Mới đây, UBND H.Cam Lâm (Khánh Hòa) có văn bản thông báo về việc tạm dừng việc tiếp nhận, dừng giải quyết hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn.
Theo thông báo trên thì việc dừng giải quyết hồ sơ này là chưa có thời hạn chỉ “Đến khi đảm bảo sự đồng bộ với các bản đồ quy hoạch đã được phê duyệt hoặc có văn bản chỉ đạo của cấp có thẩm quyền”.
Tuy nhiên, việc này đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều, các luật sư (LS) chỉ ra rằng, việc ra thông báo tạm dừng việc tiếp nhận, dừng giải quyết hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng đất của UBND H.Cam Lâm là không đúng quy định pháp luật, khiến quyền lợi của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Đẩy cái khó về phía người dân
Theo LS Nguyễn Hồng Hà (Đoàn LS tỉnh Khánh Hòa), luật Đất đai 2013 và các nghị định hướng dẫn thi hành luật Đất đai thì người sử dụng đất được thực hiện các quyền của của mình khi đáp ứng đủ điều kiện và trình tự, thủ tục được quy định tại luật Đất đai 2013 và các Nghị định hướng dẫn thi hành.
Cụ thể, luật Đất đai 2013 và các Nghị định hướng dẫn không có quy định về tạm dừng tiếp nhận, dừng giải quyết các thủ tục liên quan đến việc thực hiện quyền của người sử dụng đất. Tiếp nhận các yêu cầu của người sử dụng đất là trách nhiệm của cơ quan chức năng, còn việc giải quyết hay từ chối yêu cầu cụ thể của người sử đất phải căn cứ vào luật và nghị định hướng dẫn thi hành.
“Thông báo của UBND H.Cam Lâm không phải văn bản quy phạm pháp luật, đây chỉ là văn bản hành chính thông thường nhưng có nội dung yêu cầu tạm dừng thực hiện quyền của người sử dụng đất là có nội dung hạn chế quyền của người sử dụng đất. Vô hình chung văn bản hành chính của UBND cấp huyện làm ngừng hiệu lực hệ thống pháp luật đất đai 2013 các Nghị định của Chính phủ liên quan”, LS Hà khẳng định.
Cùng quan điểm LS Trần Minh Cường, Giám đốc Công ty Luật TMC Lawyers (TP.HCM), cho rằng việc lập và phê duyệt quy hoạch là việc của các cơ quan nhà nước có liên quan và nếu có thiếu sót thì từ cơ quan chức năng chứ không phải đẩy phần khó về phía người dân.
LS Cường phân tích, theo luật Đất đai thì cho phép người sử dụng đất thực hiện đầy đủ các quyền của mình. Khi cơ quan hành chính cấp huyện ban hành thông báo dừng việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân, về nguyên tắc việc này là không đúng với các quy định pháp luật có liên quan, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người dân.
“Về góc độ chuyên môn, thông báo này không phù hợp với các quy định pháp luật có liên quan, bởi vì chúng ta phải xác định lỗi không phải từ phía người dân mà từ các cơ quan chức năng trong quá trình lập, phê duyệt quy hoạch. Về việc này các cơ quan chức năng phải giải quyết không để ách tắc hồ sơ, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân”, LS Cường nói.
UBND H.Cam Lâm nói gì?
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Ngô Văn Bảo, Chủ tịch UBND H.Cam Lâm, cho biết việc ban hành văn bản thông báo trên thì các cơ quan tham mưu của huyện cũng đã cân đo, xem xét kỹ. Quy hoạch sử dụng đất của huyện đến năm 2030 và Kế hoạch sử dụng đất năm 2023 của H.Cam Lâm đã được UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất thì đòi hỏi phải phù hợp, trong khi đó quy hoạch, kế hoạch trên chưa được cụ thể, chưa chính xác, chưa đồng bộ nên gây nhiều vướng mắc. Chính vì thế UBND huyện mới có thông báo về việc tạm dừng việc tiếp nhận, dừng giải quyết hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn. “Quy hoạch tỉnh thì đã có rồi nhưng các cơ quan chuyên môn chưa cụ thể được nên chưa đồng bộ được. Đến khi nào đồng bộ thì sẽ tiếp tục cho chuyển đổi chứ không phải dừng hẳn việc này”, ông Bảo nói.
Theo thông báo của UBND H.Cam Lâm về việc tạm dừng việc tiếp nhận, dừng giải quyết hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn thì quy hoạch sử dụng đất của huyện đến năm 2030 và kế hoạch sử dụng đất năm 2023 của H.Cam Lâm đã được UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt.
Tuy nhiên, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên chưa có sự thống nhất với Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Nguyên nhân là do thời điểm lập quy hoạch sử dụng đất chưa có định hướng phát triển H.Cam Lâm thành đô thị sẵn bay hiện đại, sinh thái, đẳng cấp quốc tế theo tinh thần Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đồng thời, căn cứ khoản 4, điều 11, Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15.5.2014 của Chính phủ (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 9, điều 1 Nghị định số 148/2020/NĐ-CP ngày 18.12.2020 của Chính phủ) quy định: “Sau khi quy hoạch tỉnh được phê duyệt, nếu quy hoạch sử dụng đất cấp huyện có mâu thuẫn với quy hoạch tỉnh thì phải điều chỉnh cho phù hợp”.
Căn cứ khoản 3, điều 4, luật Quy hoạch ngày 24.11.2017 quy định về nguyên tắc cơ bản trong hoạt động quy hoạch, cụ thể: “Bảo đảm sự tuân thủ, tỉnh liên tục, kế thừa. ổn định, thứ bậc trong hệ thống quy hoạch quốc gia”.
Đại diện Sở TN-MT Khánh Hòa cho rằng, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân theo luật quy định thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện quyết định. “Về lý do vì sao dừng chuyển mục đích sử dụng đất thì UBND H.Cam Lâm có trách nhiệm trả lời. Còn ở góc độ của Sở TN-MT khi nào tỉnh chỉ đạo thì mới can thiệp về góc độ chuyên môn”, vị này nói.
Tháng 9.2022, UBND TP.Nha Trang cũng có văn bản tạm dừng tách thửa để ngăn chặn tình trạng hiến đất mở đường, phân lô xẻ nền trái phép.
Tuy nhiên, văn bản này đã nhận nhiều phản ứng của người dân, sau đó Chủ tịch UBND TP.Nha Trang Nguyễn Sỹ Khánh đã có thông báo đề nghị Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai Nha Trang cân nhắc việc giải quyết tách thửa theo thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật và đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, không để xảy ra trường hợp phân lô bán nền sai quy định.