Chuyến thăm diễn ra chưa đầy 3 tuần sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin có bài phát biểu chỉ trích Trung Quốc tại Đối thoại Shangri-La vừa qua. Trong bài phát biểu sau đó cũng tại Đối thoại Shangri-La, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc đã đáp trả phía Mỹ bằng nhiều chỉ trích nặng nề. Trước khi hội nghị diễn ra, Bắc Kinh đã từ chối đề nghị của Washington về việc bộ trưởng quốc phòng hai bên sẽ có cuộc thảo luận bên lề sự kiện.
Không những vậy, một số sự cố giữa quân đội hai nước đã xảy ra cả trên không lẫn trên biển gần đây, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho hòa bình, ổn định ở khu vực. Những năm qua, quan hệ Mỹ – Trung ngày càng xấu đi với nhiều bất đồng về vấn đề Biển Đông, Đài Loan và cả chiến sự Ukraine. Xung đột thương mại giữa hai bên cũng tăng cao và chưa có điểm dừng.
Giữa bối cảnh như vậy, liệu chuyến thăm của Ngoại trưởng Blinken đến Trung Quốc lần này có đủ sức “hạ hỏa” căng thẳng để hai bên “dĩ hòa vi quý” với nhau? Để trả lời câu hỏi này, một số chuyên gia quốc tế đã đưa ra nhận định khi trả lời phỏng vấn Thanh Niên ngay trước thềm chuyến thăm.
Khó có thể lạc quan
Chính quyền của Tổng thống Joe Biden muốn mở các kênh liên lạc với Trung Quốc nhằm hướng đến các lĩnh vực hai bên có thể hợp tác và tránh xung đột ngoài ý muốn. Nhưng khó có thể lạc quan khi ông Tần Cương, Ngoại trưởng Trung Quốc, vẫn đổ lỗi cho Mỹ là nguyên nhân gây ra mọi vấn đề. Tôi nghĩ rằng hầu hết các nước láng giềng của Trung Quốc muốn thấy một cách tiếp cận mang tính xây dựng và thực tế hơn đối với ngoại giao Mỹ – Trung.
TS Patrick M.Cronin (Chủ tịch về an ninh châu Á – Thái Bình Dương, Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ)
Mở ra cơ hội
Chuyến thăm tạo cơ hội để hai bên giảm bớt căng thẳng. Mặc dù có rất ít khả năng đạt được bước đột phá, nhưng việc thiết lập lại liên lạc sẽ mở ra cơ hội cho việc trao đổi quan điểm rõ ràng hơn và hướng đến các cuộc đàm phán làm giảm căng thẳng.
TS Timothy R.Heath (chuyên gia nghiên cứu cấp cao, Tổ chức RAND, Mỹ)
Có thể có nhượng bộ nhỏ
Việc Ngoại trưởng Blinken thăm Trung Quốc là một nỗ lực khác nhằm ổn định quan hệ song phương đang suy giảm. Ban đầu, chuyến thăm dự kiến vào tháng 2 nhưng rồi bị hoãn vô thời hạn sau khi khinh khí cầu Trung Quốc bị phát hiện và bắn hạ ngoài khơi Mỹ.
Lý do là Washington cáo buộc đó là khí cầu do thám.
Hội nghị thượng đỉnh G7 vừa qua tại đã tái khẳng định tình đoàn kết của Mỹ với Nhật Bản, Hàn Quốc, các đồng minh châu Âu và một số đối tác. Nhiều ngụ ý cô lập về mặt ngoại giao đối với Trung Quốc và Nga.
Trung Quốc và Nga đã chống lại động thái của G7 bằng cách sử dụng nhóm BRICS để thách thức phương Tây và khiến USD có lúc đối mặt nhiều lo ngại trong bối cảnh nội bộ chính trị Mỹ bất đồng về giải pháp cho trần nợ công.
Giờ đây, lịch trình ngoại giao của Blinken đã tìm thấy khoảng trống và phù hợp cho một nỗ lực khác và tránh mối quan hệ đi xuống hơn nữa. Nhưng khó có thể mong đợi hai bên đạt được đồng thuận khi Bắc Kinh vừa đưa ra bình luận về Ryukyu (vương quốc độc lập cai trị Okinawa) đã khiến Tokyo bức xúc.
Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng, Mỹ và Trung Quốc có thể sẽ thể hiện những nhượng bộ nhỏ như những thành công lớn. Có thể việc nới lỏng cho phép giao dịch chíp bán dẫn công nghệ thấp với Trung Quốc sẽ là một “món quà lưu niệm” từ Ngoại trưởng Blinken.
GS Yoichiro Sato (chuyên gia về quan hệ quốc tế, Đại học Ritsumeikan châu Á – Thái Bình Dương, Nhật Bản; Học giả cao cấp của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á Yusof Ishak, Singapore)
Tránh leo thang xung đột
Chuyến công du của Ngoại trưởng Blinken lần này là một phần trong nỗ lực của Mỹ nhằm mở ra các cầu nối liên lạc để kiểm soát sự cạnh tranh với Trung Quốc để không leo thang thành xung đột. Phát biểu tại Đối thoại Shangri-La diễn ra đầu tháng 6 tại Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cũng nhấn mạnh ưu tiên này.
Rõ ràng, Trung Quốc sẵn sàng mở lại cầu nối liên lạc với các quan chức kinh tế và ngoại giao của Mỹ, nhưng vẫn không sẵn lòng nói chuyện với các quan chức quốc phòng và quân sự của Mỹ. Thực tế này ẩn chứa nguy hiểm khi tần suất các cuộc chạm trán trên không và trên biển một cách thiếu an toàn giữa hai bên gần đây đã tăng cao.
Ông Gregory Poling (Giám đốc Chương trình Đông Nam Á, Giám đốc Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á – AMTI, Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế – CSIS, Mỹ)
Cơ hội quan trọng
Chuyến thăm này là một cơ hội quan trọng để tìm cách ổn định quan hệ Mỹ – Trung, điều mà Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhất trí là mục tiêu chung khi 2 nhà lãnh đạo gặp nhau bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Indonesia vào tháng 11.2022. Tôi nghĩ rằng kịch bản tốt nhất là chuyến thăm giúp ngăn chặn rủi ro quan hệ hai bên xấu hơn nữa, nhưng để cải thiện quan hệ là điều khó xảy ra.
Cả hai bên nên tận dụng cơ hội này để làm rõ ý định của mình, giải quyết những bất đồng và truyền đạt mối quan tâm của mình. Tuy nhiên, tôi không kỳ vọng kết quả đột phá nào, nhưng có thể hai bên sẽ bổ sung thêm cam kết với nhau ở các chuyến thăm viếng tiếp theo, chẳng hạn Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen hoặc Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về biến đổi khí hậu John Kerry tới Bắc Kinh.
Bà Bonnie S.Glaser (Giám đốc Chương trình Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, Quỹ Marshall Đức tại Mỹ)