Chia sẻ với Thế giới và Việt Nam, nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật, Phó Tổng Biên tập báo điện tử VietnamPlus cho rằng, nhà báo sẽ phải đóng thêm vai trò “nhà kiểm chứng thông tin”, đưa tin một cách có trách nhiệm hơn.
Nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật nêu quan điểm, nhà báo không nên ngần ngại đương đầu với “cơn sóng kỹ thuật số” đang ào tới. |
Dưới góc nhìn của ông, các nhà báo trong nền báo chí truyền thống liệu có đủ đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng trong thời đại kỹ thuật số?
Trong 7 sự thay đổi của truyền thông mà Hiệp hội Báo chí Thế giới WAN-IFRA liệt kê thì có sự thay đổi về cách kể chuyện. Trước đây, nhà báo kể câu chuyện bằng con chữ, giờ đây chúng ta có rất nhiều cách để truyền tải thông điệp đến với độc giả.
Điều này xuất phát từ việc cách tiếp nhận thông tin của độc giả cũng đã thay đổi. Ngày càng có nhiều người chọn cách di cư trên các nền tảng số, thay vì tiếp nhận tin tức qua các trang báo. Vậy nên, nếu chúng ta cứ tiếp tục đi theo những lối mòn đã cũ thì đương nhiên là sẽ đánh mất độc giả.
Họ gặp phải những rào cản gì trước sự xuất hiện của ChatGPT, thưa ông?
Trong cuốn Sáng tạo Báo chí 2023 có một câu nói đáng chú ý thế này: Chưa bao giờ các nhà báo lại có nhiều công cụ để kể câu chuyện của mình như hiện nay.
Một trong số đó chính là ChatGPT. Thay vì sợ và né tránh trí tuệ nhân tạo (AI), chúng ta hãy xem nó như một công cụ hay vũ khí mới để tiến hành tác nghiệp.
Hiện nay, có quá nhiều “nhà báo công dân” đưa tin trên các nền tảng mạng xã hội, dẫn đến hệ quả tin giả tràn lan. Đây có phải là áp lực đối với các nhà báo chân chính hay không?
Bất cứ ai có một chiếc điện thoại thông minh trong tay, kèm theo một tài khoản mạng xã hội là đã có thể trở thành một “nhà báo công dân”. Và vì thế, đương nhiên lực lượng này sẽ tạo ra áp lực đối với các nhà báo chuyên nghiệp.
“Các nhà báo hãy sẵn sàng tiếp nhận cái mới, không ngần ngại đương đầu với cái gọi là ‘cơn sóng kỹ thuật số’ đang ào tới”. |
Vì vậy, nhà báo sẽ phải đóng thêm vai trò “nhà kiểm chứng thông tin”, đưa tin một cách có trách nhiệm hơn. Đấy cũng là lý do mà ngày càng có nhiều người nhắc đến khái niệm “Báo chí Kiến tạo” hay “Báo chí Giải pháp”, không chỉ để khẳng định vai trò không thể thay thế của nhà báo, mà còn để góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp hơn.
Vậy công tác quản lý báo chí cũng phải “đuổi kịp” và vượt lên để phù hợp với các xu thế của báo chí trong thời đại kỹ thuật số thế nào?
Đương nhiên, công tác quản lý báo chí phải bắt kịp, thậm chí là đi trước một bước. Ví dụ như tạo ra các khung khổ pháp lý nhằm đảm bảo tính minh bạch trong việc tác nghiệp bằng AI, hoặc việc sử dụng AI vào quá trình sản xuất báo chí có vi phạm đạo đức báo chí hay không?
Tôi cũng đánh giá rất cao Quyết định 348 được Chính phủ ban hành mới đây, về phê duyệt Chiến lược Chuyển đổi số báo chí đến 2025, tầm nhìn đến 2030. Nó cho thấy các cơ quan quản lý đã có những định hướng sát sao cho báo chí trong thời đại kỹ thuật số có quá nhiều thách thức như hiện nay.
Khi chia sẻ về ứng dụng ChatGPT trong hoạt động của một tòa soạn báo, ông từng cho rằng, công cụ này rất thích hợp để trở thành trợ lý biên tập viên. Cơ sở nào khiến ông khẳng định như vậy?
Một lãnh đạo cơ quan báo chí lớn mới chia sẻ với tôi rằng, nhờ các công cụ AI mà cơ quan đó đã rút ngắn được thời gian sản xuất một bản tin podcast từ vài giờ xuống còn 30 phút. Nhờ đó mà cơ quan ấy đã có thể dịch chuyển các nhân sự sang sản xuất những sản phẩm chất lượng cao, theo hướng báo chí dữ liệu và báo chí thị giác.
“Trước đây, vũ khí của nhà báo là ngòi bút và cái máy ảnh. Giờ đây, các nhà báo có quá nhiều vũ khí để kể câu chuyện của mình một cách hấp dẫn hơn, trực quan hơn, dễ dàng chạm đến cảm xúc của độc giả”. |
Đó là ví dụ sinh động cho thấy tác dụng tích cực của những công cụ tương tự như ChatGPT đem lại.
Hay khi tiếp nhận một nhóm sinh viên thực tập, thay vì mất cả một buổi sáng để định hướng, triển khai đề tài, tôi có thể chỉ mất 30 phút để vạch một kế hoạch chi tiết cho các em thực hiện.
Bên cạnh sự dấn thân, trung thực, bản thân mỗi nhà báo còn cần làm gì để bảo đảm bài viết có tầm và không đi ngược lại xu thế phát triển?
Các nhà báo hãy sẵn sàng tiếp nhận cái mới, không ngần ngại đương đầu với cái gọi là “cơn sóng kỹ thuật số” đang ào tới. Trước đây, từng có một nhà báo có tiếng nói rằng, đã là nhà báo thì phải lăn vào cuộc sống chứ đừng “ngồi hóng Facebook”.
Nhưng sau này, chúng ta thấy có rất nhiều đề tài hay đã được triển khai nhờ việc “hóng Facebook” như vậy (cụ thể là phát hiện đề tài qua các “nhà báo công dân” vừa nhắc tới ở trên). Tương tự, thay vì né tránh các công cụ mới, chúng ta hãy học cách làm chủ nó, biến nó trở thành thứ vũ khí phục vụ cho việc tác nghiệp.
Trước đây, vũ khí của nhà báo là ngòi bút và cái máy ảnh. Giờ đây, các nhà báo có quá nhiều vũ khí để kể câu chuyện của mình một cách hấp dẫn hơn, trực quan hơn, dễ dàng chạm đến cảm xúc của độc giả.
Xin cảm ơn ông!