Mảnh đất Nga Sơn vẫn thường gợi thương, gợi nhớ về một vùng cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp với thế núi, hình sông, đồng bãi xanh mướt cùng hệ thống di tích lịch sử – văn hóa, thấm đượm bao truyền thuyết, huyền thoại… Chỉ riêng một dòng Hoạt giang bao đời vẫn êm đềm nước chảy cũng đủ dệt nên bức tranh phong cảnh hữu tình, ghi dấu những địa danh, di tích, thì thầm kể chuyện tình yêu đôi lứa ngàn năm…
Cảnh sắc tươi đẹp đôi bờ Hoạt giang. Ảnh: tư liệu
Sông Hoạt phát nguồn từ vùng Yên Thịnh, Hà Trung ở độ cao 125m so với mực nước biển, xuôi dần về phía cửa biển, trải dài 55 km, chảy qua 2 huyện Hà Trung và Nga Sơn. Từ khu vực cầu Cừ trở lên thường gọi là sông Man Bảo, khu vực dưới cầu Cừ thân thuộc gọi tên sông Hoạt. Tại lối Nga Vịnh, sông Hoạt thu nhận một nhánh sông từ phía Bắc chảy về là sông Tống; từ cửa sông Tống đến biển thường gọi là sông Càn. Sông Càn theo hướng Tây – Đông chảy xuống Nga Điền, cách biển khoảng 12 km thì chuyển hẳn hướng Bắc – Nam, gần như vuông góc với hướng cũ chảy qua hai xã Nga Thái, Nga Thủy và ra biển ở cửa Càn. Vượt khỏi cầu Cừ, sông Hoạt đi vào một vùng thấp, sau đó len giữa một dãy núi đá vôi dài khoảng 5m (chiếm 1/10 chiều dài sông, thuộc 3 xã Nga Giáp, Nga An, Nga Thiện). Phác thảo lại đây hành trình của dòng sông Hoạt để thấy rằng: đời sông vẫn luôn thủy chung, son sắt với đất và người Nga Sơn, cùng vẽ nên cảnh sắc say đắm lòng người, cùng dệt nên những vỉa tầng lịch sử – văn hóa độc đáo, tiêu biểu.
Xuôi dòng Hoạt giang, về với vùng đất Nga Thiện, nơi có động Từ Thức và câu chuyện tình Từ Thức – Giáng Hương nổi danh. Động Từ Thức còn được gọi với cái tên mỹ miều khác – động Bích Đào, là hệ thống hang động núi đá vôi nằm trên sườn một ngọn núi đá nhỏ, xung quanh là cánh đồng lúa xanh ngút ngàn, dài khoảng 200m, rộng hàng nghìn m2, vòm hang chỗ cao nhất chừng 40m, được ví như “danh sơn đệ nhất động” của trời Nam. Ngay từ lối vào động, cảnh sắc thiên nhiên đã khiến lòng người chộn rộn niềm yêu thích, hứng khởi. Những bóng cây cổ thụ che rợp khoảng trời, những bộ rễ cây thuộc họ dây leo đu mình sà xuống con đường bê tông hơn 100 bậc thang dẫn lối lên động càng tạo nên cảm giác hoang sơ, u tịch, huyền bí như đang bước trên con đường dẫn tới chốn tiên cảnh bồng lai. Nhiều du khách không khỏi thích thú mà ngồi lên những chiếc rễ cây, tưởng tượng như mình đang trở lại thuở sơ khai, bản năng, gần gũi tự nhiên nhất. Ngay trước cửa động, du khách sẽ bắt gặp hai bài thơ chữ Hán khắc trên đá ca ngợi vẻ đẹp của động do các bậc tao nhân mặc khách động lòng mà nên thơ…
Điểm làm nên sức hấp dẫn, đặc sắc của động Từ Thức chính là hệ thống thạch nhũ với muôn hình vạn trạng, lóng lánh sắc màu. Ai đã một lần đến với động Từ Thức, hẳn sẽ không khỏi xuýt xoa, trầm trồ trước sự sắp đặt tài tình, kỳ công của tạo hóa đã tạo nên bao nhiêu cảnh đẹp như thực, như mơ, lung linh rực rỡ sắc màu, muôn hình vạn trạng. Động Từ Thức được chia làm 3 động nhỏ: động ngoài, động giữa và động trong, hay thường gọi là ba cung. Tưởng chừng như khi ta chạm bàn tay vào những khối thạch nhũ ấy sẽ nghe được âm thanh từ miền hư vô nào vọng lại, kể chuyện tình chàng Từ Thức – nàng Giáng Hương: Rời thuyền thừa hứng viếng Từ công/ Cửa động y nguyên khóa ánh hồng/ Xiêm ráng vách treo rờn gấm vóc/ Phượng reo đá gõ vọng cung thương/ Duyên tiên từ thuở ba sinh hẹn/ Bể khổ nay đà mấy độ dâng/ Chớ bảo giao trì ngày thấm thoát/ Chơi đây nào khác dạo Bồng Lang (bài thơ của chúa Trịnh Sâm, Hồng Phi phiên âm và dịch). Tiên cảnh và trần thế, hư và thực đan xen trong câu chuyện, chứng tỏ chất lãng mạn, lạc quan, yêu cuộc sống là bản tính của dân tộc Việt Nam. Câu chuyện tình yêu của Từ Thức – Giáng Hương đã thổi hồn cho đá núi? Hay chính sự hiện diện của đá núi đã khẳng định thêm sức sống của câu chuyện tình yêu ấy? Chẳng cần rạch ròi phân định, bởi lẽ đá, núi và câu chuyện tình ấy đã hòa quyện, sống trong nhau và cùng nhau thăng hoa, ghi dấu.
Động Bạch Á với nét đẹp hoang sơ, kỳ bí.
Một thắng cảnh nổi tiếng của Nga Thiện đó là núi bia thần, nơi thuở xưa có một mỏm đá nhô ra sông thuyền bè có thể đi luồn dưới gầm núi, trên núi có khắc chữ “Thần” bằng Hán tự rất lớn. Điều đặc biệt ở Nga Sơn là sự hiện diện của nhiều địa danh được gắn với chữ Thần (cửa Thần Phù, bia thần, giếng thần…). Và núi bia thần trên hành trình sông Hoạt xuôi dòng đã lưu dấu thêm phần kỳ bí, nhuốm màu sắc tâm linh. Nhìn nét chữ khỏe khoắn, phóng khoáng được khắc tạc trên đá, ở một vị trí núi non hiểm trở như muốn chứng tỏ rằng nơi đây là vùng đất thiêng, có thần linh che chở, phù hộ.
Cũng trên mảnh đất Nga Thiện này, bên cạnh sức hấp dẫn của động Từ Thức, du khách có thể ghé thăm động Bạch Á – thắng cảnh độc đáo, nơi lưu giữ nhiều giá trị lịch sử – văn hóa. Động Bạch Á (hay còn gọi là động Bạch Ác, Bạch Nha, Biên Phúc Cốc), nằm trong lòng một núi đá, từ xưa vốn đã được biết đến là một nơi có cảnh quan thiên nhiên kỳ thú. Người xưa đặt tên động là Bạch Á, nghĩa chữ Hán là “quạ trắng” bởi nơi đây, từ xa hướng tầm mắt về phía cửa động thấy tựa như một con quạ khổng lồ đang sải rộng đôi cánh giữa một khoảng trời rộng lớn bàng bạc mây. Đất trong động có màu ngà ngà trắng, sông nước bao bọc xung quanh nên cảnh sắc xung quanh động càng như mở ra mênh mông. Động Bạch Á còn là nơi có rất nhiều dơi cư trú. Vì vậy, từ xưa tới nay, Nhân dân địa phương còn gọi động theo tên khác nữa là động Dơi (Biên Phúc Cốc). Sách Đại Nam nhất thống chí có ghi chép về chùa và động Bạch Á: “Ở phía tả núi Thần Phù, thuộc xã Nội Trị, phía trước tới con sông nhỏ nổi lên một ngọn núi, trong núi có một cái động, cao rộng thanh thú khác thường. Nhân động dựng chùa, trong chùa có một pho tượng, ngoài chùa có xây cửa, trông thẳng ngay xuống Nga cảng. Ngư hò tiều hát, kinh đọc chuông kêu, thực là một cảnh đáng ưa giữa nơi san thủy hữu tình”. Ngày nay, du khách đến với động Bạch Á không còn được nhìn thấy cảnh sông nước vây quanh động nữa mà thay vào đó là thảm thực vật xanh tốt, um tùm phủ bóng phía trên động. Tiếng chim hót lảnh lót ngân nga hòa cùng màu xanh mướt mát của cây rừng ngỡ như động Bạch Á chính là sân khấu mà tạo hóa khéo sắp đặt để bản hòa ca ấy được cất lên. Ngoài tấm bia khắc chữ Phật có kích thước 1,8m đặt trước cửa động, hiện vật có giá trị nhất trong động phải kể đến hệ thống rồng lớn, nhỏ ngậm ngọc làm bằng đá vôi trắng chầu hai bên, theo các bậc cấp dẫn lối lên cửa động.
“Lênh đênh cửa Thần Phù/ Khéo tu thì nổi, vụng tu thì chìm”, câu ca xưa tái hiện một vùng cửa biển sóng to, nước giữ trên hải trình Hoạt giang xuôi dòng về với biển. Non nước Thần Phù là vùng danh thắng bậc nhất trong 12 cửa biển. Vùng cửa biển này cũng là một địa danh nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam về các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Theo “Nam Ông mộng lục”, Vua Lý Thái tông mang quân Nam tiến để đánh dẹp Chiêm Thành, đến cửa biển này gặp gió to sóng dữ, không đi được, may nhờ một đạo sĩ có phép thuật cao minh dẹp yên sóng dữ. Trên đường trở về, đạo sĩ mất. Vua biết tin, cho lập đền thờ ở ngay cửa biển, phong hiệu là “Áp lãng chân nhân” (người dẹp yên được sóng dữ) và gọi tên nơi đây là cửa biển Thần Phù. Một vùng cửa biển linh thiêng quy tụ nhiều di tích: đền Áp lãng chân nhân, chùa Hàn Sơn, đình Phù Sa…, trong đó chùa Hàn Sơn (xã Nga Điền, Nga Sơn) như nét chấm phá đặc sắc. Chùa được xây dựng tại khu vực cửa biển năm 1797, đến nay đã trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo. Chùa được xây dựng với kết cấu tiền phật hậu thánh, có tam quan uy nghi, hồ bán nguyệt…
Như một dải lụa mềm mại, Hoạt giang – một vùng non nước đắm say lòng người, vùng lịch sử – văn hóa – tâm linh đặc sắc. Đó là tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch của Nga Sơn mà không phải nơi nào cũng có được. Tuy nhiên, để có thể khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế ấy, huyện Nga Sơn cần có sự quan tâm, đầu tư thỏa đáng, xứng tầm hơn nữa, quyết liệt trong ý chí, linh hoạt, sáng tạo, đột phá trong hành động.
Bài và ảnh: Thảo Linh