Sau hàng chục năm cầm bút, một nhà báo tuổi ngoài thất thập vừa “tổng kết” những hành trình tác nghiệp đầy đam mê và hào hứng bằng bộ sách Đất & người phương Nam. Từng trang sách cất lên tiếng nói của một cây bút không ngại khó ngại khổ, “luôn quan sát, luôn lắng nghe và luôn hỏi để thông tin được chính xác hơn, giàu có hơn”. Ông là Trần Chánh Nghĩa – tác giả nhiều bài viết về những vùng đất khác nhau, những nhân vật đặc biệt, những câu chuyện kỳ lạ vọng về từ lớp lớp bụi thời gian…
Bộ sách đánh dấu một chặng đường làm báo
Ngày 20 tết năm rồi, chiếc xe tải chở 500 bộ sách Đất & người phương Nam tới một ngôi nhà ở Tân Định (quận 1, TP Hồ Chí Minh). Chủ nhà ngỡ ngàng và hạnh phúc đón nhận những đứa con tinh thần của mình được in và trình bày thật đẹp. “Tôi bất ngờ quá, cứ tưởng trong mơ”, nhà báo Trần Chánh Nghĩa nhớ lại khoảnh khắc đó.
Thì ra, hai tập bản thảo Đất & người phương Nam của nhà báo Trần Chánh Nghĩa được in theo cách rất đặc biệt. Ông kể: “Một lần tình cờ, tôi gặp lại đồng nghiệp từng làm việc tại Vietnamnet, cậu ấy mời tôi đến dự thôi nôi con. Trong cuộc trò chuyện hôm đó, tôi kể với cậu ấy rằng mình có hai bản thảo, muốn in thành sách để kỷ niệm nhưng không có tiền. Tôi thổ lộ vậy thôi, ai ngờ sau đó cậu ấy gọi điện, nói tôi chuyển cho cậu xem bản thảo. Tôi chuyển. Vài ngày sau, cậu ấy nói: “Để con in cho bố nghen”. Tôi tưởng cậu ấy nói giỡn chơi, ai dè in thiệt. Tôi không bao giờ nghĩ rằng mình có được bộ sách này. Cho dù có tiền, tôi cũng không dám in cỡ đó đâu”.
Bộ sách Đất & người phương Nam của nhà báo Trần Chánh Nghĩa do NXB Thanh Niên ấn hành gồm 2 tập, khổ 20x20cm, giới thiệu tới độc giả hơn 70 bài viết về đất và người Sài Gòn, về những điều đặc biệt ở các vùng đất mà tác giả từng đặt chân đến. Tập 1 Một thuở Saigon có những bài viết thú vị, như: Lăng Cha Cả – Một góc Sài Gòn xưa, Henriette Bùi – Nữ bác sĩ đầu tiên ở Việt Nam, Những cung đường bị lãng quên, Chuyện ít biết về Minh Lý đạo và bộ lịch Tam Tông Miếu, “Vua ngân hàng” Nguyễn Tấn Đời, Chuyện tình vua Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương… Ở tập 2 Dấu chân xuôi ngược, tác giả đưa bạn đọc đến những vùng đất khác nhau, gặp gỡ những nhân vật đặc biệt, lắng nghe những câu chuyện kỳ lạ vọng về từ lớp lớp bụi thời gian… Trong Dấu chân xuôi ngược có bài viết về hàng trăm ngôi mộ cổ kỳ bí trên núi A Man (huyện Tuy An), bài viết về ngôi nhà thờ cổ nhất xứ hoa vàng cỏ xanh, về người Đàng Hạ ở Khánh Hòa, về “những hạt muối đắng” trên đồng muối Hòn Khói, về bác sĩ Alexandre Yersin – người nặng tình với nước Việt… Bộ sách Đất & người phương Nam đánh dấu một chặng đường làm báo đầy đam mê và sung sức của lão nhà báo Trần Chánh Nghĩa trong 10 năm gắn bó với Vietnamnet. “Tôi chỉ mong rằng những gì mình viết sẽ đọng lại trong lòng bạn đọc”, ông thổ lộ.
Đọc Đất & người phương Nam khi còn là bản thảo, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, nguyên Phó ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam cảm nhận: “…Anh tìm đến cái cũ, làm mới nó, trân trọng và đầy trách nhiệm. Anh nâng niu sự thật, tự hài lòng với vị trí của người đến sau và chấp nhận những gì thuộc về phạm trù “cũ người mới ta”. Với anh, quá trình tác nghiệp luôn nằm trong cái tam giác thần thánh gồm 3 điểm chính là mắt, tai và miệng. Luôn quan sát, luôn lắng nghe và luôn hỏi để thông tin được chính xác hơn, giàu có hơn. Thế nhưng chắc cái tam giác đó sẽ là chưa đủ nếu thiếu đi sự nhanh nhạy của đôi chân và sự chịu đựng kiên trì của cơ thể vốn đã không còn trẻ nữa…”.
Trước bộ sách Đất & người phương Nam, năm 2010, nhà báo Trần Chánh Nghĩa ra mắt bạn đọc tập sách Năm tháng ngược xuôi (NXB Thanh Niên).
Nhà báo Trần Chánh Nghĩa trong sự kiện ra mắt bộ sách Đất & người phương Nam. Nguồn: Vietnamnet |
Say nghề
Nhà báo Trần Chánh Nghĩa sinh năm 1950, quê ở An Nghiệp (huyện Tuy An), sống cùng gia đình tại TP Hồ Chí Minh. Ông mê văn chương từ nhỏ. Năm học đệ ngũ (tương đương lớp 8 bây giờ), ông có bài viết được đăng trên một tờ báo dành cho thiếu nhi. Cảm giác sung sướng khi nâng niu trên tay tờ báo có bài viết của mình, ông vẫn còn nhớ…
Sau này, ông Trần Chánh Nghĩa được một nhà báo hướng dẫn cách viết báo. Ông kể về bài báo đầu tiên của mình: “Khi tôi nộp bài, ảnh đọc qua rồi xé cái rẹt, quăng vô sọt rác. Lúc đó, nếu tôi giận, phản ứng thì tôi không có ngày hôm nay. Tôi hỏi: Anh thấy sao? Có gì thì anh góp ý. Được ảnh hướng dẫn, tôi về viết lại. Viết chừng 3-4 bài là quen, từ đó mà biết viết lách và tiến bộ lần lần”.
Bởi những lo toan bộn bề, ông Trần Chánh Nghĩa phải gác lại niềm đam mê cầm bút trong một thời gian dài. Năm 1999, thấy trên tờ Thanh Niên có mục Đường dây nóng, ông bèn mượn một chiếc máy ảnh nho nhỏ, bắt đầu tác nghiệp. Thấy có sự việc gì, vấn đề gì mà bạn đọc quan tâm là ông viết. Hầu như số báo nào ông cũng có tin ở mục này. Sau đó, ông cộng tác với báo Tuổi Trẻ và một số báo khác ở TP Hồ Chí Minh.
Năm 2010, ông Trần Chánh Nghĩa đến với Vietnamnet. Báo điện tử thuộc Bộ TT&TT đã ký hợp đồng với Trần Chánh Nghĩa, khi chỉ còn 1 năm nữa là ông đến tuổi nghỉ hưu (trên giấy tờ, còn trên thực tế thì năm đó ông đã 60 tuổi). Trần Chánh Nghĩa nói rằng ông được làm việc trong một môi trường mà anh em đồng nghiệp thương quý nhau như trong gia đình. Ân tình của Vietnamnet rất nặng đối với ông.
Trần Chánh Nghĩa gắn bó với Vietnamnet trong 10 năm. Đó chính là khoảng thời gian lão nhà báo ngược xuôi tác nghiệp bằng niềm đam mê và nhiệt huyết. Niềm vui của ông là qua những bài báo đã giúp được nhiều mảnh đời cơ cực. Dù đã cao tuổi nhưng ông tác nghiệp bất kể sớm khuya, hễ có thông tin nóng là ông lên đường.
Một đêm tháng 5/2012, ông đang ngủ thì điện thoại reo. Một chiếc xe khách khi đi qua cầu Sêrêpốk (giáp ranh hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông) đã tông vô lan can cầu và rơi xuống sát mép sông, 34 người chết. Ông bung dậy, cấp tốc chuẩn bị lên đường. Vợ ông cản không được, quyết định đi cùng ông. Hai vợ chồng lên xe máy, đi từ 22 giờ đêm đến 6 giờ sáng hôm sau thì có mặt tại hiện trường vụ tai nạn thảm khốc. Đó là một trong những kỷ niệm mà nhà báo Trần Chánh Nghĩa không thể nào quên trong những năm tháng ngược xuôi tác nghiệp.
Quê hương trong tim
Rời quê khi mới 5, 6 tuổi, không có nhiều ký ức về quê hương nhưng nhà báo Trần Chánh Nghĩa tha thiết yêu quê. Mỗi lần về quê, lòng ông dậy lên bao cảm xúc. Trong tản văn Chút tản mạn cuối năm, ông viết: “…Cha tôi từng kể lại, năm tôi sinh ra cũng là năm ngôi trường ông làm hiệu trưởng ở Tuy Hòa phải chuyển về đây để học sinh vừa lánh nạn vừa học. Ông tìm đủ cách để gia đình có được miếng ăn và học trò ông được đến lớp nghiêm chỉnh. Sau này, nhiều học sinh thành đạt đã tìm đến thăm cha tôi, cùng ngồi ôn lại những ngày tháng cũ…
Rời quê từ nhỏ, mất mẹ từ rất sớm, theo cha lăn lộn trên mọi nẻo đường đến giờ này, tôi mới nghiệm ra rằng những điều mà ông nội đã dạy cha tôi, cha tôi truyền cho tôi, tất cả vẫn còn nguyên giá trị. Nhân, lễ, nghĩa, trí, tín mãi mãi là ngọn đuốc soi đường…
Năm nào tôi cũng về để vượt qua đèo Thị, để đến cầu cây Cam, để thấy quê hương mình đáng yêu như thế nào. Mà chỉ có những người sinh ra tại đây mới có được cảm xúc ấy trong những lần trở về. Tôi đã tìm thấy hình ảnh của mình vào những năm tháng khốn khó nhất. Có lẽ điều đó đã làm cho tôi mỗi năm phải trở về để tưởng nhớ ông bà, dòng tộc. Và cũng thấy được quê hương mình, nơi đã ôm ấp mình ngày nào giờ khởi sắc hơn”.
Cha nhà báo Trần Chánh Nghĩa chính là thầy Trần Sĩ – Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Lương Văn Chánh, ngôi trường trung học đầu tiên của đất Phú Yên.
YÊN LAN