Thời gian qua, ngư dân các huyện Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Quảng Xương, thị xã Nghi Sơn và TP Sầm Sơn đã đầu tư ứng dụng máy dò ngang Sonar, thiết bị giám sát hành trình, hầm bảo quản bọt xốp PU, đèn Led dẫn dụ cá trên tàu khai thác hải sản… Theo thuyền trưởng tàu TH 9354 TS Lê Văn Trí ở xã Hoằng Trường (Hoằng Hóa), sử dụng máy dò ngang là thiết bị tiên tiến, có phạm vi bán kính tầm dò 2.000m, giúp kiểm soát được vùng nước xung quanh tàu và phát hiện những đàn cá ở vị trí cách xa tàu. Nhờ có những thiết bị đánh bắt hiện đại, ngư dân không còn phải mò mẫm đi tìm luồng cá như trước. Vì vậy, ứng dụng máy dò ngang Sonar trong khai thác hải sản đã nâng cao năng suất, sản lượng khai thác tăng từ 1,5 đến 2 lần so với trước khi sử dụng.
Ngư dân Hoàng Anh Yến, xã Hòa Lộc (Hậu Lộc) vận hành thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá. Ảnh: Lê Hợi
Ngoài việc ứng dụng trong khai thác hải sản để tăng sản lượng, máy dò ngang Sonar còn tích hợp nhiều chức năng để hỗ trợ ngư dân, như định vị, xác định độ sâu, chướng ngại vật dưới biển…
Trước đây, mỗi khi ra khơi khai thác hải sản, nhiều phương tiện thường mất tín hiệu không liên lạc được với gia đình và các trạm bờ của ngành thủy sản. Nhưng từ khi tàu cá có chiều dài 15m trở lên lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, tín hiệu được cập nhật vào đất liền 24/24 giờ. Tất cả nhật ký khai thác đều được cập nhật trên hệ thống và ngư dân có thể dễ dàng kiểm tra trong ứng dụng trên điện thoại, từ đó có lộ trình khai thác hiệu quả. Ngoài ra, khi gặp thời tiết bất lợi hay tàu cá gặp nạn trên biển, thiết bị định vị sẽ nhanh chóng phát tín hiệu hỗ trợ, lực lượng cứu nạn sẽ dễ dàng tìm đến chính xác vị trí tàu cá.
Anh Phạm Văn Hòa, chủ tàu cá TH 90195TS, công suất 370 CV ở phường Quảng Tiến (TP Sầm Sơn) cho biết: Từ khi lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, không cần theo tàu cá ra khơi. Chỉ cần chiếc điện thoại thông minh có kết nối Internet, chủ tàu ở nhà vẫn biết chính xác vị trí con tàu mình đang đánh bắt trên biển. Một khi tàu cá đến khai thác ở khu vực không được phép, thiết bị định vị tàu cá sẽ phát tín hiệu cảnh báo để chúng tôi kiểm soát vùng biển khai thác.
Cán bộ Ban Quản lý Cảng cá Lạch Hới (TP Sầm Sơn) kiểm soát tàu cá ra vào cảng qua hệ thống camera.
Với lợi ích của việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá có chiều dài 15m trở lên, đến nay, ngư dân ở các địa phương trong tỉnh đã lắp đặt giám sát hành trình 1.121/1.144 tàu cá, đạt tỷ lệ 98%. Trong công tác quản lý tàu cá, đến ngày 15-6, toàn tỉnh đã cập nhật dữ liệu đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản cho 2.493 phương tiện vào Hệ thống cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (Vn – fishbase). Trong đó, 598 tàu cá có chiều dài từ 6m đến dưới 12m, 1.895 tàu cá có chiều dài từ 12m trở lên.
Ông Lê Văn Hân, cán bộ Ban Quản lý Cảng cá Lạch Hới cho biết: Hệ thống Vn – fishbase là cơ sở dữ liệu trực tuyến và đồng bộ cho quản lý thông tin về đăng ký, đăng kiểm tàu cá, hạn ngạch khai thác thủy sản, giấy phép khai thác thủy sản; dữ liệu về cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão; dữ liệu về nhật ký, báo cáo khai thác; xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác; chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác… Đây là cơ sở dữ liệu khá toàn diện và trở thành công cụ hữu ích trong quản lý nghề cá, năng lực khai thác hải sản. Mỗi khi tàu cập cảng, ngư dân làm thủ tục chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác, chỉ cần nhập số hiệu tàu cá lên hệ thống Vn – fishbase là biết được hành trình của tàu cá khai thác trên biển, để làm căn cứ xác nhận nguồn gốc thủy sản. Thông qua hệ thống Vn – fishbase nhằm mục tiêu giám sát, quản lý số hóa 100% các thông tin hoạt động của tàu cá từ khi xuất cảng cá đi khai thác, cập cảng bốc dỡ sản phẩm, tới đăng kiểm cũng như hệ thống dữ liệu khai thác, mua bán của ngư dân. Việc ứng dụng hệ thống Vn – fishbase còn giúp cho người dân thuận tiện trong việc theo dõi thông tin, tiết kiệm chi phí trong hoạt động khai thác hải sản.
Hiện nay, cùng với ứng dụng chuyển đổi số trong khai thác hải sản, nhiều chủ tàu cá đã đầu tư công nghệ bảo quản sản phẩm khai thác. Phần lớn tàu cá đánh bắt xa bờ ở các địa phương ven biển của tỉnh được đầu tư ứng dụng công nghệ hầm bảo quản sản phẩm bằng vật liệu inox và polyurethane (PU), nhất là các tàu cá hậu cần, mang lại hiệu quả tốt. Nhiều tàu đánh bắt xa bờ sử dụng công nghệ đá sệt làm từ nước biển để bảo quản hải sản và trang bị máy lọc nước biển thành nước ngọt.
Bài và ảnh: Lê Hợi