Thanh Hóa được đánh giá là tỉnh có tiềm năng lớn về sản xuất nông nghiệp với 45.803 ha đất trồng lúa mỗi năm; 50.600 ha rau các loại, sản lượng 580.700 tấn… Đây là nguồn nguyên liệu dồi dào và là lợi thế để tỉnh phát triển ngành chế biến nông, lâm, thủy sản.
Sản xuất dứa đóng hộp xuất khẩu tại Công ty CP Chế biến và Xuất khẩu Nông Sản Việt, phường Long Anh (TP Thanh Hóa).
Để phát huy lợi thế này, thời gian qua, tỉnh đã quan tâm tập trung nhiều giải pháp thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản. Hiện, toàn tỉnh có khoảng 250 doanh nghiệp, HTX chế biến, kinh doanh lâm sản, hơn 30 doanh nghiệp chế biến nông sản, 80 doanh nghiệp chế biến thủy, hải sản.
Trên cơ sở đánh giá về diện tích và sản lượng thì tỉnh ta thực sự là “mảnh đất màu mỡ” để doanh nghiệp chế biến nông sản mạnh dạn đầu tư mà không phải lo lắng về nguồn nguyên liệu. Thế nhưng, trên thực tế, qua quá trình sản xuất, kinh doanh, đa phần các doanh nghiệp chế biến trên địa bàn tỉnh đều rơi vào tình trạng thiếu nguồn nguyên liệu tại chỗ, nên các doanh nghiệp đều khao khát có được nguồn nguyên liệu này.
Là đơn vị chuyên chế biến các sản phẩm dứa đóng hộp xuất khẩu, mỗi năm Công ty CP Chế biến và Xuất khẩu Nông Sản Việt, phường Long Anh, TP Thanh Hóa sản xuất và xuất khẩu khoảng 10.000 tấn nông sản đóng hộp các loại. Theo đó, mỗi năm công ty cần khoảng 25.000 tấn nguyên liệu để sản xuất. Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu nội tỉnh phục vụ chế biến của công ty chỉ đạt khoảng 30%, 70% lượng nguyên liệu còn lại công ty phải thu mua, vận chuyển từ các tỉnh Ninh Bình, Nghệ An và Lào Cai. Điều này khiến cho quá trình sản xuất, kinh doanh chịu nhiều ảnh hưởng, lãi ròng của doanh nghiệp đạt thấp.
Ông Nguyễn Văn Quỳnh, Giám đốc Công ty CP Chế biến và Xuất khẩu Nông Sản Việt, cho biết: Việc thu mua, vận chuyển nguyên liệu từ các tỉnh khác về chế biến khiến cho chi phí sản xuất tăng cao hơn nhiều so với việc sử dụng nguyên liệu tại chỗ. Đối với nguyên liệu thu mua, vận chuyển từ các tỉnh Ninh Bình, Nghệ An, Lào Cai chi phí tăng cao khoảng 30 đến 40% so với nguồn nguyên liệu tại chỗ. Còn nguyên liệu được thu mua và vận chuyển từ tỉnh Lào Cai về thì tăng tới 80 đến 90% so với nguyên liệu nội tỉnh. Chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao khiến doanh nghiệp không thể thực hiện được chiến lược hạ giá thành sản phẩm, nên giảm tính cạnh tranh so với các sản phẩm nông sản ở các nước khác. Ngoài ra, việc nguyên liệu vận chuyển từ xa về, thời gian kéo dài cũng khiến cho chất lượng nguồn nguyên liệu ít nhiều bị ảnh hưởng, trong quá trình thực hiện khâu xử lý nguyên liệu, tỷ lệ hao hụt cao hơn.
Để chủ động được nguồn nguyên liệu tại chỗ, đã có thời kỳ, Công ty CP Chế biến và Xuất khẩu Nông Sản Việt liên kết với các hộ trồng dứa trên địa bàn tỉnh để sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Thế nhưng, trong quá trình thực hiện liên kết, người dân nhiều lần không tuân thủ các quy định, tự ý bán sản phẩm ra bên ngoài với giá cao hơn so với thỏa thuận với doanh nghiệp, hoặc lựa chọn những sản phẩm đạt chất lượng loại 1 để bán ra ngoài với giá cao hơn, lượng sản phẩm đạt chất lượng thấp hơn lại bán cho công ty. Trong khi đó, doanh nghiệp lại không có đủ nhân lực để quản lý được vùng nguyên liệu liên kết, nên doanh nghiệp đành bỏ cuộc. Để thực hiện mục tiêu nâng cao năng lực, khả năng cạnh tranh cho sản phẩm của đơn vị và thực hiện chiến lược phát triển bền vững, hơn lúc nào, Công ty CP Chế biến và Xuất khẩu Nông Sản Việt khao khát xây dựng được vùng nguyên liệu tại chỗ phục vụ chế biến.
Là đơn vị có hơn 20 năm hình thành và phát triển, nhưng việc xây dựng được vùng nguyên liệu tại chỗ đối với Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Thanh Hóa vẫn là bài toán khó chưa có lời giải. Ông Nguyễn Công Hùng, Giám đốc kinh doanh, Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Thanh Hóa, cho biết: “Mỗi năm, công ty chúng tôi cần khoảng 10.000 tấn ngao nguyên liệu để chế biến và phục vụ xuất khẩu. Hiện nay, diện tích ngao trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 1.250 ha, sản lượng hàng năm đạt khoảng 15.000 ha. Nếu so với nhu cầu của công ty, thì nguồn nguyên liệu của tỉnh dư sức đáp ứng về sản lượng. Tuy nhiên, những năm qua, công ty chỉ thu mua được khoảng 1.000 tấn ngao nội tỉnh, đáp ứng được 10% nhu cầu về nguyên liệu. Lượng còn lại công ty đều phải lấy từ tỉnh Ninh Bình về”.
Lý giải về sự bất cập này, ông Nguyễn Công Hùng cho biết thêm: “Sở dĩ có nghịch lý trên là bởi ngao ở Thanh Hóa thường nuôi với mật độ quá dày, quá trình nuôi của người dân chủ yếu nuôi theo kinh nghiệm truyền thống, nên chất lượng ngao không đáp ứng được yêu cầu của công ty. Bởi vậy, công ty đành tìm đến tỉnh bạn để đầu tư vùng nguyên liệu”.
Câu chuyện “khát” vùng nguyên liệu tại chỗ gần như là bất cập đối với hầu hết các doanh nghiệp chế biến trên địa bàn tỉnh. Để giải quyết câu chuyện này, các doanh nghiệp đều mong muốn người dân cũng cần tuân thủ nghiêm các nội dung cam kết trong quá trình thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Đơn vị quản lý Nhà nước cũng cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến cho người dân về lợi ích, trách nhiệm trong việc tuân thủ hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm đã ký với doanh nghiệp. Đồng thời, tăng cường giám sát, quản lý vùng nguyên liệu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu phục vụ chế biến.
Theo đánh giá của ông Hoàng Việt, Trưởng Phòng Chế biến và Thương mại nông sản, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản tỉnh Thanh Hóa, hiện nay, ngoài 3 nhà máy chế biến lúa gạo trên địa bàn tỉnh có nguyên liệu bảo đảm, thì hầu hết các đơn vị chế biến nông, lâm, thủy sản ít hay nhiều đều đang bị thiếu nguyên liệu chế biến. Tình trạng thiếu nguyên liệu chế biến của các doanh nghiệp ở nhiều mức độ khác nhau. Có doanh nghiệp bị thiếu nguyên liệu cục bộ, có thời điểm nguyên liệu thiếu nghiêm trọng, nhưng cũng có thời điểm thừa nguyên liệu do phụ thuộc vào yếu tố mùa vụ. Còn có doanh nghiệp lại thiếu nguyên liệu chất lượng cho các sản phẩm chế biến sâu. Song, dù thiếu ở mức độ nào thì việc không chủ động được nguyên liệu cũng là yếu tố đe dọa đến sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Do đó, để bảo đảm lộ trình phát triển của đơn vị, các doanh nghiệp cần chủ động xây dựng chiến lược đầu tư và phát triển vùng nguyên liệu tại chỗ. Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản tỉnh Thanh Hóa đã và đang cùng với các đơn vị thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp chế biến, đầu tư xây dựng và phát triển bền vững nguồn nguyên liệu tại chỗ.
Bài và ảnh: Hương Thơm