Xây dựng bản đồ vùng sản xuất tập trung, sử dụng thiết bị công nghệ để quản lý, vận hành và truy xuất nguồn gốc nông sản… là những giải pháp được ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa thực hiện nhằm thay đổi phương thức sản xuất.
Ứng dụng máy bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật trên cánh đồng xã Hoằng Thắng (Hoằng Hóa).
Việc chuyển đổi số (CĐS) trong nông nghiệp đã được ứng dụng ở nhiều địa phương, nhờ đó nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp đã thay đổi từ mô hình sản xuất nhỏ lẻ, kém hiệu quả sang mô hình sản xuất mới, có sự liên kết chuỗi giá trị. Mặc dù thời gian thành lập chưa lâu, nhưng HTX dịch vụ nông nghiệp công nghệ cao Vĩnh Khang, xã Vĩnh Khang (Vĩnh Lộc) đã mạnh dạn đầu tư hơn 2 tỷ đồng để xây dựng trang trại trồng rau thủy canh, rau má và dưa Kim Hoàng hậu trong nhà màng theo hướng nông nghiệp sạch áp dụng công nghệ cao. Công ty dùng hệ thống tưới nhỏ giọt tự động ứng dụng từ công nghệ thủy canh Israel được điều khiển bằng điện thoại thông minh. Với công nghệ này, nước được tưới nhỏ giọt đến từng gốc cây; phân bón được hòa vào nước, theo hệ thống tưới cung cấp dinh dưỡng cho cây phát triển. Hệ thống này tự động tưới chính xác cho mỗi cây, nên dưa phát triển đồng đều, tiết kiệm nước, phân bón, thời gian và nhân công chăm sóc.
Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp công nghệ cao Vĩnh Khang – Phạm Văn Tuần cho biết, nhờ ứng dụng công nghệ số đã hỗ trợ tích cực cho đội ngũ quản lý trang trại và người lao động tham gia sản xuất. Ðồng thời rất thuận tiện trong theo dõi sự sinh trưởng, phát triển của cây, kịp thời đưa ra những điều chỉnh phù hợp và giảm bớt sức lao động. Hiện nay, mỗi ha dưa của HTX cho năng suất gần 120 tấn/năm với doanh thu đạt trên 1,7 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí vẫn còn lợi nhuận khoảng 850 triệu đồng.
Để ứng dụng số hóa vào mô hình sản xuất của mình, HTX dịch vụ nông nghiệp Hoằng Thắng, xã Hoằng Thắng (Hoằng Hóa) đã áp dụng phun thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị máy bay không người lái cho hơn 50 ha lúa. Máy bay không người lái có 4 cánh quạt, được tích hợp rất nhiều chức năng hiện đại như hệ thống định vị vệ tinh giúp máy bay có thể bay hoàn toàn tự động, lập bản đồ khu vực cần phun và kiểm soát hoạt động phun theo chu trình đã được lập sẵn. Khi phun, thuốc bảo vệ thực vật sẽ được tách ra thành những hạt mịn nhỏ và phun đều lên các bộ phận của cây trồng, công nghệ phun ly tâm giúp cho việc tiếp xúc mặt dưới lá hiệu quả hơn, giúp giảm tình trạng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, năng suất cao gấp 30 lần so với phun thủ công, giảm thất thoát 30% thuốc bảo vệ thực vật, tiết kiệm đến 90% nước. Dưới phần thân của thiết bị bay là một bình phun có thể chứa gần 10 lít thuốc qua 4 đầu phun thông qua một hệ thống phun áp lực. Máy có thể bay ở chế độ tự động, bán tự động và thủ công, tốc độ phun có thể được điều chỉnh để chứa các loại thuốc khác nhau. Ứng dụng máy bay không người lái giúp người dân chủ động được thời gian phun thuốc với khả năng phun thuốc ban đêm, có thể phun trên diện tích rộng, địa hình phức tạp và trên nhiều loại cây trồng.
Không chỉ tập trung ứng dụng số hóa trong lĩnh vực sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, ngành nông nghiệp Thanh Hóa còn nỗ lực đẩy mạnh CĐS trong việc kết nối đưa các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao lên các sàn thương mại điện tử, góp phần nâng cao giá trị sản xuất, thu nhập cho nông dân và các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp.
Có thể nói việc số hóa trong hoạt động sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã góp phần giảm thiểu rủi ro từ biến đổi khí hậu, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, nông dân có thể kết nối trực tiếp với người tiêu dùng… Nhiều doanh nghiệp, HTX, người sản xuất có thể tìm kiếm đối tác, ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với nhiều thị trường không hạn chế về khoảng cách.
Bài và ảnh: Chi Phạm