18/06/2023 13:32
Gần ba mươi năm làm báo, tôi đến nhiều thôn làng vùng đồng bào DTTS và đã lưu lại được rất nhiều kỷ niệm không thể nào quên.
Tôi đến Kon Tum lập nghiệp bằng nghề viết báo từ những năm 90 của thế kỷ trước. Ngày đó, Kon Tum còn hoang sơ và nghèo khó, nên mỗi lần đi về cơ sở, tôi phải kết hợp đi theo xe ô tô của các cơ quan trong tỉnh và thường phải đi từ 2 ngày trở lên để nắm bắt thông tin viết bài, đưa tin.
Vất vả là thế, nhưng với sức trẻ và lòng đam mê nghề nghiệp, tôi càng đi càng yêu quê hương và tấm lòng người dân Kon Tum. Trong đó, đáng nhớ nhất là tấm lòng thơm thảo, thủy chung của bà con DTTS luôn gần gũi thân thương, tạo mọi điều kiện để tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ thiêng liêng của một người cầm bút là phản ánh trung thực và sinh động cuộc sống của người dân với muôn vàn sắc màu phong phú.
Nhớ một lần vào cuối năm 1996, tôi cùng đoàn công tác của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về với xã Đăk Ring, huyện Kon Plông để kiểm tra công tác quản lý, bảo vệ rừng đầu nguồn công trình thủy điện Thạch Nham. Chuyến công tác cả đi lẫn về 8 ngày, chúng tôi phải băng đèo, lội suối suốt cả ngày, thậm chí làm lán ngủ lại giữa rừng sâu, bắt cá ở các con suối để cải thiện bữa ăn, nhưng trong lòng ai nấy đều phơi phới. Đặc biệt, tình cảm của bà con DTTS ở đây đã để lại nhiều ấn tượng mà đến nay tôi không thể nào quên.
|
Thời đó, xã Đăk Ring chưa có điện thắp sáng. Giữa rừng già quạnh hiu và lạnh lẽo, chỉ có đốm lửa xà nu thắp sáng và xua tan đi cái rét mùa đông, chúng tôi ngồi bên ánh lửa bập bùng nghe các già làng kể chuyện. Những câu chuyện ngày xưa, ngày nay đan xen lẫn nhau vào trong lời kể, toát lên những khát vọng bà con nơi rừng sâu núi thẳm. Đó là ao ước của bà con về những con đường nối phố với rừng, nông thôn với thành thị… để một ngày không xa nối những nhịp cầu hạnh phúc, ấm no. Sau chuyến công tác này, tôi đã có tác phẩm “Nhật ký tám ngày ở rừng” dài kỳ đăng trên Báo Kon Tum mang đầy hơi thở của núi rừng Tây Nguyên đến với bạn đọc.
Thú vị hơn là chuyến công tác cùng đoàn cán bộ Sở Xây dựng về xã Măng Xăng, huyện Đăk Tô (nay tách thành 2 xã: Tê Xăng và Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông) theo Nghị quyết số 01-NQ/TU, ngày 25/5/1996 của Tỉnh ủy “về việc tiếp tục xây dựng các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng kinh tế mới khó khăn” vào khoảng năm 2000. Lúc bấy giờ, đoàn chúng tôi đi xe ô tô tải vào xã Măng Xăng nhưng phải mất cả ngày đường mới tới được trung tâm xã. Hầu như ở đây quanh năm là mùa mưa, nên đường rừng luôn lầy lội và tạo thành rãnh ôm lấy hai bánh xe. Bác tài xế cứ việc nổ máy và ghì chặt vô lăng là xe chạy trượt theo đường rãnh nước an toàn.
Lần đó, tôi cùng đoàn công tác cả đi lẫn về là ba ngày. Đêm ngủ lại nhà rông của xã, chúng tôi được già làng kể về một thời khốn khó, thiếu thốn đủ bề, nhưng tấm lòng thủy chung của người dân nơi đây vẫn luôn hướng về với cách mạng. Đặc biệt, hình ảnh Bác Hồ luôn khắc ghi trong trái tim của bà con. Từ chuyến công tác này, tôi có tác phẩm “Măng Xăng mùa hoa cúc quỳ”, được đông đảo bạn đọc Báo Kon Tum và bạn nghe Đài Tiếng nói Việt Nam yêu thích.
Cách đây gần chục năm, khoảng năm 2015, tôi cùng phóng viên Báo Văn hóa đến xã Đăk Choong, huyện Đăk Glei để viết bài về Ngục Đăk Glei. Đi xe máy cà tàng vào đến nơi thì trời đã quá trưa. Trong quá trình vào ngục, chúng tôi vừa đi vừa bắt chuyện với bà con DTTS đi làm rẫy, ai nấy đều vui vẻ chỉ đường và luôn tự hào về Di tích lịch sử Ngục Đăk Glei, về sự gắn bó thủy chung của người dân Đăk Glei với cách mạng.
Khi đến Ngục Đăk Glei, chúng tôi được anh bảo vệ vui vẻ đưa chúng tôi đi thăm thú khắp các công trình, từ chuồng cọp giam cầm chiến sĩ cách mạng, đến lô cốt canh gác của lính Pháp với những dây thép gai chằng chịt nhiều tầng lớp bao quanh Ngục cho thấy sự hà khắc của chế độ nhà tù thực dân Pháp. Sau chuyến đi này, tôi có tác phẩm “Ngục Đăk Glei-cần tôn tạo để xứng tầm lịch sử” đăng trên Báo Kon Tum với tấm lòng biết ơn sự hy sinh của các bậc tiền bối cho sự nghiệp của cách mạng.
Còn rất nhiều chuyến đi công tác về với vùng xa, nơi phần lớn bà con DTTS sinh sống. Ở đâu, bà con cũng nói lên những ước vọng chính đáng của mình, nhất là mong muốn Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng các công trình dân sinh. Đáng mừng là sau gần ba mươi năm kiến thiết quê hương, đến nay, tất cả các con đường đến trung tâm các xã vùng xa của tỉnh đã được “nhựa hóa”; các vùng trọng điểm phát triển về trồng cây dược liệu, cây cà phê xứ lạnh, chăn nuôi đại gia súc đã được triển khai. Theo đó, cuộc sống của đồng bào DTTS ở vùng xa của tỉnh được đổi thay từng ngày.
Nhớ lại một thời được đi và viết về cuộc sống của người dân ở các xã vùng xa của tỉnh, chúng tôi càng tự hào về nghề cầm bút. Càng vất vả gian lao, chúng tôi càng trân quý những chuyến đi và những tác phẩm mang “hơi thở cuộc sống”, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển địa phương.
Vĩnh Hà