Đến nay, các địa phương trong tỉnh đã cơ bản thu hoạch xong lúa xuân. Do thời gian chuyển vụ (giữa vụ xuân sang vụ mùa) rất ngắn nên công tác chuẩn bị đang được các địa phương tích cực triển khai nhằm bảo đảm cơ cấu giống, lịch thời vụ, phấn đấu giành vụ mùa thắng lợi toàn diện.
Huyện Tiền Hải quán triệt phương châm “thu hoạch đến đâu làm đất đến đó” để chủ động cho sản xuất vụ mùa.
Với 3 máy cấy, vụ mùa năm nay HTX DVNN xã An Ninh (Quỳnh Phụ) đảm nhận gieo cấy trọn gói cho trên 100 mẫu ruộng. Để chuẩn bị cho sản xuất vụ mùa, HTX đã ngâm ủ một số giống gieo cấy đầu lịch đồng thời chuẩn bị đủ lượng thóc giống, diện tích ruộng để khay mạ từ sớm. Dự kiến, sau khoảng 10 ngày gieo mạ, HTX tiến hành cấy lúa bằng máy theo hợp đồng, trong đó ưu tiên vùng liên kết sản xuất giữa HTX và thành viên với diện tích 10ha.
Bà Nguyễn Thị Mai, Giám đốc HTX cho biết: Vụ mùa năm nay nắng nóng kéo dài, mưa ít, mực nước trên hệ thống sông trục thấp cùng với việc cắt điện luân phiên gây khó khăn cho công tác điều tiết nước phục vụ làm đất, gieo cấy lúa mùa. Do đó, HTX đã họp các tổ thủy nông, căn cứ lịch cắt điện bố trí máy bơm vận hành tối đa công suất để bơm đủ nước phục vụ cày lồng dập rạ, gieo mạ của thành viên. Với phương châm thu hoạch tới đâu làm đất ngay tới đó, đến ngày 13/6 toàn xã đã có 55% diện tích gieo cấy được cày lồng dập rạ, phấn đấu đến 25/6 sẽ hoàn thành cày lồng dập rạ, đến 2/7 nông dân bước vào cấy tập trung. An Ninh phấn đấu gieo cấy xong trước ngày 15/7.
Nông dân xã Đông Mỹ (thành phố Thái Bình) làm đất chuẩn bị gieo cấy lúa mùa.
Không chỉ HTX DVNN xã An Ninh, công tác chuẩn bị cho sản xuất vụ mùa đang được các địa phương trong tỉnh khẩn trương thực hiện. Vụ mùa năm 2023, huyện Kiến Xương có kế hoạch gieo cấy 11.130ha lúa, năng suất phấn đấu đạt 61 tạ/ha trở lên, trong đó diện tích cấy bằng máy đạt 35% tổng diện tích gieo cấy. Để bảo đảm kế hoạch, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn triển khai ngay những biện pháp chuẩn bị sau khi thu hoạch lúa xuân. Các địa phương quy hoạch vùng sản xuất từng trà lúa, nhất là trà mùa sớm, tạo thuận lợi trong việc lấy nước, làm đất phục vụ gieo cấy. Việc làm đất cấy được triển khai ngay sau khi thu hoạch xong lúa xuân và áp dụng đa dạng hình thức: với những diện tích đã có đủ nước, tiến hành cày lồng sớm giúp gốc rạ phân hủy tốt; diện tích chưa có nước ở những chân ruộng cao máy cày lật đất để khi có nước bừa lồng giúp đất được làm kỹ. Các HTX dịch vụ nông nghiệp chủ động điều hành sản xuất (lấy nước tưới, làm đất…), cung ứng giống, vật tư đạt chất lượng và ổn định giá cả cho người dân… Ngoài ra, huyện chỉ đạo các địa phương tiếp tục mở rộng quy mô các vùng sản xuất theo mô hình nâng cao giá trị lúa gạo thông qua việc tăng quy mô đồng ruộng, giảm chi phí sản xuất, giảm các khâu trung gian, đầu tư cho chế biến, bảo quản và xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, chủ động tìm đầu ra cho nông sản; mở rộng diện tích sản xuất lúa theo hướng hữu cơ tại các xã Hồng Tiến, Bình Thanh, Bình Định, Trà Giang, Tây Sơn…
Vụ mùa năm 2023, toàn tỉnh gieo cấy 76.000ha lúa, năng suất phấn đấu đạt 60 tạ/ha. Trong đó, các giống lúa năng suất cao, chịu thâm canh (BC15, TBR1, TBR225, Thiên ưu 8…) chiếm 50 – 55% diện tích; giống lúa chất lượng cao (nếp, lúa Nhật, TBR279, Đài thơm 8…) chiếm 45 – 50% diện tích. Trà lúa mùa sớm cấy xong trước ngày 10/7 để tạo quỹ đất trồng cây vụ đông ưa ấm, trà lúa mùa đại trà kết thúc cấy trước ngày 20/7.
Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Theo dự báo, thời tiết 6 tháng cuối năm 2023 diễn biến phức tạp, có nhiều đợt nắng nóng trong mùa hè dẫn đến nguy cơ bốc mặn, chua cao, ảnh hưởng đến sản xuất trồng trọt. Ngành nông nghiệp khuyến cáo các địa phương đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền để người dân không đốt rơm rạ, tiến hành vệ sinh đồng ruộng, cày vùi rơm rạ sớm kết hợp xử lý rơm rạ bằng các chế phẩm sinh học, vôi bột, phân hữu cơ để đẩy nhanh quá trình phân hủy rơm rạ, tạo phân hữu cơ, hạn chế ngộ độc đầu vụ, ngăn ngừa nguồn sâu bệnh từ vụ xuân lây lan sang vụ mùa đồng thời nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón. Chấp hành nghiêm lịch thời vụ, cơ cấu giống, quy trình canh tác cho từng giống, mở rộng diện tích mạ khay, cấy bằng máy; chủ động dự phòng các giống lúa ngắn ngày khi thời tiết bất thuận xảy ra.
Công nhân trạm bơm Tịnh Xuyên (Hưng Hà) kiểm tra máy bơm, sẵn sàng vận hành phục vụ sản xuất vụ mùa.
Vụ xuân năm 2023, Thái Bình là địa phương có tỷ lệ rầy có vi rút gây bệnh lùn sọc đen cao so với các tỉnh khu vực đồng bằng sông Hồng (21/260 mẫu rầy dương tính với vi rút gây bệnh lùn sọc đen). Ngoài ra, lúa cỏ cũng phát sinh, gây hại, có nguy cơ phát triển, lan rộng sang vụ mùa. Do đó, ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân sau khi thu hoạch lúa xuân khẩn trương cày lật đất, vệ sinh đồng ruộng, tiêu hủy tàn dư thực vật để hạn chế nguồn bệnh trên đồng ruộng. Sử dụng giống lúa có xác nhận tiêu chuẩn, phun thuốc trừ rầy trên mạ trước khi đưa ra ruộng cấy từ 3 – 7 ngày.
Ngân Huyền