luật Đất đai sửa đổi.
Các nội dung được nhân dân quan tâm góp ý tập trung vào bồi thường, hỗ trợ tái định cư với hơn 1,22 triệu lượt ý kiến; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất với hơn 1,06 triệu lượt ý kiến; tài chính đất đai, giá đất với hơn 1,03 triệu lượt ý kiến; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất với hơn 1 triệu lượt ý kiến.
Sau đó, Chính phủ tiếp tục nhận được ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách; ý kiến phản biện xã hội lần 2 của Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; ý kiến thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội, ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo ông Đào Trung Chính, cơ quan soạn thảo đã tiếp thu ý kiến và đang nghiên cứu đưa phương pháp xác định giá đất vào luật, nhưng không thể đưa hết được vì có những công thức rất chi tiết, nếu đưa vào luật thì không phù hợp. Cơ quan soạn thảo đang nghiên cứu đưa nội dung phương pháp vào và trường hợp nào dùng phương pháp nào.
“Ví dụ, quy định việc thu thập thông tin, thẩm quyền quyết định hệ số giá đất, còn công thức tính toán, chiết khấu… thì phải để cấp nghị định của Chính phủ hoặc thông tư của Bộ TN-MT sẽ phù hợp hơn. Nếu đưa vào luật cứng quá thì sau này sửa luật sẽ rất khó khăn. Chính phủ thì cần linh hoạt để điều hành nên để Chính phủ hướng dẫn”, ông Đào Trung Chính cho hay.
Bóc trần chuyện “đất 2 giá”
Về cơ sở dữ liệu đất đai làm căn cứ đầu vào xác định giá đất, ông Chính cho biết, thời gian qua đã xảy ra tình trạng giá trong hợp đồng chuyển nhượng “cơ bản là thấp dù đóng thuế rồi”. Lý do là từ chuyển quyền sử dụng đất đã bị đánh thuế thu nhập, tức là thuế thu nhập đánh trên sự chênh lệch của lần mua trước so với lần bán sau; nếu không chênh lệch thì đánh thuế theo phần trăm của giá đất trong bảng giá đất.
“Điều này khuyến khích người dân nói dối, người dân chỉ khai giá thấp chứ không tội gì khai cao. Chúng ta phải quy định giá đất sát giá thị trường và chúng tôi kiến nghị trong dự thảo luật này là sửa luật thuế thu nhập về chuyển quyền sử dụng đất là không đánh thuế thu nhập theo mức chênh lệch mà sử dụng luôn bảng giá này để đánh thuế.
Điều này khuyến khích người dân khai báo đúng để có cơ sở dữ liệu đất đai và đánh thuế đúng, ở mức phù hợp”, ông Đào Trung Chính khẳng định.
Riêng về câu chuyện đánh thuế cao hơn khi nào, ông Chính cho biết, còn một số nội dung chưa thể chế vào dự thảo luật Đất đai sửa đổi vì không thuộc phạm vi đối tượng điều chỉnh của luật Đất đai. Đại diện Bộ TN-MT cho biết, ban soạn thảo đã tham mưu, Bộ trưởng Bộ TN-MT đã thừa ủy quyền của Chính phủ báo cáo trước Quốc hội về các vấn đề không phải luật Đất đai làm được.
Về giá khi thu hồi đất, theo ông Chính, dự thảo luật Đất đai sửa đổi đã bỏ khung giá đất, ban hành bảng giá đất hàng năm do HĐND địa phương ban hành để sát với tình hình địa phương.
“Đặt vấn đề làm sao giá đất hài hòa giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người dân theo tôi là chưa đúng, mà phải nói rằng chính sách thu làm sao hài hòa mới là đúng. Nếu ta ấn định giá thấp để thu hút đầu tư thì thu hồi sẽ bị khiếu kiện.
Theo tôi, giá phải bám sát thị trường, còn khi thu và mức thu như thế nào để điều tiết hài hòa quyền lợi Nhà nước, người dân và doanh nghiệp là chính sách thu tiền sử dụng đất, thuê đất, thu thuế về sử dụng đất”, ông Chính chia sẻ.