Theo đó, 6 tuyến xe khách sẽ được di dời gồm 4 tuyến đi miền Trung (Bình Định, Phú Yên) và 2 tuyến đi miền Bắc (Thái Nguyên, Tuyên Quang). Thời gian di dời từ quý 2/2023. Các tuyến này có 12 đơn vị vận tải với tổng cộng 72 xe khách.
Đại diện SAMCO cho biết, bến xe Miền Đông mới từ khi khai thác hồi tháng 10.2020 đến nay đã thực hiện di dời gần 100 tuyến đi từ TP.HCM ra hướng miền Trung, miền Bắc (trừ tuyến đi qua Quốc lộ 14 và đi Tây nguyên) từ bến xe Miền Đông cũ.
Thời gian qua, nhất là dịp lễ, tết, một số phương tiện đã lợi dụng việc duy trì hành trình Quốc lộ 14 (nhưng hoạt động sai hành trình, không đi Quốc lộ 14 mà đi Quốc lộ 1 ngang qua bến xe Miền Đông mới) để đi về bến xe Miền Đông cũ và khu vực các bãi đậu xe, cây xăng, bãi xe Thành Công… dọc Quốc lộ 13 từ Ngã tư Bình Phước đến bến xe Miền Đông mới để đón, trả khách. Các xe này còn hẹn đón khách phía trước bến xe Miền Đông mới gây mất an ninh trật tự, an toàn giao thông.
Do đó, việc di dời các tuyến xe có hành trình theo Quốc lộ 14 ra bến xe Miền Đông mới nhằm đảm bảo sự ổn định trong công tác tổ chức hoạt động vận tải hành khách tại các bến xe trong thành phố và sự cạnh tranh công bằng giữa các đơn vị vận tải.
Dời 6 tuyến xe khách sang bến xe Miền Đông mới
Bến xe Miền Đông mới được khởi công xây dựng vào tháng 4.2017. Với diện tích hơn 16 ha, đây là bến xe có quy mô lớn nhất cả nước, không chỉ là đầu mối giao thông mà còn được quy hoạch trở thành khu phức hợp đa chức năng gắn với trung tâm thương mại, dịch vụ văn phòng, giao nhận hàng hóa logistics kết hợp với giải trí, hài hòa với khu vực quảng trường metro và cây xanh phục vụ cho sinh hoạt của cộng đồng.
Việc di dời các tuyến xe từ bến xe cũ sang bến xe mới được thực hiện theo 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 và 2 đã được Sở GTVT TP phối hợp cùng SAMCO thực hiện lần lượt vào 2020 và 2022. Giai đoạn 3 sẽ tiếp tục di dời toàn bộ các tuyến đường còn lại (hơn 60 tuyến xe) khi bến xe Miền Đông mới hoạt động ổn định, tình hình trật tự vận tải, kết nối giao thông được đảm bảo.