Mỹ đang nỗ lực tiếp cận quốc gia Bắc Phi giàu dầu mỏ Libya, trong khi Nga đã mở rộng ảnh hưởng ở đây với sự hiện diện của tập đoàn an ninh Wagner.
Khi Mỹ còn đang cân nhắc mở lại sứ quán ở Libya, Đại sứ Nga đã chuẩn bị nhậm chức tại thủ đô Tripoli. Những năm gần đây, hai chính phủ song song tồn tại ở Libya. Một bên là chính phủ lâm thời do Thủ tướng Abdulhamid Dbeibah đứng đầu ở Tripoli. Bên còn lại là chính phủ có trụ sở ở vùng Tobruk tại miền đông được quốc hội Libya bổ nhiệm, với lực lượng an ninh do tướng Khalifa Haftar lãnh đạo.
Nga vốn duy trì ảnh hưởng tại khu vực miền đông đất nước. Quyết định tái thiết lập hiện diện ngoại giao ở Tripoli, nơi đặt trụ sở chính phủ do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn, là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy Tổng thống Putin đang tìm cách mở rộng tầm ảnh hưởng ra ngoài khu vực truyền thống.
Libya là thành viên Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Các nước châu Âu đang hướng tới quốc gia Bắc Phi như bên thay thế tiềm năng cho năng lượng của Moskva. Washington gần đây cử loạt quan chức cấp cao đến Libya để đối phó ảnh hưởng của Nga. Một trong số đó là giám đốc CIA William Burns, người tới đây hồi tháng 1 để đối thoại với cả hai chính phủ ở miền đông và miền tây, trước khi gặp các quan chức Ai Cập, nước láng giềng ủng hộ Haftar.
Giới chuyên gia cho rằng một trong những mối lo ngại lớn nhất của Mỹ tại Libya là sự hiện diện của tập đoàn an ninh Nga Wagner, với khoảng 2.000 thành viên. Nhóm này từng ủng hộ chiến dịch giành thủ đô Tripoli bất thành của tướng Haftar năm 2019-2020. Kể từ đó, Wagner đã giúp ông củng cố kiểm soát với nguồn cung dầu ở quốc gia chiếm tới 40% dự trữ của châu Phi.
“Hiện trạng đất nước không ổn định. Thông điệp của chúng tôi là bạn sẽ chỉ được công nhận thông qua các cuộc bầu cử”, đặc phái viên Mỹ tại Libya Richard Norland nói. Ông cảnh báo về những hoạt động “lợi dụng chia rẽ nội bộ và cản trở nỗ lực của Liên Hợp Quốc về thúc đẩy tổ chức bầu cử”.
Mỹ đang gặp bất lợi ở Libya, nơi họ không có hiện diện quân sự và ngoại giao. Dù quan chức Mỹ nói rằng họ đang làm việc để tái thiết lập đại sứ quán ở Libya, quyết định này tiềm ẩn rủi ro chính trị đối với Tổng thống Joe Biden. Ông Biden là phó tổng thống Mỹ trong thời gian diễn ra cuộc nổi dậy do NATO hậu thuẫn nhằm lật đổ lãnh đạo lâu năm Muammar Qaddafi năm 2011, khiến Libya rơi vào hỗn loạn.
Đại sứ quán Mỹ tại Libya đóng cửa vào năm 2014 khi quốc gia này chìm trong nội chiến. Một cuộc tấn công vào lãnh sự quán Mỹ ở thành phố Benghazi đã khiến đại sứ Christopher Stevens và ba người Mỹ khác thiệt mạng năm 2012, gây chấn động chính trị trong nước và khiến bất kỳ quyết định trở lại Libya trở nên đầy rủi ro.
Dù số lượng thành viên ở Libya đã giảm từ hơn 4.000 xuống khoảng 2.000 kể từ khi xung đột Ukraine nổ ra, lực lượng Wagner hiện có mặt tại 4 căn cứ quân sự ở Libya, theo Viện nghiên cứu Sadeq ở Libya và Navanti Group, công ty tư vấn cho cơ quan chính phủ Mỹ. Wagner có quyền tiếp cận một số cơ sở năng lượng quan trọng nhất của Libya, trong đó có mỏ dầu lớn nhất Sharara và cảng xuất khẩu dầu thô Es Sider.
Năm 2020, những người ủng hộ Khalifa Haftar đã phong tỏa các mỏ dầu và cảng của đất nước nhằm gây áp lực lên chính quyền ở Tripoli. Các quan chức phương Tây cho rằng thực tế Haftar là người đứng sau việc này.
Mustafa Sanalla, cựu lãnh đạo Công ty Dầu mỏ Quốc gia Libya (NOC) cáo buộc Wagner và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) liên quan tới đợt phong tỏa. Năm 2022, một cuộc phong tỏa lại diễn ra và kết thúc bằng việc Sanalla phải nhường vị trí cho một người thân thiện với chính quyền phía đông hơn.
“Việc đóng cửa chủ yếu là do tranh cãi chính trị trong nước về phân chia doanh thu dầu. Nhưng tôi không tin nó có thể diễn ra mà không có sự hỗ trợ của Wagner đối với lực lượng Haftar, họ đã triển khai sức mạnh quân sự quanh các cơ sở dầu mỏ”, Robert Uniacke, nhà phân tích cấp cao về Libya tại Navanti Group, nói.
Nỗ lực khôi phục ảnh hưởng của Nga, vốn bị mất sau cái chết của ông Qaddafi năm 2011, không phải lúc nào cũng diễn ra suôn sẻ. Cả cuộc tấn công giành Tripoli của tướng Haftar và nỗ lực nâng đỡ con trai Saif al-Islam của cố lãnh đạo làm tổng thống đều thất bại.
Tổng thống Putin dường như đã quyết định theo đuổi chính sách giữ nguyên hiện trạng ở Libya. Với phương án đó, Nga vẫn có thể kiểm soát xuất khẩu dầu của Libya, theo giới quan sát.
Farhat Bengdara, giám đốc mới của NOC, ca ngợi lực lượng Haftar vì “những nỗ lực tuyệt vời” để bảo vệ các mỏ dầu. Ông nói Libya có các kế hoạch mở thêm lô cho các công ty quốc tế vào năm 2024 và tăng sản lượng từ 1,2 triệu lên 2 triệu thùng mỗi ngày trong 5 năm tới. Tuy nhiên, hầu hết các nhà phân tích không tin rằng NOC có thể đạt mục tiêu đó khi chính trị chưa ổn định hơn.
Wagner có máy bay chiến đấu và hệ thống phòng thủ tên lửa, khiến mọi nỗ lực nhằm ngăn cản ảnh hưởng của nhóm tại Libya đều khó thực hiện. Tướng Haftar dựa vào Wagner để đảm bảo an toàn và chống lại các lực lượng dân quân Libya.
Gleb Irisov, cựu sĩ quan không quân Nga từng làm việc ở căn cứ Khmeimim tại Syria năm 2019-2020, cho biết ông đã thấy 20 chiến đấu cơ MiG-29 do Liên Xô chế tạo cùng trực thăng được chuyển giao đến Libya.
“Mục tiêu số một của Mỹ là đẩy Wagner ra khỏi đất nước và đảm bảo tiến hành bầu cử ở Libya. Nhưng cả hai đều không thành hiện thực”, Jalel Harchaoui, chuyên gia về Libya tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI), nói.
Thanh Tâm (Theo Bloomberg)