08:13, 18/06/2023
Có những người tưởng như cả cuộc đời còn lại sẽ phải sống trong đớn đau tận cùng do bệnh tật, vậy mà, khi gặp anh, cuộc sống của họ đã bước sang trang mới. Tận tâm với người bệnh, tận hiến với nghề, Đại úy Hoàng Ngọc Linh (bác sĩ quân y Đồn Biên phòng Ia R’vê) đã hồi sinh không biết bao phận đời…
Bàn tay diệu kỳ
Phòng khám Quân dân y – nơi bác sĩ Linh công tác nằm ở vùng biên Ia R’vê, huyện Ea Súp. Ở miền biên heo hút, nghèo khó, phòng khám cũng chỉ đơn sơ vật tư y tế, vài chiếc giường bệnh. Vậy nhưng, nơi đây luôn đông đúc bệnh nhân khắp nơi tìm về. Ngày ít cũng 5 – 7 người, có những ngày gần 20 người bệnh đến khám. Tận tâm cứu chữa cho bà con, không biết bao người bệnh nặng như liệt mặt (liệt dây thần kinh số 7), liệt nửa người, các di chứng sau tai biến mạch máu não, thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm… đã được bác sĩ Linh cứu chữa, không để lại di chứng.
Anh Lang Văn Miên (46 tuổi, ở xã Ia Lốp, huyện Ea Súp) bị tai biến 4 năm về trước. Từ chỗ là trụ cột kinh tế của gia đình, anh trở thành người phụ thuộc vì sức khỏe sụt giảm, mắt mờ, chân yếu, không thể tự đi lại. Trong đau đớn bế tắc, anh Miên tìm đến bác sĩ Linh và điều kỳ diệu đã đến. Với biệt tài dùng trường châm (kim châm dài 35 cm), bác sĩ Linh đã luồn kim qua các huyệt đạo để “đánh thức” khí huyết cơ thể người bệnh. Châm cứu kết hợp cùng các phương thức chữa trị khác, chỉ chưa đầy nửa tháng sau, anh Miên đã hồi phục. Tay chân có lực hơn, thị lực tăng và tự đi lại bình thường.
Bác sĩ Hoàng Ngọc Linh chữa bệnh bằng phương pháp châm cứu. |
Không hiếm bệnh nhân tìm đến bác sĩ Linh khi đã chữa trị khắp nơi nhưng không khỏi bệnh. Có người tưởng như cuộc đời còn lại chỉ có thể làm bạn với xe lăn, vậy mà như có phép màu, bàn tay của bác sĩ Linh đã giúp hồi sinh những phận đời khốn khó. Năm 2019, ông Vi Văn Hợi (ngoài 60 tuổi, ở xã Ia Lốp, huyện Ea Súp) đến khám bệnh với tình trạng bị liệt hai chân trong suốt 5 năm liền. Đả thông các huyệt đạo người bệnh, bác sĩ Linh kết hợp phương pháp trường châm và chiếu đèn. Cứ thế, sự kiên trì của bác sĩ và người bệnh trong suốt 3 liệu trình châm cứu (tổng thời gian khoảng 1,5 tháng) đã giúp bệnh tình của ông Hợi chuyển biến đến ngỡ ngàng. Từ bắt đầu có cảm giác, chân ông dần có lực, đã có thể chống gậy đi và nay đã đi lại bình thường. Đó còn là trường hợp của bà Lương Thị Hom (67 tuổi, ở gần phòng khám), bị liệt hai chân phải ngồi xe lăn. Hai vợ chồng già đưa nhau thăm khám khắp nơi nhưng đều vô vọng. May mắn thay, được bác sĩ Linh tận tình cứu chữa, bà Hom đã từng bước phụ hồi phục, đi lại bình thường. Trút bỏ được gánh nặng bệnh tật, hai ông bà đã vỡ òa trong hạnh phúc.
Mặc dù ở miền biên còn nhiều vất vả, khó khăn nhưng bất cứ khi nào bà con cần, anh Linh đều có mặt. Như trường hợp ông Tô Văn Trực (62 tuổi, ở xã Ia R’vê, huyện Ea Súp) có nhiều bệnh nền như huyết áp cao, mỡ máu, gút. Cứu người như cứu hỏa, cả hai lần ông bị tai biến mạch máu não, anh Linh đều đến kịp thời. Mới đây, khoảng 3 giờ sáng, nhận được tin báo, anh Linh tức tốc đến, bởi anh hiểu với sức khỏe ông Trực, chỉ cần chậm một tích tắc rất dễ bị vỡ mạch máu não. Sự kịp thời của anh tuy giữ được tính mạng nhưng ông Trực bị liệt nửa người, nên anh phải kết hợp trường châm, thủy châm (tiêm thuốc vào các huyệt đạo) và chiếu đèn. Chính sự kiên trì, tận tâm, hết lòng vì người bệnh của anh đã giúp ông Trực dần hồi phục, có thể chống gậy đi lại…
Cứ thế, ngày lại ngày, nơi miền biên heo hút, đôi tay diệu kỳ của bác sĩ quân y Hoàng Ngọc Linh đã mang đến niềm tin yêu cuộc sống, sức khỏe cho nhiều hoàn cảnh, phận đời. Chỉ riêng từ năm 2021 đến nay, đã có gần 2.000 lượt người bệnh được anh trực tiếp khám và điều trị.
Lặng thầm phụng sự
Đến với nghề y như một lương duyên, bởi trước đó, chàng trai Hoàng Ngọc Linh có năng khiếu về kiến trúc, hội họa, nhưng thi đại học bị thiếu 1 điểm. Tạm gác giấc mơ nghệ thuật, năm 2002, anh nhập ngũ, rồi dần yêu màu xanh áo lính với quyết tâm mới – trở thành bác sĩ quân y. Anh kể: “Thời điểm ấy, bố tôi bị nhiều bệnh, điều kiện chữa trị khó khăn nên tôi cũng nuôi quyết tâm trở thành bác sĩ để chữa bệnh cho bố, cho người nghèo khó”.
Tốt nghiệp Trường Trung cấp Quân y, 17 năm qua, anh Linh được điều động, luân chuyển ở nhiều đơn vị thuộc Bộ đội Biên phòng Gia Lai và Đắk Lắk. Hầu hết các địa bàn anh công tác đều heo hút, nghèo khó, đường sá gập ghềnh, khiến việc đi lại rất bất tiện. Nguồn thuốc tây nơi biên ải lại có hạn, nên để kịp thời cứu người, anh bắt đầu đi sâu nghiên cứu, tận dụng và sưu tầm nguồn thuốc nam sẵn có ở núi rừng.
Bác sĩ Hoàng Ngọc Linh giới thiệu về tác dụng của các loại thuốc nam trồng tại Phòng khám Quân dân y. |
Như chứa cả kho sách dược liệu khổng lồ trong đầu, chỉ cần người bệnh có nhu cầu, bác sĩ Linh có thể hướng dẫn rành rọt cách phát huy tối đa tác dụng các cây thuốc nam trong chữa trị bệnh. Đáng nói, nhiều dược liệu quý, có sẵn trong vườn nhà, nhờ có anh đã phát huy tối đa tác dụng như: cây sung, mã đề, rễ gai, lá lốt, ngải cứu, hương nhu, đinh lăng, lạc tiên…
Cùng với cây thuốc, anh kiên trì học thêm phương pháp châm cứu. Thời gian đầu, gần như anh tự thực tập trực tiếp trên bản thân. Anh cần mẫn học châm kim ngắn 10 cm, rồi 15 cm, kim 20 cm, đến trường châm 35 cm. Thành thục tay phải, anh Linh tiếp tục trui rèn thêm tay trái, bởi theo anh, nếu có khả năng châm cứu được cùng lúc hai tay sẽ rút ngắn thời gian điều trị, hiệu quả cũng tăng lên. Hoàn toàn miễn phí công khám, tiền vật tư y tế lại chẳng đáng bao nên bệnh nhân tìm đến anh Linh không ngừng tăng, trong đó có nhiều người ở các tỉnh Đắk Nông, Thanh Hóa, Thừa Thiên – Huế…
Trên hành trình cứu người ấy, cũng có những nốt trầm. Trong đó, việc không thể cứu được con mình vẫn luôn là vết thương rỉ máu trong lòng anh. Đó là năm 2012, vợ đến ngày sinh, nhưng anh cùng đồng đội đang gồng mình chống dịch sốt rét hoành hành ở biên giới Gia Lai, không thể về kịp. Đường đến bệnh viện ở vùng quê trắc trở, vợ anh đã bị khô ối và thật đau đớn khi mất đi đứa con đầu lòng…
Nơi vùng biên heo hút, gia đình người lính cũng lặng thầm hy sinh, thực sự là hậu phương vững chắc. Trong những thời điểm đặc biệt căng thẳng như đại dịch COVID-19, cán bộ quân y gần như phải trực chiến cả năm trời thì ngay trong nhịp sống bình thường, khi một mình phụ trách phòng khám, có khi cả tháng anh mới ghé thăm nhà. Nơi tuyến đầu, người lính quân hàm xanh chỉ biết gói gọn tình yêu gia đình vào trái tim, để tập trung tinh thần phụng sự cho bình yên biên ải.
Áp lực nhiều, nhưng cuộc sống của người bác sĩ quân y ấy luôn ấm áp bởi tình yêu bao la của nhân dân. Xem anh như người thân, dẫu việc vui buồn, bà con đều không quên mời tham dự. Dịp Ngày thầy thuốc Việt Nam hằng năm, họ mua bánh kem, nấu những món ngon như thay lời tri ân dành cho bác sĩ trên tuyến đầu biên ải. Thiếu tá Cao Mạnh Tuấn, Chính trị viên Đồn Biên phòng Ia R’vê kể: Không ít lần, bà con nơi đây tâm tư rằng, miền biên gian khó này may mắn khi có một thầy thuốc tài đức như bác sĩ Linh. Mọi người vô cùng trân quý và mong bác sĩ mãi mãi sát cánh cùng buôn làng.
Khi nhắc đến bác sĩ Linh, Đại tá Đào Viết Hùng, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh tự hào: “Với tài đức của mình, Đại úy Hoàng Ngọc Linh đã kịp thời khám chữa thành công nhiều ca bệnh khó, bệnh nặng cho người dân. Đó không chỉ là thành công của riêng Linh, mà còn là niềm vinh dự, tự hào cho Bộ đội Biên phòng tỉnh”.
Quỳnh Anh