LCĐT – Đề cao tinh thần làm chủ của Nhân dân, Đảng và Nhà nước ta tổ chức lấy ý kiến toàn dân tham gia góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thay thế và tháo gỡ bất cập trong thực hiện Luật Đất đai 2013.
Đây là đợt sinh hoạt chính trị rộng khắp trong lộ trình xây dựng hệ thống pháp luật của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân. Các tổ chức trong hệ thống chính trị, cơ quan nghiên cứu khoa học, các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp… trong nước, đồng bào ta ở nước ngoài tích cực hưởng ứng và có nhiều ý kiến đóng góp thiết thực, góp phần xây dựng đạo luật hoàn chỉnh về quản lý, sử dụng tài nguyên đất hiệu quả hơn.
Lợi dụng chủ trương này, các phần tử xấu đã tung ra các luận điệu sai trái nhằm xuyên tạc Nghị quyết 18 ngày 16/6/2022 về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao” của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Nghị quyết 671 ngày 23/12/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Nghị quyết 170 ngày 31/12/2022 về Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) của Chính phủ. Họ cho rằng việc đưa Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) ra toàn dân tham gia ý kiến xây dựng chỉ là hình thức dân chủ giáo điều, thiếu thực chất. Quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân giao cho Nhà nước là đại diện chủ sở hữu không phù hợp với tinh thần “của dân, do dân, vì dân”.
Họ đưa ra các quan điểm phủ nhận giá trị của việc đất đai thuộc sở hữu toàn dân giao cho Nhà nước là đại diện chủ sở hữu đã được thực hiện từ mấy chục năm qua từ khi được ghi nhận trong Hiến pháp năm 1980 và qua một số lần sửa đổi Hiến pháp, sửa đổi Luật Đất đai được Đảng ta luôn kiên định. Quan điểm đất đai thuộc sở hữu toàn dân giao cho Nhà nước là đại diện chủ sở hữu, thống nhất quản lý và sử dụng hiệu quả dựa trên cơ sở lý luận về tính tất yếu khách quan của việc xã hội hóa đất đai, góp phần quan trọng duy trì ổn định chính trị – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước, bảo đảm người lao động có tư liệu sản xuất, người nông dân có đất đai để lao động mưu sinh.
Thực tế cho thấy, quan điểm của Đảng sở hữu toàn dân về đất đai là đúng, phù hợp với chế độ làm chủ của Nhân dân lao động, phù hợp với đặc điểm văn hóa, lịch sử và điều kiện tự nhiên của nước ta, mang lại hiệu quả và hiệu lực quản lý, sử dụng nguồn tài nguyên đất trong sự nghiệp xây dựng phát triển đất nước, giữ vững chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Cùng với luận điểm sai trái nêu trên, họ còn lạm dụng kết quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực qua các vụ án liên quan đến đất đai của các phần tử thoái hóa, biến chất bị pháp luật phanh phui, xử lý để đưa ra quan điểm thiếu tính thuyết phục là: đất đai phải được sở hữu tư nhân thì phòng, chống tham nhũng, tiêu cực về đất đai không cần phải quyết liệt như hiện nay. Họ xuyên tạc rằng, quy định đất đai là sở hữu toàn dân mà Nhà nước là đại diện chủ sở hữu trong Luật Đất đai (sửa đổi) là tạo điều kiện cho chính quyền và người có chức, có quyền chiếm dụng đất của dân, là trở lực cho phát triển kinh tế, nên Việt Nam phải thừa nhận sở hữu tư nhân về đất đai hoặc thừa nhận chế độ đa sở hữu đất đai.
Việc đồng nhất vấn đề sở hữu toàn dân về đất đai với thực trạng tham nhũng, tiêu cực có liên quan tới đất đai là hai phạm trù khác nhau cả về khái niệm và hệ quả. Đó là sự đánh tráo giá trị, không đúng bản chất của vấn đề, nhằm lôi kéo người thiếu hiểu biết, không nhận thức đầy đủ, rõ ràng việc thiết lập chế độ sở hữu tư nhân về đất đai là yếu tố cản trở đầu tư cho phát triển kinh tế – xã hội. Bởi nếu đặt ra chế độ sở hữu tư nhân đất đai, không ai có quyền ngăn cản người chủ sở hữu đất. Vì đất là tài sản riêng của họ, tập trung trong tay một số người có nhiều tiền nên họ sử dụng đất theo ý họ. Lúc đó đất đai có xu hướng được sử dụng không hiệu quả, chỉ mang lại lợi ích cho chủ đất mà không quan tâm tới lợi ích sinh tồn của phần lớn dân cư sẽ gây ra bất ổn xã hội. Mặt khác, đất đai thuộc quyền sở hữu của họ nên họ có quyền chuyển nhượng, bán hoặc trao đổi cho các thế lực bên ngoài đang có dã tâm xâm chiếm nước ta khi Nhà nước là đại diện cho chủ sở hữu toàn dân về đất đai mất quyền kiểm soát.
Vì vậy, sở hữu toàn dân về đất đai giao cho Nhà nước đại diện chủ sở hữu là trực tiếp tạo điều kiện để Nhà nước bảo vệ lợi ích chính đáng của người dân một cách tốt nhất. Những sai lầm và thiếu sót của cơ quan nhà nước thời gian qua trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai không phải là bản chất của Nhà nước xã hội chủ nghĩa và có thể khắc phục, sửa chữa được. Vì thế, mỗi chúng ta cần tỉnh táo nhận thức rõ mưu đồ của kẻ xấu xuyên tạc chính sách đất đai của Đảng, Nhà nước ta hòng kích động, gây bất ổn chính trị và xã hội đối với nước ta. Để Luật Đất đai (sửa đổi) thiết thực đi vào cuộc sống sau khi được Quốc hội thông qua có hiệu lực, các cơ quan trong hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên và mọi người dân cần có nhận thức đúng đắn về Luật đất đai (sửa đổi) lần này. Nâng cao cảnh giác, đấu tranh với các luồng ý kiến sai trái của các phần tử xấu, các thế lực phản động. Bảo vệ quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta về đất đai thuộc quyền sở hữu toàn dân, Nhà nước là đại diện cho chủ sở hữu đó mà Hiến pháp và Luật Đất đai đã chế định, chính là thực hiện quyền làm chủ của Nhân dân.