Trước tình hình này, nhiều công ty có xu hướng dịch chuyển hoạt động kinh doanh và sản xuất “về gần” hơn và quay lưng lại với các cường quốc sản xuất như Trung Quốc.
Dây chuyền lắp ráp ô tô tại một nhà máy ở Hợp Phì, tỉnh An Huy, Trung Quốc ngày 28/8/2022. Ảnh: THX/TTXVN
Xu hướng dịch chuyển
Một số ngân hàng đã đề cập đến xu hướng sản xuất trong nước trong báo cáo kinh doanh quý gần đây nhất. Trong một đánh giá, Bank of America cho biết trong quý I/2023 các đề cập đến việc dịch chuyển sản xuất “về gần” trong các cuộc họp báo về kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp có cổ phiếu niêm yết trong chỉ số S&P 500 đã tăng 128% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo khảo sát của UBS đối với hơn 1.600 giám đốc điều hành, nhiều nhà quản lý cấp cao trong các lĩnh vực khác nhau có ý định chuyển các bộ phận trong chuỗi cung ứng về gần quê hương hơn. Khoảng 78% lãnh đạo doanh nghiệp tại châu Âu, 70% lãnh đạo doanh nghiệp tại Mỹ và 54% lãnh đạo doanh nghiệp tại Trung Quốc có kế hoạch tương tự.
Ông Ryan Grabinski, Giám đốc điều hành của công ty tư vấn Strategas Securities, cho biết xu hướng trên hoàn toàn không được nhắc đến trong suốt những năm 2010 khi lạm phát thấp và quá trình toàn cầu hóa và chuỗi cung ứng phát triển mạnh mẽ.
Hiện nay, Mỹ đang thúc đẩy các chương trình ưu đãi cho sản xuất chip máy tính và linh kiện xe điện sản xuất nội địa, trong khi Liên minh châu Âu đã công bố gói tài chính 43 tỷ euro (46 tỷ USD) để thúc đẩy sản xuất chip trong khối.
Sản xuất tại Mỹ
Theo nhóm vận động hành lang Reshoring Initiative, các công ty Mỹ sẽ tuyển dụng lượng lao động kỷ lục trong lĩnh vực sản xuất. Năm 2022, đã có khoảng 360.000 thông báo tuyển dụng việc làm, tăng 53% so với năm 2021. Các nhà sản xuất thiết bị điện là đơn vị tuyển dụng nhiều nhất, tiếp theo là các nhà sản xuất sản phẩm máy tính bao gồm cả chip.
Dây chuyền sản xuất xe ô tô điện tại nhà máy của hãng General Motors ở Detroit, Michigan, Mỹ. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Tháng 8/2022, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký Đạo luật Giảm lạm phát và cung cấp các khoản tín dụng thuế cho xe điện (EV). Hồi tháng Hai, Chính phủ Mỹ cho biết họ muốn có 500.000 trạm sạc xe điện công cộng trên đường cao tốc vào năm 2030.
Ngày 8/5, tỷ phú Elon Musk đã cho động thổ nhà máy lọc lithium của Tesla ở Corpus Christi, Texas và cho biết doanh nghiệp này đặt mục tiêu sản xuất đủ lithium để sản xuất 1 triệu xe điện mỗi năm.
Trong khi đó, lithium hydroxit, thành phần chính của pin EV, hầu hết được sản xuất tại Trung Quốc. Ông Keith Phillips, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của công ty khai khoáng Piedmont Lithium của Mỹ, cho biết, những nỗ lực trên của Chính phủ Mỹ nhằm mang lại lợi ích cho các nhà cung cấp trong nước. Theo ông Phillips, để xây dựng một nền kinh tế dựa trên điện khí hóa và pin, điều thực sự quan trọng là phải kiểm soát chuỗi cung ứng của chính nước Mỹ.
Dự kiến, cơ sở sản xuất của Piedmont ở Tennessee sẽ sản xuất 30.000 tấn lithium hydroxit mỗi năm – gấp đôi công suất hiện tại ở Mỹ. Ông Phillips cho biết sẽ “mất thời gian” để Mỹ có thể tự cung tự cấp trong sản xuất lithium hydroxit và lưu ý cần phải khai thác thêm lithium thô.
Xu hướng tại Anh
Người dân mua hàng tại siêu thị ở London, Anh. Ảnh (tư liệu) minh họa: AFP/TTXVN
Tại Anh, 40% các nhà sản xuất tham gia cuộc khảo sát của nhóm Make UK cho biết trong năm qua họ đã tìm nguồn cung ứng nhiều hàng hóa trong nước hơn và cũng có kế hoạch tương tự cho năm tới. Make UK đã khảo sát 137 doanh nghiệp trong tháng Một và tháng Hai.
Theo khảo sát của Make UK, mặc dù sản xuất hàng hóa gần điểm bán hàng có thể làm giảm chi phí, nhưng lý do chính khiến doanh nghiệp tìm nguồn cung ứng nội địa là để tránh nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng trong dài hạn do các vấn đề như đại dịch COVID-19 và xung đột Nga-Ukraine. Đối với nhà sản xuất thiết bị âm thanh BishopSound của Anh, việc chuyển một số chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang Yorkshire ở miền Bắc nước Anh đã giúp cải thiện dòng tiền khi số lượng đặt hàng tối thiểu trong nước thấp hơn.
Andrew Bishop, người sáng lập BishopSound, cho biết công ty này đang sản xuất tất cả các sản phẩm loa tại miền Bắc nước Anh và sử dụng tối đa các linh kiện do Anh sản xuất, đồng thời ngừng nhập khẩu loa gỗ thành phẩm vào tháng 1/2022. Trước đây, BishopSound từng nhập khẩu loa thành phẩm từ Trung Quốc.
Theo Bishop, việc sản xuất trong nước đem lại nhiều lợi ích như giảm khả năng sản phẩm bị sao chép, cải thiện kiểm soát chất lượng và giảm thiểu tác động đến môi trường.
Vấn đề của ngành dệt may
Theo các chuyên gia, mô hình sản xuất hàng may mặc ở nước ngoài và vận chuyển đến nơi bán đã bị phá vỡ.
Bill McRaith, cựu Giám đốc chuỗi cung ứng của PVH, sở hữu thương hiệu Tommy Hilfiger, cho biết ngành dệt may đối mặt với cả hai vấn đề: lượng đơn đặt hàng quá nhiều hoặc quá ít. Ông McRaith nhấn mạnh quá nhiều hàng tồn kho sẽ dẫn đến việc thanh lý hàng hóa, trong khi có quá ít hàng sẽ dẫn tới thua lỗ.
Theo ông McRaith, mô hình sản xuất mà ngành thời trang đã sử dụng trong 30 năm qua không còn phù hợp cho thời điểm hiện nay. Giải pháp cho vấn đề này là tạo ra một “mạng lưới cung ứng”, trong đó một số hàng hóa tiếp tục có nguồn gốc từ nước ngoài, một số khác được mua từ các nước láng giềng và một phần ba được sản xuất gần nơi tiêu thụ. Điều này có thể làm giảm các tác động tiêu cực về tài chính và môi trường.