Bất chấp sự suy giảm của dòng vốn đầu tư toàn cầu vào năm 2022, khu vực tư nhân của ngành kinh tế vũ trụ vẫn có những bước đi vững chắc nhờ vào các công nghệ mang tính đột phá như tên lửa có khả năng tái sử dụng và vệ tinh giá rẻ.
Theo một báo cáo của Citigroup, đến năm 2040, nền kinh tế vũ trụ có thể đạt giá trị lên đến nghìn tỷ USD.
Một công ty khởi nghiệp có trụ sở tại California, Varda Space Industries đang đặt cược vào tương lai ấy. Táo bạo hơn, Varda chọn cách tiếp cận với vũ trụ bằng cách phóng lên một “nhà máy”, với tham vọng thu được lợi nhuận khổng lồ từ việc tạo ra những loại thuốc tốt và hiệu quả hơn.
Tham vọng lớn
Theo CNN, trong nhiệm vụ Transporter-8 của SpaceX hôm 13/6, vệ tinh của Varda đã tách thành công khỏi tên lửa.
Trên tên lửa, nằm giữa một loạt các vệ tinh khác, là sáng tạo đầu tiên của công ty với một khoang nghiên cứu nặng 90 kg được thiết kế để mang những nghiên cứu thuốc của hãng vào môi trường vi trọng lực.
“Khi nói đến thương mại hóa vũ trụ, đây không phải là một câu chuyện hấp dẫn về lợi ích con người như du lịch. Nhưng canh bạc mà chúng tôi đang thực hiện tại Varda là sản xuất thực sự, ngành công nghiệp lớn tiếp theo sẽ được thương mại hóa”, Will Bruey, CEO và đồng sáng lập của Varda cho biết.
Nếu xét tiêu chuẩn của ngành vũ trụ, con đường đến bệ phóng của Varda diễn ra cực kỳ nhanh chóng.
Được thành lập cách đây chưa đầy 3 năm, Varda đã đi từ một ý tưởng còn non trẻ để trở thành một công ty thu hút được 100 triệu USD tài trợ, một nhà máy rộng hơn 6.300 m2 và còn sở hữu một vệ tinh trong không gian. Ngoài ra, nhân sự của Varda cũng đã tăng lên gần 100 nhân viên.
Một điểm thuận lợi lớn của Varda là họ không phải thiết kế bất kỳ bước nào của quy trình phóng, từ khởi động đến hạ cánh từ đầu. Thay vào đó, startup này sẽ nhờ vào những nhà cung cấp dịch vụ phóng tên lửa không gian đang ngày càng nở rộ như SpaceX và Rocket Lab.
Bruey cũng đóng một vai trò trong sự tiến bộ đó. Ông đã dành khoảng 6 năm tại SpaceX và từng làm việc trên tàu vũ trụ Dragon của SpaceX, hiện được dùng để đưa phi hành đoàn, tiếp tế, vận chuyển hàng hóa đến Trạm vũ trụ quốc tế và trở về.
Delian Asparouhov, người đồng sáng lập và chủ tịch của Varda, cho rằng kinh nghiệm của Bruey là lý do khiến ông phải bằng mọi cách tiếp cận để thành lập startup này.
Bước đột phá của y học
Asparouhov cho biết Varda đã chi khoảng 40 triệu USD cho việc phát triển. Ngay cả khi sứ mệnh này thất bại, startup này vẫn có đủ tiền mặt để tài trợ cho ít nhất 4 nhiệm vụ.
Cả Bruey và Asparouhov cho biết họ hy vọng sẽ không mất nhiều thời gian hơn thế để tìm ra cách làm cho công nghệ của Varda hoạt động.
“Tôi nghĩ nếu chúng tôi không có một sứ mệnh thành công trong 4 nhiệm vụ đầu tiên, thì thành thật mà nói, chúng tôi không xứng đáng có một công ty vũ trụ nữa”, Bruey nói.
Tầm nhìn của Varda rất đơn giản, đó là khoang nghiên cứu của công ty sẽ ra mắt dựa theo một thử nghiệm đã có sẵn.
Khi ở trong quỹ đạo, khoang nghiên cứu tách ra và bắt đầu bay trong không gian trong khi vẫn gắn liền cấu trúc cung cấp năng lượng, lực đẩy và liên lạc cần thiết để định vị trong chân không vũ trụ.
Sau đó, thí nghiệm bắt đầu và được thực hiện bởi máy móc được tích hợp sẵn trong khoang. Được biết, nhiệm vụ của nhà máy này sẽ là tạo ra các thành phần chính của dược phẩm, dưới điều kiện vi trọng lực.
Trong môi trường có không trọng lực này, những thí nghiệm như vậy sẽ không bị tác động bởi lực hút của Trái Đất.
CNN trích dẫn một nghiên cứu đã chứng minh rằng các tinh thể protein phát triển trong không gian có thể tạo thành cấu trúc hoàn hảo hơn so với trên Trái Đất.
Những tinh thể hình thành trong không gian này sau đó có thể được sử dụng để tạo ra các loại dược phẩm mà cơ thể con người có thể dễ dàng hấp thụ hơn.
Nói một cách dễ hiểu, canh bạc của Varda nếu thành công sẽ là bước đột phá lớn của y học, tạo ra các loại thuốc có hiệu quả vượt trội.
Một ví dụ quan trọng có thể kể đến từ nghiên cứu Merck, được thực hiện trên trạm vũ trụ quốc tế ISS với hoạt chất pembrolizumab được sử dụng trong thuốc điều trị ung thư Keytruda.
Trong thí nghiệm này, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng việc sử dụng các tinh thể được hình thành trong không gian, có thể tạo ra một loại thuốc ổn định hơn. Thay vì tiêm tĩnh mạch tốn thời gian, ở nghiên cứu Merck, thuốc có thể được dùng bằng cách tiêm thẳng.
Nhiệm vụ đầu tiên của Varda sẽ tập trung vào nghiên cứu xung quanh ritonavir, một loại thuốc thường được sử dụng để điều trị HIV nhưng gần đây đã được đưa vào thuốc kháng virus Paxlovid trong điều trị Covid-19.
Sau khi thử nghiệm của Varda kết thúc, các kỹ sư trên mặt đất sẽ đánh giá xem liệu khoang nghiên cứu đã sẵn sàng để quay trở lại mặt đất hay chưa. Nếu được thông qua, khoang nghiên cứu sẽ trở về Trái Đất thông qua thiết bị vệ tinh.
Sau đó, “nhà máy” của Varda sẽ lao thẳng vào bầu khí quyển của Trái Đất và hạ cánh bằng dù để thu hồi dược phẩm.
Ban đầu, tầm nhìn của Asparouhov rộng hơn nhiều so với ngành dược. Mục tiêu của Asparouhov nhắm đến các sản phẩm khác, như sợi quang học và chất bán dẫn có thể được sản xuất trong không gian, mang lại những vật liệu chất lượng tốt hơn so với những sản phẩm được sản xuất trên mặt đất.
Bên cạnh việc cải tiến, Varda cũng sẽ tìm kiếm thêm các loại thuốc trong quá trình phát triển nếu chúng chưa có trên thị trường.
Theo Asparouhov, các thỏa thuận của Varda với các công ty dược phẩm sẽ dựa trên việc nhận tiền bản quyền trong tương lai. Nếu nghiên cứu của Varda mang lại kết quả tốt hơn, công ty có thể thu tiền từ việc bán loại thuốc đó vô thời hạn.
Tuy nhiên, nhiệm vụ này không hề đơn giản. Varda sẽ cần chứng minh robot của họ có thể thực hiện những thí nghiệm này từ xa, đồng thời phải “sống sót” sau lực giật mạnh từ vụ phóng tên lửa.
Việc trở về nhà cũng “nhà máy” này cũng khó khăn không kém. Việc quay trở lại bầu khí quyển của Trái Đất, với tốc độ khoảng 28.968 km/h sẽ tạo ra nhiệt lượng cực lớn và tích tụ plasma. Đây cũng được coi là chặng nguy hiểm nhất trong bất kỳ hành trình nào vào vũ trụ.
(Nguồn: Zing News)
Bổ ích
Xúc động
Sáng tạo
Độc đáo