Báo Thuận Hải, rồi Bình Thuận đã từ 47 năm là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ và nhân dân của tỉnh, với chặng đường dài gần nửa thế kỷ, thật sự mang nhiều dấu ấn, cung bậc cảm xúc về thời sự, diện mạo phát triển của mảnh đất quê hương.
Có thể tôi nằm trong số anh em được gọi là cộng tác viên (CTV) khá sớm với tấm thẻ do Tổng Biên tập (Báo Thuận Hải) cấp vào năm 1980. Cùng thời, tôi chỉ còn nhớ vài CTV ấn tượng nhất là Trần Hữu Thái, Trương Công Lý… viết về hải sản, nông nghiệp như một cây bút chuyên nghiệp. Số cán bộ biên tập, phóng viên của báo mà tôi có gặp đôi lần hoặc qua tin, bài như các anh Trần Xuân Lộc, Thái Quang Trung, Lưu Quỳnh, Duy Chiến, Phương Đại, Đặng Dũng, Lê Ngọc Khôi, Hà Thanh Tú, Mai Ty, Hồ Lê Thanh, Ngọc Tuấn, Huỳnh Thanh… Tôi chỉ nhớ được chừng đó bút danh ở những năm đầu mà tôi “bén duyên” từ những bản tin ngắn về Hàm Tân với sự mày mò, chỉn chu câu chữ trên trang báo.
Tính theo chiều dài chặng đường Báo Bình Thuận, tôi không ngờ mình là CTV của báo đã 43 năm. Có lẽ với niềm đam mê báo “nhật trình” ở Sài Gòn trước 1975, dù chỉ với danh xưng Thông tín viên, Đặc phái viên ở tỉnh lẻ Bình Tuy cho vài tờ báo có khuynh hướng tiến bộ như Dân Quyền, Điện Tín, Tin Sáng… Trong nhốn nháo báo chí bấy giờ họ khéo vận dụng ngoài những tin tức thời sự vẫn có lắm “chiêu”, lách kiểm duyệt để đạt tôn chỉ riêng của tờ báo mình!
Với sẵn chút đam mê văn chương, tôi lại tập tành với những bài báo bằng sự mày mò, học hỏi mà sau này tôi dễ tiếp cận với yêu cầu, quy ước, đạo đức của báo chí cách mạng Việt Nam. Ngay từ đầu Báo Bình Thuận mở rộng mạng lưới CTV các lĩnh vực và các huyện. Bởi thời kỳ này biên chế phóng viên báo còn ít và phương tiện đi lại khó khăn. Phóng viên về huyện phải đi xe than, mang theo xe đạp và ăn, ngủ ở nhà khách cơ quan… Phóng viên đi viết bài còn có cả phóng viên chụp ảnh, nghĩ lại so với bây giờ tưởng chừng chuyện lạ. Có lúc số lượng tin, bài viết về cơ sở, các ngành của CTV được đăng báo xấp xỉ gần 50%. Khi đó giá nhuận bút mỗi tin bài chỉ 3-5 đồng, bằng giá gói thuốc lá Hoa Mai, Nông Nghiệp… Dần dần đội ngũ phóng viên, biên tập viên báo dày dặn, chuyên nghiệp hơn thì đương nhiên số CTV cũng giảm xuống và luôn biến động. Cho nên anh em CTV thường ví von phóng viên của báo là quân chủ lực đến rồi đi, còn CTV là lính “dân quân” tại chỗ, chỉ được cái là bài viết CTV phản ánh từ thực tế, sự việc cụ thể, khách quan… Đòi hỏi của báo ngày càng cao hơn, CTV bám trụ đa phần phải có khả năng phù hợp với các chuyên trang, tức bài báo không bị nhiều áp lực về tính thời sự. Với báo “Bình Thuận chủ nhật” (khổ 19×27, 36 trang) khoảng những năm 2000 hay “Bình Thuận cuối tuần” 16 trang khổ lớn từ mấy năm nay đã mở rộng diễn đàn của báo về các vấn đề văn hóa, văn nghệ, giáo dục, khoa học kỹ thuật liên quan đến tiềm năng vùng đất, con người Bình Thuận khá phong phú. Với CTV thật sự có được một không gian để góp phần cho tờ báo thêm sắc màu, sinh động.
Tôi nhớ mãi, năm 1997, khi báo triển khai việc thành lập Văn phòng đại diện Báo Bình Thuận tại các huyện, nhằm tập hợp lực lượng CTV viết tin, bài và làm công tác phát hành báo. Huyện Hàm Tân là văn phòng đại diện đầu tiên, rồi lần lượt Bắc Bình, Đức Linh, Tánh Linh… Người đại diện Văn phòng ở huyện phải vừa cung cấp tin, bài, vừa xác minh những vụ việc theo yêu cầu tòa soạn, nhưng phải nhọc nhằn cùng với ngành Bưu điện, Ban Tuyên giáo hỗ trợ, đôn đốc việc phát hành báo Đảng. Nhưng đây là một mô hình hay và phù hợp với tình hình của báo bấy giờ, một phần nào đó CTV là cánh tay nối dài giữa báo với cơ sở. Mặc dù “tư thế” của một CTV phải gặp sự hạn chế trong quá trình tiếp cận, khai thác nguồn tin bởi sự phân biệt “bụt nhà không thiêng”… nhất là những vấn đề ở địa phương.
Hàng năm Văn phòng đại diện báo Hàm Tân – La Gi có họp tổng kết, đánh giá khá bài bản, anh Ngô Văn Tuấn – một thành viên – đã từng phát biểu về tình trạng phát hành báo Bình Thuận trong khối cơ quan Đảng và nhà nước ở huyện vì sao mãi loay hoay với con số 250 tờ/kỳ (năm 2003): “Đành rằng báo Đảng hơi “khô”, ít án tình, án cướp, không có hình ảnh tươi mát. Nhưng biết sao được, bởi đây là tờ báo của Đảng, báo thông tin về chính sách, định hướng về quốc kế, dân sinh. Từ góc phố đường quê, ở mọi góc cạnh cuộc sống diễn ra hàng ngày. Có cái ta biết, có cái ta chưa biết. Hơn ai hết tờ báo Đảng của tỉnh sẽ phản ảnh kịp thời và chính xác” (trên Bình Thuận 20/6/2005). Tình hình phát hành báo phải đảm bảo theo chỉ tiêu. Ở đơn vị xã, phường thời điểm 1996 mỗi tháng chỉ đăng ký mua 3-4 tờ cho lãnh đạo, Mặt trận chỉ khoảng 38.400 đồng nhưng trầy trật với than vãn “không có kinh phí” mới lạ! Huyện ủy phải ra chỉ thị thực hiện Chỉ thị 11-CT-TW (1996) về mua và đọc báo, tạp chí của Đảng.
Tuy vậy hiệu ứng xã hội qua một số bài từ Văn phòng đại diện và CTV được Ban Biên tập báo sử dụng càng cho chúng tôi tự tin hơn mà lẽ thường rất dễ bị từ chối khi coi đó là “nhạy cảm”. Vậy mà đã có nhiều tin, bài dài hơi phản ánh hay từ ý kiến của bạn đọc như: “Những vi phạm của xí nghiệp sa khoáng Hàm Tân” (BTCN-5/11/2001), đã bị phản ứng và công ty này huy động bản danh sách chữ ký cả trăm công nhân kiện tác giả. “Cần sớm chấm dứt tình trạng dự án treo” (2008), “Tiêu cực trong việc bố trí nhà ở cho dân sau lũ”- sau trận lũ 1999, ở xã Tân Bình hay bài “Chuyện như đùa với 213 hộ dân ở Cam Bình” (11/1/2016) – nói về cách hủy quyết định thu hồi đất của dân đã giao cho một dự án 5 năm trước đó… Và nhiều bài trên các mục “Nghe – thấy, Ý kiến bạn đọc” trên Bình Thuận Chủ nhật (2000-2001): Đường thông mà hè chưa thoáng, Nhà lấn đường đường lấn vào đâu – nói về trật tự đô thị, Hàm Tân nóng lên qua các vụ tranh chấp (8/1999)… Nhiều bài có tính tích cực nhằm thúc đẩy phát triển du lịch: Du lịch Hàm Tân và hướng phát triển (2000), Giải pháp nào đẩy nhanh các dự án du lịch (12/2005)… Đó chỉ là đơn cử một số bài báo được người đọc quan tâm… Dù tổ chức Văn phòng đại diện báo tồn tại qua gần 15 năm, nhưng cũng đánh dấu sự đóng góp một phần nào cho quá trình phát triển của báo. Số CTV từ những năm đầu rơi rụng dần dần cũng là lẽ tất yếu do tuổi đời, sức khỏe.
Những năm sau này, với sự đổi mới của báo về hình thức khá bắt mắt nhờ được đầu tư trang bị, máy móc, trình độ kỹ thuật cao và nhất là về nội dung, mở ra nhiều chuyên trang, chuyên mục đã chuyển tải một dung lượng lớn về những vấn đề thời sự về tình hình trong tỉnh và trong nước được kịp thời. Nhớ chuyện khởi đầu của báo Thuận Hải/Bình Thuận từ 27/10/1976, với những con số khó hình dung so với bây giờ. Số báo đầu tiên in typô khổ 24×33- 4 trang và chỉ phát hành 700 bản. Tòa soạn ban đầu đặt ở Phan Rang là tỉnh lỵ Thuận Hải, đến cuối năm 1977 dời về Phan Thiết. Đến tháng 4/1992 sau chia tách và tái lập tỉnh Bình Thuận, măng sét báo Bình Thuận cũng chỉ mỗi kỳ 5 ngày một số – 1.200 tờ/kỳ. Theo con số phát hành báo giấy Bình Thuận hiện nay đã tăng lên khoảng 4.700 tờ/kỳ, nói lên bao công sức tạo nên và ý nghĩa của một chặng đường. Đến bây giờ báo giấy Bình Thuận 4 ngày/tuần và tờ Bình Thuận cuối tuần khổ lớn 16 trang, Bình Thuận online.
Với bất cứ tờ báo nào cũng cần có những CTV – những nhà báo “nghiệp dư” có khả năng, nhiệt huyết cho một lĩnh vực chuyên sâu nào đó. Báo Bình Thuận hiện nay đang có một lực lượng mới năng động, trình độ cao hơn nhất là ở các lĩnh vực về giáo dục, văn hóa, văn nghệ và lịch sử đất nước, con người Bình Thuận. Người đọc tìm đến với báo, là với “sản phẩm” có chất lượng thông tin hay một vấn đề có sức thuyết phục, bổ ích và sẽ đọng lại ở một bút danh đủ tin cậy. Danh xưng “nhà báo” do người đọc quen gọi với lòng quý trọng qua ngòi bút nhà báo. Nhưng có lẽ họ chẳng mấy phân biệt đến tác giả có phải trong biên chế, có tấm thẻ báo chí hay chỉ là một CTV, mà quan tâm bài báo đó mang lại giá trị thế nào. Tôi nghĩ với một CTV báo chí dù chỗ đứng ở đâu, là nghề tay trái, là nghiệp dư thì người CTV báo chí cũng phải có được cái tư cách của mình ngay trên trang chữ với thái độ khách quan, trung thực và bằng sự đam mê “nghiệp” báo.