Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra vụ án vi phạm đấu thầu và hối lộ xảy ra tại Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ninh và một số đơn vị liên quan.
Ngoài hành vi vi phạm đấu thầu gây thiệt hại hơn 80 tỉ đồng, cơ quan điều tra còn xác định bị can Hoàng Thị Thúy Nga, Chủ tịch Công ty NSJ, chi tới hơn 30 tỉ đồng để cảm ơn 3 cựu quan chức Sở GD-ĐT Quảng Ninh, gồm Vũ Liên Oanh, cựu Giám đốc; Ngô Vui, cựu Trưởng phòng Kế hoạch – Tài chính; Hà Huy Long, cựu Phó trưởng phòng Kế hoạch – Tài chính.
Điều đáng nói, việc đưa, nhận tiền đã được làm rõ ngay trong lần kết luận điều tra đầu tiên, tháng 2.2023. Nhưng khi ấy, 4 bị can chỉ bị đề nghị truy tố tội vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Tháng 4.2023, Viện KSND tối cao ra quyết định trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung 3 nội dung, trong đó củng cố hồ sơ, xem xét khởi tố nhóm này về tội đưa và nhận hối lộ. Hai tháng sau, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố bổ sung; đến nay đề nghị truy tố 4 bị can thêm tội danh mới: bà Nga tội đưa hối lộ, bà Oanh cùng ông Vui và ông Long tội nhận hối lộ.
Người nhận tiền nói có, người đưa tiền bảo không
Theo kết luận, từ năm 2016 – 2019, bị can Hoàng Thị Thúy Nga nhiều lần đưa hối lộ cho bị can Vũ Liên Oanh 14 tỉ đồng, bị can Ngô Vui 14,8 tỉ đồng, bị can Hà Huy Long 1,855 tỉ đồng. Việc đưa tiền thường diễn ra vào dịp cuối năm, khi các gói thầu đã được Công ty NSJ thâu tóm trót lọt.
Thống kê cho thấy, hành vi đưa, nhận hối lộ phần lớn diễn ra ngay tại phòng làm việc của các cựu quan chức ngành giáo dục tỉnh Quảng Ninh. Sai phạm kéo dài trong nhiều năm, từ khi còn đương chức cho đến cả lúc đã về hưu, điển hình như cựu Giám đốc sở Vũ Liên Oanh.
Có một điều kỳ lạ trong vụ án này, thể hiện xuyên suốt từ bản kết luận điều tra lần đầu cho đến bản kết luận điều tra bổ sung vừa được ban hành. Đó là sự mâu thuẫn về lời khai giữa nhóm bị can nhận tiền và bị can đưa tiền.
Ba bị can Oanh, Vui và Long đều thừa nhận hành vi nhận tiền từ bị can Nga. Trong đó, bà Oanh nhận 4 lần, tổng cộng 14 tỉ đồng; ông Vui nhận 5 lần, tổng cộng 14,8 tỉ đồng; ông Long nhận 5 lần với tổng cộng 1,855 tỉ đồng. Đến nay, 2 bị can Vui và Long đã nộp lại toàn bộ số tiền hưởng lợi bất chính, bị can Oanh cũng có nguyện vọng nộp lại nhưng gia đình chưa thực hiện.
Thông thường, trong các vụ án hối lộ, nếu có việc không thừa nhận hành vi thì phần nhiều xảy ra ở người bị cáo buộc nhận tiền. Nhưng vụ án tại Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ninh thì ngược lại. Trong khi nhóm cựu cán bộ đều nhận tội thì người bị cáo buộc đưa hối lộ là bị can Hoàng Thị Thúy Nga lại một mực phủ nhận.
Từ giai đoạn kết luận điều tra lần đầu đến kết luận điều tra bổ sung, Chủ tịch Công ty NSJ vẫn giữ nguyên lời khai, rằng không có chuyện đưa tiền cho 3 bị can Oanh, Vui và Long. 2 bên cũng không hề có sự trao đổi, bàn bạc hay thỏa thuận gì về việc đưa tiền.
Loạt chứng cứ buộc tội nữ chủ tịch
Do bị can Hoàng Thị Thúy Nga không thừa nhận hành vi, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã căn cứ vào lời khai nhận tội của chính những người bị cho là nhận hối lộ, gồm Vũ Liên Oanh, Ngô Vui và Hà Huy Long. Cùng đó là lời khai của những người có liên quan như lái xe và thư ký của bị can Nga, nhân viên Công ty NSJ, con gái bị can Vui…
Đặc biệt, cơ quan điều tra còn xác minh, thu thập tài liệu tại Cục Phòng, chống rửa tiền thuộc Cơ quan thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước. Kết quả kiểm tra dữ liệu từ tài khoản Công ty NSJ cho thấy thời điểm trước tết Nguyên đán từ năm 2016 – 2020 có nhiều khoản tiền lớn được nhân viên công ty làm thủ tục rút tiền, phù hợp với thời gian bị can Nga đi gặp và chi tiền cho các cựu cán bộ Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ninh.
Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng thu giữ sao kê các cuộc gọi điện thoại đi và đến số điện thoại của các bị can. Kết quả rà soát dữ liệu thuê bao di động cho thấy bà Nga nhiều lần có mặt tại TP.Hạ Long (Quảng Ninh) và có liên lạc với các bị can Oanh, Vui, Long; phù hợp với khoảng thời gian 2 bên gặp, đưa tiền cho nhau.
Một căn cứ khác được đề cập, đó là khi tiến hành đối chất, cả 4 bị can đều giữ nguyên lời khai. 3 bị can Oanh, Vui và Long còn vẽ lại sơ đồ xác định vị trí cất tiền, vị trí các túi tiền, vị trí của bị can Nga khi mang tiền tới cảm ơn… Quá trình này đều có sự chứng kiến của luật sư và kiểm sát viên.
Do đó, dù không nhận tội, bà Nga vẫn bị đề nghị truy tố tội đưa hối lộ. Chủ tịch Công ty NSJ cùng cựu Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ninh Vũ Liên Oanh được xác định có vai trò chủ mưu, cầm đầu. Riêng bà Nga “chưa ăn năn hối lỗi, nên cần xem xét xử lý nghiêm để đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa chung”.
Xem nhanh 20h: Thời sự toàn cảnh ngày 17.6
Nữ doanh nhân và hàng loạt đại án về đấu thầu
Ngoài vụ án xảy ra tại Quảng Ninh, Chủ tịch Công ty NSJ Hoàng Thị Thúy Nga còn bị truy cứu trong 3 vụ án khác, đều về tội vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Tại Đồng Nai, bà Nga bị tuyên 12 năm tù, với cáo buộc có sai phạm cùng với bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cựu Chủ tịch Công ty CP Tiến bộ Quốc tế, gây thiệt hại hơn 148 tỉ đồng ở dự án xây dựng Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai.
Tại TP.Cần Thơ, bà Nga bị tuyên 8 năm tù với cáo buộc “móc ngoặc” cùng lãnh đạo Sở Y tế Cần Thơ, gây thiệt hại khoảng 33 tỉ đồng tại 4 gói thầu mua sắm trang thiết bị cho các bệnh viện trên địa bàn.
Tại Tây Ninh, bà Nga bị cáo buộc vi phạm các quy định về bảo đảm tính công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu, gây hậu quả nghiêm trọng. 9 bị can đã bị khởi tố, trong đó có bà Nga và cựu Giám đốc Sở Y tế Tây Ninh Hoa Công Hậu.