Tuần trước, nhà cung cấp dịch vụ viễn thông Mỹ AT&T thông báo họ sẽ đóng cửa điểm mua sắm cao cấp (flag-ship) ở trung tâm thành phố San Francisco.
“Thói quen mua sắm của người tiêu dùng tiếp tục thay đổi và chúng tôi đang cố gắng thích nghi với điều đó. Công ty sẽ phục vụ khách hàng ở bất cứ đâu với sự kết hợp giữa cửa hàng bán lẻ, kênh kỹ thuật số và các nhóm chăm sóc khách hàng qua điện thoại”, đại diện AT&T cho hay.
Động thái của một trong những nhà cung cấp dịch vụ viễn thông lớn nhất nước Mỹ phản ánh xu hướng thắt chặt chi tiêu của khách hàng sau thời kỳ đại dịch. Trước đó, vào tháng 4, AT&T công bố báo cáo kinh doanh ba tháng đầu năm 2023 không mấy khả quan, khi không đạt kỳ vọng của các chuyên gia phố Wall về ước tính thị trường cũng như doanh thu quý.
Cụ thể, trong suốt quý I, nhà mạng Mỹ có thêm 424.000 thuê bao điện thoại trả sau – số liệu tương đương ước tính 422.800 thuê bao của Factset đưa ra, song là mức thấp nhất trong hai năm trở lại đây.
Tương tự, nhà mạng Verizon Communications cũng gặp phải tổn thất thuê bao di động, do người Mỹ bị ảnh hưởng bởi lạm phát.
Yếu tố kinh tế vĩ mô không chắc chắn, cùng các đợt tăng lãi suất được cho là nguyên nhân khiến người tiêu dùng ngừng nâng cấp thiết bị và tìm kiếm các gói cước rẻ hơn.
Sau ba tháng đầu năm, Verizon mất 127.000 thuê bao điện thoại di đôngj. Tổng doanh thu của nhà mạng này giảm 1,9% xuống còn 32,9 tỷ USD, thấp hơn ước tính của các nhà phân tích là 33,57 tỷ USD.
Trong cùng kỳ, T-Mobile ghi nhận doanh thu quý giảm 2,4% xuống còn 19,63 tỷ USD. Nhà mạng này có thêm 538.000 thuê bao hàng tháng trong quý, so với con số tăng 927.000 thuê bao quý tháng 12 trước đó.
(Theo Reuters)