Các công ty ở Thung lũng Silicon (Mỹ) hiện đang đối mặt với “cuộc chiến” đưa nhân viên trở lại làm việc trực tiếp tại văn phòng…
Nhân viên của Google trở lại làm việc tại văn phòng ba ngày một tuần sau hai năm gián đoạn do đại dịch Covid-19. Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty Images) |
Google, công ty tiên phong trong ngành công nghệ thực thi nghiêm ngặt chính sách buộc người lao động phải làm việc tại văn phòng ít nhất ba ngày/ tuần.
Người phát ngôn của Google, ông Ryan Lamont, khẳng định rằng, chính sách mới “đang diễn ra tốt đẹp và chúng tôi muốn thấy nhân viên kết nối và cộng tác trực tiếp, vì vậy, chúng tôi đang hạn chế cách thức làm việc từ xa, trừ những trường hợp ngoại lệ”.
yt
Theo ông Lamont, lãnh đạo công ty đang xem xét các báo cáo về việc nhân viên của họ đang áp dụng các phương thức làm việc khác nhau như thế nào. Ông cho biết, công ty đã thực hiện mô hình kết hợp vừa làm tại nhà, vừa làm tại công ty được hơn một năm và “chúng tôi đang chính thức tích hợp phương pháp này vào tất cả các chính sách tại nơi làm việc của mình”.
Điều không mong muốn
Chính sách mới này lại khiến nhiều nhân viên thất vọng. Ông Chris Schmidt, kỹ sư phần mềm của Google, nói với CNN rằng, “công ty bỏ qua tính chuyên nghiệp của nhân viên, thay vào đó, lại thực hiện việc điểm danh và gắn nó với việc đánh giá hiệu suất lao động của nhân viên. Việc áp dụng chính sách mới này gây ra khó khăn không cần thiết cho người lao động và không cho thấy sự quan tâm đến những hoàn cảnh sống khác nhau của nhân viên.
Không chỉ Google phải đối mặt với sự phản đối từ nhân viên mà các công ty công nghệ khác cũng đang vật lộn tìm cách tốt nhất để thu hút nhân viên đến văn phòng sau khi họ đã quen với cách làm việc từ xa. “Cuộc chiến” giằng co ngày càng phức tạp bởi thực tế các công ty công nghệ đã sa thải hàng chục nghìn người lao động trong năm qua.
Tại công ty Amazon, tình trạng căng thẳng sôi sục xảy ra hồi tuần trước khi hàng trăm nhân viên tổ chức tuần hành kêu gọi chú ý đến những bất bình của họ, bao gồm cả cách làm việc ba ngày một tuần tại công ty, được thực hiện từ tháng 5/2023.
Cô Pamela, nhân viên của Amazon phát biểu tại buổi tuần hành rằng, cô đã tạo một phòng chat trực tuyến trên công cụ Slack có tên là Vận động từ xa nhằm tạo không gian để các nhân viên thảo luận về tác động của chính sách quay trở lại công ty đối với cuộc sống của họ.
“Phòng chat hiện thu hút tới 33.000 người tham gia”, Pamela nói với đám đông tại buổi tuần hành và gọi phòng chat ủng hộ cách làm việc từ xa này là “biểu hiện rõ nhất về sự không hài lòng của nhân viên trong công ty”.
Tuy vậy, sự phản đối của nhân viên không thay đổi được việc các công ty này đã chi hàng tỷ USD cho không gian tại nơi làm việc trong nhiều năm và thường nói về giá trị của sự tương tác tại nơi làm việc.
Đáp trả cuộc tuần hành, Amazon cho rằng, có thể sẽ mất thời gian để nhân viên thích nghi với việc trở lại công ty làm nhiều ngày hơn. Họ rất vui khi tháng đầu tiên có thêm nhiều người quay lại văn phòng và tuyên bố “năng lượng, sự hợp tác và kết nối” đang diễn ra trong môi trường công ty.
Tương tự, Meta, công ty mẹ của Facebook, cũng đang nỗ lực cho việc này. Họ thông báo nhân viên phải quay lại làm việc ba ngày một tuần bắt đầu từ tháng Chín này. Người phát ngôn của Meta nói với CNN rằng, đó là chính sách không quá cứng nhắc và những nhân viên được chỉ định làm việc từ xa sẽ được duy trì cách làm việc này.
Theo kỹ sư phần mềm Chris Schmidt, khi tất cả người lao động đều đến làm tại văn phòng, không có gì bảo đảm bạn sẽ có đủ không gian để ngồi làm việc.
Ông chia sẻ: “Nhiều nhóm được làm việc giãn cách và đối với một số vị trí công việc của chúng tôi, có thể không cần phải hợp tác với ai tại văn phòng công ty. Hiện tại, nhiều công ty ở New York thậm chí không có đủ bàn làm việc và phòng họp để nhân viên có thể sử dụng cho thoải mái”.
Điều chỉnh phương thức lao động phù hợp
Đại dịch Covid-19 đã được kiểm soát, các nước đang trở lại cuộc sống bình thường, các doanh nghiệp tăng dần số lượng nhân viên làm việc trực tiếp, tiến tới toàn bộ người lao động quay trở lại văn phòng làm việc.
“Tôi hài lòng với cách làm việc từ xa nhờ sự thuận tiện và hiệu quả. Chỉ cần máy tính xách tay có kết nối mạng, tôi có thể làm nhiều việc cùng lúc và làm tại bất cứ đâu”, anh Samie Dorgham, nhân viên công ty khởi nghiệp về AI tại London (Anh) cho biết.
Tại Mỹ, các dữ liệu thu thập được cho thấy, tình trạng nhảy việc, thiếu lao động tại các doanh nghiệp đang ở mức cao, trong khi các công ty đang chật vật tuyển dụng và giữ chân người lao động.
Một cuộc thăm dò do công ty khảo sát ADP của Mỹ thực hiện với sự tham gia của 33.000 người trên toàn thế giới cho thấy, hai phần ba số người được hỏi nói họ có thể tìm việc làm mới, nếu phải bắt buộc quay trở lại văn phòng làm việc toàn thời gian một cách không cần thiết.
Tờ Business Insider (Mỹ) thậm chí còn giật tít GenZ sẽ bỏ việc nếu phải quay trở lại làm việc tại văn phòng. Sự mất cân đối giữa số người tìm việc và số người lao động cần được tuyển dụng để lấp chỗ trống đang khiến mức lương tại một số ngành tăng.
Hiện nay, nhiều công ty đã áp dụng công nghệ để giảm mật độ lao động tại nơi làm việc.
Các nhà máy đóng gói thực phẩm, thuộc lĩnh vực sản xuất và kho bãi trong nhà, đã đẩy nhanh việc triển khai robot. Các robot được sử dụng để hỗ trợ trong bệnh viện và các đơn đặt hàng phục vụ phòng khách sạn. Nhu cầu về các ứng dụng đặt hàng tại nhà hàng và khách sạn tăng lên. Nhiều công ty triển khai thêm chế độ tự thanh toán tại các cửa hàng tạp hóa và nhà thuốc. Các công ty quan tâm nhiều hơn đến việc tự động hóa quy trình bằng robot để xử lý thủ tục giấy tờ và giảm mật độ trong không gian văn phòng.
Ông Chris Schmidt nói: “Chúng tôi xứng đáng có tiếng nói trong việc định hình các chính sách tác động đến cuộc sống của mình, nhằm thiết lập các điều kiện làm việc rõ ràng, minh bạch và công bằng cho tất cả mọi người”.
Có thể thấy, việc tìm ra những biện pháp điều chỉnh phương thức lao động phù hợp sẽ là điều kiện quan trọng để duy trì hoạt động của nhiều doanh nghiệp, tổ chức trong bối cảnh nền kinh tế đang phục hồi sau Covid-19.