Cập nhật ngày: 18/06/2023 03:17:50
Sáng 17/6, đồng loạt tại 4 tỉnh, thành An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Cần Thơ diễn ra lễ khởi công tuyến cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng với tổng vốn đầu tư 44.690 tỷ đồng. Thủ tướng Phạm Minh Chính đến dự và bấm nút khởi công tại điểm cầu TP Châu Đốc (tỉnh An Giang).
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đại biểu bấm nút khởi công dự án (Ảnh: QUỐC BÌNH)
Dự án cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng có điểm đầu kết nối Quốc lộ 91 thuộc TP Châu Đốc, tỉnh An Giang, điểm cuối tại cảng Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng. Trong hơn 188km toàn tuyến, đoạn qua An Giang dài gần 57km, Cần Thơ gần 38km, Hậu Giang khoảng 37km và hơn 56km còn lại đi qua tỉnh Sóc Trăng.
Tuyến đường khi hoàn thành sẽ có 6 làn đường cao tốc, với chiều rộng 32,25m. Giai đoạn một, dự án đường cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng được nghiên cứu làm trước 4 làn đường cao tốc, rộng 17m, cho xe chạy 80km/giờ. Dự án được đề xuất sử dụng ngân sách nhà nước cùng các nguồn khác để triển khai theo hình thức đầu tư công.
Dự kiến, việc thi công tuyến đường được thực hiện trong giai đoạn 2023-2025 và hoàn thành toàn tuyến năm 2027.
Phát biểu tại lễ khởi công ở điểm cầu An Giang, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực, tinh thần trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền các tỉnh An Giang, TP Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng, Bộ GTVT, các ban, bộ ngành liên quan…
“Tôi ghi nhận và biểu dương tinh thần của nhân dân nơi có dự án đi qua đã tin tưởng sự chỉ đạo của Đảng và nhà nước nhanh chóng nhường nơi ở, nơi canh tác, nơi sinh kế của mình để cho dự án được triển khai một cách thuận lợi. Tôi xin tuyên bố khởi công cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng giai đoạn 1”, Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cùng các đại biểu phát lệnh khởi công cao tốc tại điểm cầu tỉnh Sóc Trăng (Ảnh: TUẤN QUANG)
Ông Đồng Văn Thanh – Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đánh giá, dự án cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng có ý nghĩa rất quan trọng đối với vùng ĐBSCL. Sau khi dự án hoàn thành sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang kinh tế Tây Bắc – Đông Nam; cải thiện năng lực cạnh tranh của quốc gia nói chung và của vùng ĐBSCL nói riêng.
Theo QUỐC BÌNH – VĨNH TƯỜNG – TUẤN QUANG (SGGP)