Bộ Tài chính mới đây đã gửi dự thảo Kế hoạch giám sát tài chính năm 2023 đối với các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và doanh nghiệp có vốn Nhà nước do Bộ đại diện tới cơ quan quản lý để lấy ý kiến.
Theo đó, Bộ Tài chính dự kiến thực hiện giám sát tài chính đối với 5 doanh nghiệp gồm: Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC); Công ty TNHH Xổ số Điện toán Việt Nam (Vietlott); Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam (VNX); Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (VSDC); Tập đoàn Bảo Việt (BVH).
Phương thức thực hiện gồm: Giám sát trực tiếp (kiểm tra trực tiếp tại doanh nghiệp) và giám sát gián tiếp (theo dõi và kiểm tra tình hình của doanh nghiệp thông qua các báo cáo tài chính, thống kê và báo cáo khác theo quy định của pháp luật và của cơ quan đại diện chủ sở hữu).
Cụ thể, Bộ Tài chính sẽ giám sát việc bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; quản lý, sử dụng vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp. Trong đó, có hoạt động đầu tư vốn đối với các dự án đầu tư; hoạt động đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp; tình hình huy động vốn và sử dụng vốn huy động, phát hành trái phiếu; tình hình quản lý tài sản, quản lý nợ tại doanh nghiệp, khả năng thanh toán nợ của doanh nghiệp, hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu; tình hình lưu chuyển tiền tệ của doanh nghiệp.
Đồng thời, Bộ Tài chính cũng giám sát hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp như giám sát việc thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh, thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước.
Cùng với đó, giám sát việc chấp hành pháp luật về đầu tư, quản lý và sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp; cơ cấu lại vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, cơ cấu lại vốn của doanh nghiệp đầu tư tại công ty con, công ty liên kết; việc thực hiện chế độ tiền lương, thù lao, tiền thưởng, phụ cấp trách nhiệm và quyền lợi khác đối với người lao động, người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp theo quy định của Bộ Luật lao động.
Đáng chú ý, việc thực hiện các phương án mua, bán, xử lý nợ, tái cơ cấu doanh nghiệp có thời gian thu hồi nợ kéo dài (thời gian thực hiện vào quý III) của DATC sẽ được giám sát theo phương thức trực tiếp.
Ngoài ra, cơ quan quản lý sẽ kiểm tra chuyên đề tại VSDC (thời gian thực hiện vào quý IV) theo hình thức trực tiếp. Với Tập đoàn Bảo Việt, ngoài nội dung về bảo toàn, quản lý, sử dụng, cơ cấu lại vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Tài chính sẽ giám sát thêm việc thu cổ tức được chia từ doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh.