Chương trình lắp tay giả, chân giả và khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người mắc bệnh xương khớp do Đoàn thiện nguyện Hoa Kỳ Mercer on Mission – Đại học Mercer (tổ chức Mercer – Hoa Kỳ) thực hiện, là hoạt động có nhiều ý nghĩa. Để hiểu hơn về chương trình, phóng viên Báo Hậu Giang đã có buổi trao đổi với Giáo sư, Tiến sĩ Y khoa kỹ thuật, Bác sĩ Chấn thương chỉnh hình Trường Đại học Mercer (Hoa Kỳ) Võ Thanh Hà (ảnh).
Thưa ông, lần thứ 4 trở lại Hậu Giang để thực hiện chương trình, ông có cảm xúc thế nào ?
– Sau quãng thời gian dài do ảnh hưởng của Covid-19, bản thân tôi rất nôn nóng, sốt ruột, mong muốn có thể quay trở lại quê hương Việt Nam để giúp đỡ những bà con đang khó khăn, cần sự hỗ trợ khám, chữa bệnh hay lắp tay, chân giả.
Ngày trở về Hậu Giang để thực hiện chương trình, bản thân tôi cũng như các thành viên khác của Tổ chức Mercer đều rất vui mừng, phấn khởi.
Vì sao ông cùng những cộng sự của mình là các bác sĩ người Mỹ, Việt kiều, du học sinh của Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Mỹ, sẵn sàng quay trở lại Việt Nam nhiều lần để hỗ trợ ?
– Sau Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tôi vẫn nhớ hình ảnh những người cụt chân do bom mìn chiến tranh còn sót lại, những người bị rắn cắn phải cắt chi ở vùng làm kinh tế mới, tôi đã quyết tâm vào một ngày gần nhất sẽ đem một lực lượng thật lớn, có đầy đủ kinh nghiệm chuyên môn để giúp những người thân thương ở quê nhà. Ngay khi có cơ hội, nhất là thời điểm có sự hỗ trợ từ Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton và Trường Đại học Mercer, các nhà tài trợ kinh phí lắp đặt tay giả, chân giả, riêng bản thân tôi tự hỗ trợ về thuốc men để khám, chữa bệnh xương khớp cho bệnh nhân, thế là chương trình được triển khai.
Hình ảnh những bệnh nhân có thể tự đi lại, tự cầm một ổ bánh mì để ăn, cầm một ly nước để uống là hình ảnh khiến chúng tôi không thể nào không quay trở lại Việt Nam được tiếp tục thực hiện chương trình.
Chương trình đã hỗ trợ được cho bao nhiêu người lắp tay giả, chân giả và khám, chữa bệnh về xương khớp, thưa ông ?
– Số lượng bệnh nhân được hỗ trợ lắp chân, tay giả đến thời điểm này đã được khoảng hơn 18.000 người và ít nhất 100.000 người được khám, chữa bệnh về xương khớp ở nhiều tỉnh, thành trong đó có Hậu Giang. Đây là những con số vô cùng đáng mừng trong hành trình hoạt động của chúng tôi.
Ý nghĩa lớn nhất mà chương trình muốn lan tỏa là gì, thưa ông ?
– Ý nghĩa lớn nhất chúng tôi muốn mang đến là nhìn thấy những người khuyết tật được mọi người tôn trọng. Gia đình của những bệnh nhân cảm nhận được người thân của họ không bị mất mát, khuyết tật, họ sống là những người bình thường như bao người khác. Xã hội cũng không còn sự kỳ thị với những người khuyết tật kém may mắn.
Tôi vẫn nhớ một trường hợp ở Đồng Nai, đó là ông lão bị mất hai chân. Ông phải tự bò đi trên đôi chân không còn lành lặn với một ánh mắt buồn, khắc khổ. Sau khi được hỗ trợ lắp chân giả, ông đã mỉm cười vui vẻ và chia sẻ vì tật nguyền ông nhận được không ít sự kỳ thị, xa lánh. Giờ đây, khi có thể đứng lên đi lại, đó chính là hạnh phúc không sao nói hết, ông như được sống lại một lần nữa.
Giáo sư, Tiến sĩ Y khoa kỹ thuật, Bác sĩ Chấn thương chỉnh hình Võ Thanh Hà (đứng giữa) cùng các sinh viên Trường Đại học Mercer, tận tình với các trường hợp được lắp chân giả.
Ông có thể chia sẻ một chút về kinh phí để duy trì chương trình này ?
– Những ngày đầu chương trình được diễn ra có rất nhiều khó khăn. Có những người họ làm thiện nguyện với mục đích đánh bóng tên tuổi, lấy hình ảnh nên phần đóng góp rất ít, nhưng chương trình không có mục đích quảng bá, truyền thông rộng rãi để kêu gọi hỗ trợ. Chúng tôi chỉ muốn làm được gì đó cho những người khó khăn, giúp họ sinh hoạt dễ dàng hơn. Theo thời gian, với những kết quả đạt được, Tổ chức Mercer cũng nhận được sự đánh giá rất cao, ủng hộ nhiệt tình đến từ cộng đồng. Đến giai đoạn hiện tại, chương trình có thể hoạt động thuận lợi mà không có ảnh hưởng, khó khăn lớn về kinh tế. Số lượng bác sĩ, sinh viên tình nguyện hỗ trợ cũng ngày càng đông.
Ông có những dự định gì cho việc phát triển chương trình ý nghĩa này trong tương lai ?
– Dự định tiếp theo, tôi mong muốn có thể xây dựng một trung tâm dành cho những trẻ em khuyết tật ở Việt Nam. Đó sẽ là nơi chăm sóc, chữa trị cho những trẻ em không may sinh ra mắc bệnh sốt bại liệt, bại não. Chúng tôi sẽ khám, chữa bệnh, tập vật lý trị liệu,… để các em có thể hồi phục. Đó là mong muốn lớn nhất trong tương lai và chúng tôi sẽ quyết tâm để có thể thực hiện được kế hoạch này.
Xin cảm ơn ông !
THANH NGÂN thực hiện