Cập nhật ngày: 18/06/2023 03:29:09
ĐTO – Từ đầu năm đến nay, cộng đồng doanh nghiệp (DN) trong nước phải đối mặt với nhiều khó khăn và áp lực khi tình hình kinh tế, chính trị thế giới có nhiều biến động phức tạp. Đồng thời tình trạng lạm phát cao khiến tổng mức tiêu dùng tại các thị trường nhập khẩu truyền thống sụt giảm nghiêm trọng. Nhằm góp phần giúp cho cộng đồng DN tỉnh nhà giảm bớt khó khăn, mở rộng thị trường, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, ngành công thương tỉnh nhà triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, đồng hành cùng DN vượt qua khó khăn…
Ngành công thương tỉnh triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu trong 6 tháng cuối năm
Theo Sở Công Thương, mặc dù hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa đạt được kết quả như kỳ vọng nhưng hoạt động sản xuất công nghiệp vẫn duy trì được mức tăng trưởng so với cùng kỳ. Giá trị sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2023, ước đạt 35.000 tỷ đồng, tăng 6,96% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 48,33% kế hoạch năm. Hầu hết các sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh đều sản xuất ổn định và tăng trưởng so với cùng kỳ.
Trong 6 tháng đầu năm, hoạt động thương mại nội địa của tỉnh đạt mức tăng trưởng khả quan so với cùng kỳ năm 2022. Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ tiêu dùng của tỉnh ước đạt 63.000 tỷ đồng, tăng 13,14% so với cùng kỳ năm 2022. Do ảnh hưởng chung từ sự suy thoái của nền kinh tế thế giới nên hoạt động thương mại xuất nhập của tỉnh phải đối mặt với nhiều khó khăn khi số lượng đơn đặt hàng từ các đối tác nhập khẩu liên tục giảm. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh ước đạt 775 triệu USD, bằng 78,64% so với cùng kỳ năm 2022. Cụ thể, một số mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của tỉnh có sự tăng trưởng chậm so với cùng kỳ như: thủy sản đông lạnh, bánh phồng tôm và các sản phẩm chế biến sau gạo, sản phẩm ngành may…
Theo dự báo từ các chuyên gia kinh tế, thời gian tới, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp và còn nhiều khó khăn hơn. Sự cạnh tranh gay gắt giữa các nước lớn, tình trạng lạm phát cao, chính sách tiền tệ thắt chặt gia tăng tại nhiều nước, đối tác lớn… là những rào cản tiếp tục tác động, ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Do đó, nhằm đồng hành cùng cộng đồng DN vượt qua khó khăn, hoàn thành mục tiêu thúc đẩy hoạt động sản xuất công nghiệp tỉnh nhà trong 6 tháng cuối năm 2023 đạt 37.415 tỷ đồng; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng 6 tháng cuối năm đạt 63.590 tỷ đồng; xuất khẩu hàng hóa 6 tháng cuối năm đạt 970 triệu USD… ngành công thương tỉnh nhà đã đề ra nhiều nhiệm vụ giải pháp thiết thực, phù hợp với tình hình khó khăn hiện tại của các DN địa phương.
Theo đó, để hỗ trợ hoạt động xuất khẩu của DN tỉnh nhà thuận lợi hơn, trong 6 tháng cuối năm 2023, Sở Công Thương Đồng Tháp đề ra nhiều giải pháp cụ thể như: tiếp tục hỗ trợ các DN về thông tin thị trường, xúc tiến xuất khẩu, tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA đã ký kết và thông qua các chuỗi giá trị toàn cầu để tìm kiếm thị trường mới; triển khai các giải pháp đa dạng hóa thị trường, có giải pháp khôi phục và đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường lớn, truyền thống; thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới. Phối hợp với các địa phương đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu sang thị trường Campuchia.
Bên cạnh đó, nhằm đẩy mạnh hoạt động thương mại nội địa trong những tháng cuối năm, ngành công thương sẽ tiếp tục triển khai kịp thời, hiệu quả các chương trình kích cầu tiêu dùng trong nước thông qua kích thích tiêu dùng; đẩy mạnh áp dụng thương mại điện tử trong hoạt động lưu thông, phân phối hàng hóa thông qua khuyến khích các hệ thống phân phối hiện đại, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển mạnh thương mại điện tử; tổ chức kết nối các DN của tỉnh tham gia vào chuỗi cung ứng của các DN FDI và DN lớn toàn cầu…
MỸ LÝ